Dị tật thai nhi là do thụ tinh nhân tạo?

(Dân trí) - Nhiều người không tự tin khi đến bệnh viện để làm thụ tinh nhân tạo vì họ cho rằng việc làm này có thể khiến đứa trẻ ra đời không hoàn chỉnh. Một số khác lại cho rằng các bác sĩ có thể can thiệp dị tật thai nhi ngay từ trong bụng mẹ… Điều này có đúng?

Để làm rõ vấn đề này, báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với bác sỹ Trần Danh Cường, Phó Giám đốc TT Chẩn đoán trước sinh - bệnh viện Phụ sản TƯ.

 

Xin cho biết quan điểm của ông về vấn đề can thiệp dị tật thai nhi?

 

Ngay ở trên thế giới, việc can thiệp dị tật thai nhi ngay cũng rất ít, chỉ một vài trường hợp. Theo tôi được biết, tại Mỹ mới chỉ có 1 - 2 trường hợp thai nhi được can thiệp ở khâu thoát vị cột sống. Tuy nhiên, do việc can thiệp dị tật thai nhi không chỉ tốn kém mà còn rủi ro cao, nguy hiểm cho cả người mẹ và thai nhi, nên kỹ thuật này chưa thể áp dụng được rộng rãi.

 

Trong tương lai, người ta mong muốn có thể can thiệp một số dị tật ở thai nhi như điều trị một số phần ở thành bụng trước hay một số bệnh lý của các chi.

 

Vậy trong trường hợp nào thì được coi là can thiệp sớm?

 

Can thiệp sớm ở đây là đánh giá nguy cơ của đứa trẻ sau khi sinh. Nếu có dị tật thì dị tật đó có ảnh hưởng như thế nào đến đứa trẻ sau khi chào đời cũng như sau này? Ví dụ như đối với bệnh thoát vị cột sống, đứa trẻ hoàn toàn có thể sống nhưng dị tật này sẽ gây rối loạn chức năng khiến việc đi vệ sinh không tự chủ được. Một số bất thường khác về NST thường không thể hiện qua vẻ bề ngoài nhưng nó sẽ khiến đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ một cách trầm trọng.

 

Can thiệp của chẩn đoán trước sinh tức là tiên đoán những nguy cơ về tàn phế trong tương lai để thai phụ và gia đình có cách giải quyết phù hợp, hoặc là giữ lại hoặc là bỏ thai.

 

Nói đến dị tật thai nhi, có một số người liên tưởng đến thụ tinh nhân tạo. Họ cho rằng, thụ tinh nhân tạo hay dùng các biện pháp hỗ trợ sinh sản nói chung đều có liên quan đến dị tật thai nhi. Ông nghĩ sao về điều này?

 

Tôi xin khẳng định là không có. Dị tật thai nhi phụ thuộc vào quy luật của di truyền. Vì vậy các phương pháp hỗ trợ sinh sản đều không làm tăng tỷ lệ dị dạng.

 

Chẩn đoán trước sinh để phát hiện dị tật thai nhi chủ yếu dựa vào siêu âm. Tuy nhiên, không phải lúc nào và không phải thai phụ nào cũng biết lựa chọn những cơ sở tin cậy để đến khám. Xin bác sỹ cho lời khuyên đối với họ?

 

Khi bắt đầu có thai, chị em nên tới các trung tâm, cơ sở y tế để tìm hiểu xem nên chẩn đoán trước sinh vào lúc nào thì tốt nhất. Nếu đi siêu âm thì được khuyến cáo 3 thời điểm quan trọng là 12, 22 và 32 tuần. Vào những thời điểm đó, các chị em cần đến những nơi có uy tín như bệnh viện Phụ sản TƯ, bệnh viện Phụ sản Hà nội... Vì khi đến những nơi đó, nếu các bác sỹ siêu âm có những nghi ngờ thì họ sẽ chuyển về trung tâm của chúng tôi để hội chẩn.

 

Vì trên thực tế, nhiều phòng khám siêu âm ở ngoài chủ yếu siêu âm để đo vẽ, xem giới tính, xem mặt thai nhi. Và cũng không phải bác sỹ siêu âm nào cũng đều có kỹ năng chẩn đoán trước sinh vì siêu âm chỉ phát hiện hình ảnh còn chẩn đoán trước sinh thì phát hiện có những dị tật gì. 

 

Những thời điểm cần đi siêu âm

 

Tỷ lệ dị tật thai nhi ở Việt Nam hiện là 3%, hay gặp nhất là dị tật ở hệ thống thần kinh, đầu - mặt - cổ, ngực - bụng. Để phát hiện các trường hợp bất bình thường, thai phụ cần phải đi siêu âm vào đúng ba thời điểm.

 

12-14 tuần

 

Ở thời điểm này, siêu âm giúp tính tuổi thai cực kỳ chính xác. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm duy nhất có thể đo khoảng sáng sau gáy nhằm dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể nguy hiểm (gây bệnh down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành...). Nếu khoảng sáng sau gáy tăng, vào tuần thứ 18, thai phụ cần được chọc ối để chẩn đoán bệnh down và siêu âm hình thái xem có dị dạng hay không.

 

21-24 tuần

 

Nếu người mẹ không quá béo, máy siêu âm tốt và trình độ bác sĩ ổn thì việc siêu âm lúc này có thể giúp phát hiện hầu hết các bất thường về hình thái của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng. Lần siêu âm này rất quan trọng vì nếu cần đình chỉ thai nghén thì phải làm trước tuần thứ 28. Sau thời gian đó, nếu kích thích đẻ non thì thai dị tật vẫn có thể sống.

 

30-32 tuần

 

Lần siêu âm này giúp phát hiện một số vấn đề hình thái xảy ra muộn như bất thường ở động mạch, tim và một vùng cấu trúc của não. Ngoài ra, siêu âm lúc 30-32 tuần cũng giúp nhận biết tình trạng phát triển chậm trong tử cung - một nguyên nhân gây suy thai và ngạt sau đẻ.

Ngoài 3 lần xét nghiệm trên, bác sĩ Trần Danh Cường cũng khuyến cáo, tất cả các thai phụ nên làm xét nghiệm sàng lọc mang tên Triple test, giúp dự đoán nguy cơ dị dạng nhiễm sắc thể của thai. Nếu kết quả dưới 1/250 thì có thể yên tâm là em bé hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm này chính xác đến 95,5%, tuy nhiên cũng chỉ có giá trị khi được thực hiện vào tuần thai 14-17. Chi phí cho một lần làm Triple test là 250.000 đồng.

Lan Hương