Đi ngoài phân đen: Đừng vội mừng vì nghĩ rằng cơ thể giải độc tốt!

Minh Nhật

(Dân trí) - Khi các mạch máu trên bề mặt khối u bị vỡ sẽ dẫn đến hiện tượng chảy máu dạ dày và biểu hiện rõ nhất là phân có màu đen.

Đi ngoài phân đen: Đừng vội mừng vì nghĩ rằng cơ thể giải độc tốt! - 1

Lao Wang, một người đàn ông Trung Quốc 50 tuổi, nhập viện sau khi bị ngất xỉu. Khi thăm khám cho bệnh nhân này, bác sĩ lại phát hiện ra nhiều điểm bất thường.

“Ấn tượng đầu tiên về bệnh nhân này là anh ta có một nước da tái nhợt, kết mạc của anh ta cũng rất nhợt nhạt, nên theo kinh nghiệm của tôi Wang bị thiếu máu nặng”, vị bác sĩ này chia sẻ.

Đi ngoài phân đen: Đừng vội mừng vì nghĩ rằng cơ thể giải độc tốt! - 2

Để xác định rõ tình trạng bệnh của Lao Wang, bác sĩ đã hỏi thêm bệnh nhân này về các triệu chứng bất thường trước đó. Lao Wang thừa nhận rằng, trong hơn 2 năm trở lại đây, ông có hiện tượng thường xuyên đi ngoài ra phân màu đen. Đặc biệt, trong 2 tháng gần nhất, ngày nào phân của ông cũng có tình trạng này. Tuy nhiên, người đàn ông 50 tuổi này chỉ nghĩ rằng, sở dĩ phân có màu đen là do cơ thể của ông có khả năng giải độc tốt. Vậy nên thay vì lo lắng và đến bệnh viện để thăm khám, ông Wang thậm chí còn vui mừng.

Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn, từ các dấu hiệu kể trên, bác sĩ nhận định rằng, ông Wang bị xuất huyết dạ dày, đây là tình trạng có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, thậm chí là ung thư dạ dày.

Kết quả xét nghiệm chuyên sâu sau đó khẳng định bệnh nhân Lao Wang mắc ung thư dạ dày ở giai đoạn muộn.

Đi ngoài phân đen: Đừng vội mừng vì nghĩ rằng cơ thể giải độc tốt! - 3

Từ trường hợp của Lao Wang, các bác sĩ khuyến cáo những người từ 40 tuổi trở lên cần đặc biệt cảnh giác với nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa bởi đây là độ tuổi rủi ro xuất hiện các khối u ác tính tăng cao.

Thiếu máu cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm bệnh lý đường tiêu hóa. Nguyên nhân đầu tiên được các bác sĩ xét đến trong trường hợp này là xuất huyết đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, là những nguyên nhân gây chảy máu đường tiêu hóa khác như loét dạ dày, giãn dạ dày, vỡ thực quản và đương nhiên có cả ung thư dạ dày.

Theo lý giải của bác sĩ, khi phát triển, trên bề mặt khối u sẽ có rất nhiều mạch máu được hình thành mới để phục vụ cho mục đích duy nhất là cung cấp dưỡng chất cho khối u. Sự cọ xát khiến các mạch máu này bị vỡ sẽ dẫn đến hiện tượng chảy máu dạ dày và biểu hiện rõ nhất là phân có màu đen.

Bệnh nhân ung thư dạ dày ở giai đoạn càng muộn thì các triệu chứng của thiếu máu sẽ xuất hiện ngày càng rõ như da xanh, niêm mạc nhợt nhạt.

Đi ngoài phân đen: Đừng vội mừng vì nghĩ rằng cơ thể giải độc tốt! - 4

Những người có nguy cơ cao mắc ung thư là: có tiền sử viêm loét dạ dày, đau vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, nôn hoặc buồn nôn... Nếu điều trị nội khoa không khỏi thì cần nội soi dạ dày để phát hiện ung thư.

Ung thư dạ dày là căn bệnh ung thư thường gặp trong những bệnh ung thư đường tiêu hóa. Năm 2018 Việt Nam ghi nhận 17.527 người mắc ung thư dạ dày; 15.065 ca tử vong vì căn bệnh này.

Bác sĩ khuyến cáo người dân cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ từ ngoài 40 tuổi, trong đó có tầm soát ung thư. Những người tiền sử gia đình có người bị ung thư, đa polyp đại tràng, viêm gan B… nên khám sàng lọc sớm hơn. Với ung thư dạ dày, nên định kỳ nội soi dạ dày mỗi năm 1-2 lần, nếu kết quả bình thường thì có thể cách 2 năm nội soi 1 lần.