Đi bộ, giảm cân, ăn uống lành mạnh phòng ngừa 40% nguy cơ mắc ung thư

(Dân trí) - Bên cạnh ăn cho lành, uống cho sạch thì tập luyện đều có thể giúp mỗi người phòng ngừa 40% nguy cơ mắc ung thư. Từ bỏ thói quen lười vận động, mỗi ngày tập luyện ít nhất 30 phút là giải pháp đơn giản không chỉ phòng được ung thư mà còn tránh bệnh mạn tính.

Thống kê của GLOBOCAN năm 2018 cho thấy, Việt Nam với dân số gần 96,5 triệu người thì có hơn 164,6 nghìn ca ung thư mới mắc, trong đó có 114.871 người tử vong do ung thư và 300.033 người đang sống chung với ung thư. Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam các loại ung thư gan, phổi, dạ dày, đại – trực tràng đang là nhóm bệnh tấn công dữ dội nhất trên cả 2 giới (nam – nữ) ở Việt Nam. Phụ nữ còn chịu thêm gánh nặng của ung thư cổ tử cung, ung thư vú. Trong đó 3 loại ung thư thường gặp hàng đầu là gan, phổi và dạ dày.

Đi bộ, giảm cân, ăn uống lành mạnh phòng ngừa 40% nguy cơ mắc ung thư - 1
Ung thư đang tấn công con người qua thói quen ăn uống vô độ và lười vận động

Ung thư là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm nhưng không phải là án tử nếu biết cách phòng tránh, chủ động bảo vệ sức khỏe, tăng cường hệ thống phòng thủ cho cơ thể. Ngoài việc ăn sao cho lành, uống như thế nào cho sạch thì tập luyện đều là những giải pháp được các chuyên gia khuyến cáo có thể giúp mỗi người có thể phòng ngừa 40% nguy cơ mắc ung thư.

Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, ăn uống vô độ nạp quá nhiều chất béo nhưng lại lười vận động là nguyên nhân dẫn tới béo phì làm tăng nguy cơ nhiều loại ung thư do cơ thể sản xuất nhiều estrôgen và insulin, các hormon này kích hoạt sự phát triển của tế bào sinh ung. Các bằng chứng khoa học cho thấy hoạt động thể lực giúp phòng ngừa các loại ung thư, trong đó 3 loại ung thư đặc hiệu là: ung thư đường ruột, ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung. Hoạt động thể lực thường xuyên không những giúp giảm nguy cơ mắc ung thư còn đóng vai trò quan trọng giúp duy trì cân nặng, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Vận động giúp giảm lượng hormon gây nguy cơ ung thư vú và ung thư tử cung trong cơ thể. Tập thể dục đều đặn mỗi ngày giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Tăng tốc độ vận chuyển thức ăn qua đường ruột giúp giảm nguy cơ ung thư đường ruột. Hoạt động thể lực được hiểu là bất kỳ cử động nào cần sử dụng cơ bắp với các cường độ nhẹ, trung bình, nặng. 

Đi bộ, giảm cân, ăn uống lành mạnh phòng ngừa 40% nguy cơ mắc ung thư - 2
Vận đồng đều mỗi ngày là giải pháp hiệu quả để bảo vệ cơ thể trước nguy cơ ung thư và bệnh mạn tính

Hoạt động thể lực không cần cầu kỳ mà phải tập đều mỗi ngày, tối thiểu 45 phút đối với nam và 40 phút đối với nữ. Các hoạt động trung bình có thể thực hiện với những giải pháp đơn giản như bách bộ, đạp xe, làm vườn, chăm sóc nhà cửa kèm với hít thở sâu, đầy. Nếu muốn cải thiện sự sung sức cần hoạt động thể lực mức độ trung bình 60 phút hoặc hoạt động thể lực cường độ nặng 30 phút mỗi ngày. Tập luyện cật lực vận dụng cơ bắp giúp tim đập nhanh hơn, thở hít mau hơn, sâu hơn, ra nhiều mồ hôi hơn. 

Để tránh bệnh lười vận động, tạo điều kiện cho ung thư tấn công, BS Trần Trọng Nhân, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân Dân 115 khuyến cáo mỗi người cần hạn chế tối đa những thói quen ngồi tĩnh tại như xem tivi, nằm chơi, lướt web, chơi game… Nên từ bỏ thói quen ít vận động để trở nên năng động hơn bằng các hành động đứng nói chuyện điện thoại thay vì ngồi; tránh xem tivi hay dùng internet nhiều giờ vào buổi tối; nên đi dạo cùng bạn bè sau bữa trưa; đi bộ 30 phút mỗi ngày hoặc 15 phút vào buổi sáng, buổi tối. 

Nếu đi lại bằng xe hơi nên đậu xe xa vị trí muốn đến và xuống đi bộ; nếu đi lại bằng các phương tiện công cộng nên xuống xe sớm và đi bộ hết quãng đường còn lại. Đi thang bộ thay vì thang máy; cuối tuần nên vận động nhiều hơn cùng với gia đình và bạn bè, đi bộ dạo phố hoặc đến viện bảo tàng, các cửa hàng gần nhà; làm việc nhà khoảng 30 phút như nhổ cỏ, lau chùi nhà tắm, nhà cửa, tự rửa xe, hút bụi, quét nhà, quét sân; để tạo thói quen hoạt động thể lực cường độ trung bình – nặng nên chọn những môn thể thao mình thích như khiêu vũ, bơi lội, đá bóng, bóng rổ, cầu lông...       

Nên gặp bác sĩ để được tư vấn giúp giữ trọng lượng cơ thể hợp lý nhất dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI) tính cân nặng lý tưởng. BMI = (cân nặng (kg)/chiều cao (m))2. Nên duy trì BMI là 21 (nữ) và 22 (nam). Đo thành phần cơ thể và đưa phần trăm mỡ cơ thể về giới hạn bình thường: nam từ 10-20% cân nặng, 18-28% đối với nữ.

Vân Sơn

Dòng sự kiện: Dự phòng ung thư