Đề xuất thành lập Vụ Sức khoẻ người cao tuổi thuộc Tổng cục Dân số

(Dân trí) - Bộ Y tế đề xuất thành lập mới Vụ Sức khỏe người cao tuổi trực thuộc Tổng cục Dân số để thống nhất quản lý nhà nước về sức khỏe người cao tuổi. Vụ này dự kiến sẽ bao gồm 12 vị trí.

Bộ Tư pháp chuẩn bị tổ chức cuộc họp thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dân số thuộc Bộ Y tế.

Tờ trình của Bộ Y tế cho biết, Tổng cục Dân số hiện nay có 7 tổ chức tham mưu giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dân số- kế hoạch hoá gia đình gồm: Vụ Quy mô Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Truyền thông - Giáo dục, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Tổng cục, Vụ Pháp chế - Thanh tra. Ngoài ra có 4 tổ chức sự nghiệp trực thuộc: Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng; Trung tâm Nghiên cứu, Thông tin và Dữ liệu; Trung tâm Tư vấn và Cung ứng dịch vụ; Báo Gia đình và Xã hội.

Để đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Dân số trong giai đoạn tới, Bộ Y tế đề xuất giữ nguyên các vụ, đơn vị trên nhưng đề xuất thành lập mới Vụ Sức khỏe người cao tuổi.

Trụ sở Tổng cục Dân số (Bộ Y tế).
Trụ sở Tổng cục Dân số (Bộ Y tế).

Lý giải điều này, Bộ Y tế cho rằng, già hóa dân số tại Việt Nam diễn ra với tốc độ nhanh, đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Theo Điều tra Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam năm 2011, hơn 60% người cao tuổi cho biết tình trạng sức khỏe là yếu hoặc rất yếu và thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc (bình quân mỗi người mắc 3 bệnh) chủ yếu là các bệnh mãn tính phải điều trị suốt đời như: Bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, tắc nghẽn mạch phổi, thoái hóa khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ…. .

Tuy vậy, hiện nay phần lớn người cao tuổi chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Đến năm 2014, tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ chỉ là 27,5% và tỷ lệ người cao tuổi có bảo hiểm y tế chỉ chiếm 60%. Tuy vậy, các cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý để tổ chức triển khaicác dịch vụ quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn rất hạn chế.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc),…đều có Vụ Sức khỏe người cao tuổi trong cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế. Trong khi đó hiện nay Việt Nam chưa có cơ quan nào quản lý nhà nước về sức khỏe người cao tuổi. Do vậy, việc thành lập Vụ Sức khỏe người cao tuổi thuộc Tổng cục Dân số là cần thiết.

Vụ Sức khỏe người cao tuổi sẽ gồm 12 vị trí

Theo dự thảo tờ trình của Bộ Y tế gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có ý kiến nhất trí với việc bổ sung nội dung “chăm sóc sức khỏe người cao tuổi” vào chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Dân số.

Trước ý kiến của Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ về việc rà soát các nội dung nhiệm vụ về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của Tổng cục Dân số để tránh trùng lắp với chức năng nhiệm vụ của các Vụ, Cục khác thuộc Bộ Y tế, Bộ Y tế diễn giải: Trước đây nhiệm vụ về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được giao cho một số đơn vị thực hiện nhưng chưa có một đơn vị làm đầu mối để xây dựng, quản lý, theo dõi, đôn đốc. Bộ Y tế đã thống nhất giao cho Tổng cục Dân số là đầu mối giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm quản lý nhà nước về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Thực hiện Nghị định 75/2017 của Chính phủ, Bộ Y tế đang rà soát, xây dựng dự thảo quyết định của Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế. Bộ Y tế sẽ điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế cho phù hợp, đảm bảo nguyên tắc: mỗi nhiệm vụ đều được giao cho một đơn vị đầu mối chủ trì thực hiện.

Đối với ý kiến của Bộ Nội vụ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực hiện nghiêm Nghị quyết 39/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế khi đề xuất thành lập Vụ Sức khỏe người cao tuổi thuộc Tổng cục Dân số, Bộ Y tế đã xin đề xuất cơ cấu của Vụ này gồm 12 vị trí: Vụ trưởng, không quá 2 Phó vụ trưởng và 9 chuyên viên. Số lượng công chức này sẽ được điều tiết trong số chỉ tiêu biên chế công chức của Tổng cục được Bộ Y tế giao trong tổng biên chế công chức của Bộ Y tế. Bộ Y tế không đề xuất tăng biên chế công chức để bổ sung cho tổ chức này.

Cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của Vụ Sức khỏe người cao tuổi được bố trí trong trụ sở của Tổng cục Dân số. Sau khi có quyết định về việc này, Tổng cục Dân số sẽ thực hiện các vị trí lãnh đạo vụ và chuyên viên được điều chuyển từ Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số và một số vụ, đơn vị khác của tổng cục sang.

Tại Nghị định 75/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế được Chính phủ ban hành ngày 20/6 vừa qua, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hoá gia đình đã được đổi tên thành Tổng cục Dân số.

Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh khoảng 113 bé trai/100 bé gái

Theo Bộ Y tế, mặc dù về tổng thể trên toàn quốc thì Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã đạt 2 con) nhưng mức sinh còn rất khác nhau giữa các vùng miền và giữa các tỉnh/thành phố. Trong khi vẫn còn nhiều tỉnh/thành phố chưa đạt được mức sinh thay thế, nhưng đã có những tỉnh/thành phố có mức sinh thấp hơn mức sinh cho phép.

Nghị quyết của Đại hội Đảng khóa XI đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2015 và đến năm 2020, “tỷ lệ tăng dân số ở nước ta ở mức khoảng 1%”. Điều đó có nghĩa rằng không được phép để cho tỷ lệ tăng dân số tăng cao nhưng đồng thời cũng không cho phép tỷ lệ này hạ thấp quá mức. Vì thế trong thời gian tới, việc kiểm soát mức sinh phải rất linh hoạt tuỳ thuộc vào mức sinh của từng địa phương. Trong khi đó hiện nay mức sinh của các tỉnh/thành phố có khác nhau; có tỉnh/thành phố cần phải giảm mức sinh (như khu vực Tây Nguyên, Miền núi phía Bắc, Đồng bằng Sông Hồng), nhưng có tỉnh/thành phố cần phải tăng mức sinh như TPHCM, miền Tây Nam Bộ…

Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam bắt đầu gia tăng vào đầu những năm 2000 nhưng tốc độ gia tăng lại hết sức nhanh chóng hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Hiện nay, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam khoảng 113 bé trai/100 bé gái. Tình trạng này sẽ tác động xấu đến trật tự, an ninh xã hội, gây khó khăn trong việc xây dựng gia đình của các thế hệ tương lai.

Thế Kha