1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bạc Liêu:

Đề xuất Chính phủ nâng mức hỗ trợ đóng BHYT lên 50%

(Dân trí) - Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, để thực hiện tốt hơn chính sách BHYT, tỉnh kiến nghị Bộ Y tế xem xét đề xuất Chính phủ nâng hỗ trợ mức đóng BHYT từ 30% lên 50% đối với nhóm HS-SV, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT.

Trao đổi với PV Dân trí về việc thực hiện công tác Bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh, BHYT là chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc nhằm chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho người dân.

Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng đó, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách BHYT. Trong đó, tỉnh đã đưa chỉ tiêu thực hiện BHYT toàn dân của tỉnh trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm trình HĐND tỉnh và phấn đấu đến 2020 tỷ lệ bao phủ BHYT là 70 - 75%.

Theo thống kê của UBND tỉnh Bạc Liêu, tính đến ngày 31/11, tỷ lệ độ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh đạt 69,50%, tăng 9,5% so với chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước thực hiện đến cuối năm 2015, độ bao phủ BHYT sẽ đạt 69,80%.

Tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh Bạc Liêu hiện đạt trên 69,50%.
Tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh Bạc Liêu hiện đạt trên 69,50%.

Bà Lê Thị Ái Nam cho biết, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT, tỉnh đã triển khai thực hiện Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện. Trong đó, các bệnh viện đã thành lập Phòng, Tổ quản lý chất lượng; bước đầu tiến hành xây dựng kế hoạch, đề án thực hiện tiêu chí chất lượng bệnh viện; tăng cường đầu tư nguồn lực để nâng mức chất lượng ngày càng tốt hơn.

Trong công tác thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện mã vạch, điều chỉnh nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu cho phù hợp, bố trí lại khu vực khoa khám bệnh, cải tiến quy trình khám bệnh, bắt số tự động, rút ngắn thời gian chờ khám bệnh có hiệu quả. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến BHYT, triển khai chữ ký số trong giao dịch điện tử, trả hồ sơ BHYT qua bưu điện.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Ái Nam, tỉnh luôn quan tâm triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách BHYT đối với các đối tượng như người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, HS-SV, đối tượng bảo trợ xã hội,…Đặc biệt, tỉnh cũng đã cân đối ngân sách hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT cho 100% hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 đến nay.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, TP đưa chỉ tiêu độ bao phủ BHYT vào trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm. Chỉ đạo ngành Giáo dục đưa chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT vào tiêu chí thi đua của ngành, đồng thời tăng cường vận động các nguồn hỗ trợ từ các mạnh thường quân, nhà hảo tâm và kinh phí địa phương hỗ trợ cho đối tượng HS-SV có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia BHYT...


Tỉnh Bạc Liêu đưa vào sử dụng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải tại các bệnh viện (Trong ảnh là lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, Sở Y tế tham quan một phòng mổ hiện đại tại BVĐK tỉnh Bạc Liêu).

Tỉnh Bạc Liêu đưa vào sử dụng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải tại các bệnh viện (Trong ảnh là lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, Sở Y tế tham quan một phòng mổ hiện đại tại BVĐK tỉnh Bạc Liêu).

Song song với công tác BHYT, nhiều giải pháp khắc phục tình trạng quá tải ở các BV cũng được tỉnh Bạc Liêu quan tâm chỉ đạo rất sát sao. Vừa qua, tỉnh đã đầu tư 2 dự án nâng cấp BVĐK tỉnh Bạc Liêu, trong đó đã hoàn thành Khoa Ngoại 250 giường bệnh và mua sắm thêm trang thiết bị y tế. Tỉnh cũng đã xây dựng xong 4 BVĐK huyện, còn lại 2 BVĐK huyện sẽ hoàn thành đầu năm 2016. Bổ sung giường bệnh cho các BV; tăng cường bác sỹ, tăng bàn khám trong những ngày, giờ cao điểm; tổ chức khám bệnh thêm ngày thứ Bảy tránh quá tải bệnh nhân vào ngày thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần.

“Với những giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, cùng với sự tích cực tham gia của người dân nên công tác BHYT của tỉnh thời gian qua đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần làm cho đời sống nhân dân được nâng lên”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Ái Nam đánh giá.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu cũng nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn khó khăn do Luật BHYT sửa đổi, bổ sung về hình thức mua BHYT theo hộ gia đình nên bước đầu gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT.

Một trong những “bất cập” hiện nay là mức đóng BHYT của HSSV tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở và việc mua BHYT theo hộ đã gây khó khăn cho các hộ dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, gia đình có nhiều con đang đi học.

Tỉnh Bạc Liêu triển khai khám chữa bệnh qua thẻ khám bệnh bằng mã vạch đã góp phần rút ngắn thời gian cho bệnh nhân có BHYT.
Tỉnh Bạc Liêu triển khai khám chữa bệnh qua thẻ khám bệnh bằng mã vạch đã góp phần rút ngắn thời gian cho bệnh nhân có BHYT.

Bà Lê Thị Ái Nam cho biết, để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, tỷ lệ bao phủ BHYT theo kế hoạch đề ra, tỉnh tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT đạt tỷ lệ trên 90%. Trong đó, tập trung giải pháp phù hợp để vận động phát triển ở các nhóm người lao động trong các doanh nghiệp (chú trọng khu vực ngoài quốc doanh), HS-SV, hộ gia đình nông lâm ngư diêm nghiệp có mức sống trung bình và đặc biệt là việc tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Tăng cường nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia BHYT. Triển khai, thực hiện tốt các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHYT, củng cố mạng lưới đại lý thu BHYT; quản lý chặt chẽ đối tượng tham gia, tránh tình trạng cấp trùng thẻ BHYT.

Tỉnh sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động và các cơ sở y tế; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng BHYT. Tăng cường công tác giám định, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chi phí khám, chữa bệnh BHYT; phát hiện, ngăn chặn và xử lý việc lạm dụng quỹ; thực hiện nghiệm việc quản lý và thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế theo đúng các quy định; kiểm soát chặt chẽ chi phí đa tuyến nội, ngoại tỉnh.

Bà Lê Thị Ái Nam- PBT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Đề xuất Chính phủ cần nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng có mức sống trung bình tham gia BHYT.
Bà Lê Thị Ái Nam- PBT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: "Đề xuất Chính phủ cần nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng có mức sống trung bình tham gia BHYT".

Trao đổi thêm với PV Dân trí, bà Lê thị Ái Nam- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, để tạo điều kiện cho tỉnh thực hiện tốt chính sách BHYT, tỉnh kiến nghị Chính phủ và Ủy ban Dân tộc xem xét tiếp tục kéo dài thời gian hỗ trợ cho đối tượng sống ở vùng kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn theo các Quyết định của Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc được hưởng quyền lợi BHYT giai đoạn 2016 - 2020.

Kiến nghị Bộ Y tế xem xét đề xuất Chính phủ nâng mức ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT từ 30% lên 50% đối với nhóm HS-SV và hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT.

Tỉnh cũng kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam kịp thời xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí vượt trần Quỹ khám chữa bệnh cho tỉnh để Bảo hiểm xã hội tỉnh có đủ kinh phí thanh toán cho các BV trên địa bàn mua thuốc phục vụ điều trị cho nhân dân. Đây được xem là nhu cầu bức xúc của tỉnh Bạc Liêu.

“Việc dành mã vạch riêng cho các đối tượng được hỗ trợ thẻ BHYT như hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi, trẻ em,...để khi tham gia khám chữa bệnh không cần chi trả viện phí khi trái tuyến cũng là một vấn đề cần được xem xét đến”, Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu nêu thêm ý kiến.

Huỳnh Hải