1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

GLTT “Dinh dưỡng ngày Tết cho người đái tháo đường”:

Để thưởng thức món ngon ngày Tết an toàn, ấm cúng

(Dân trí)- Khép lại <a href="http://giaoluu.dantri.com.vn/Public/15/dang-ky-phong-van.html">buổi giao lưu trực tuyến</a>, những chỉ dẫn chu đáo của 2 khách mời đã giúp cho nhiều độc giả, đặc biệt là những bệnh nhân đái tháo đường có thể thưởng thức các món ngon ngày Tết một cách an toàn, ấm cúng.

Khác với trong năm, vào dịp Tết Nguyên Đán, nhu cầu ăn uống đặc biệt tăng cao và đó cũng là lý do vì sao chúng ta vẫn gọi là “Ăn Tết”. Tuy nhiên, càng nhiều của ngon vật lạ thì nguy cơ nhập viện sau Tết của người mắc chứng ĐTĐ càng tăng cao. Bởi trước những món ăn ngon, quyến rũ, những bữa cơm thịnh soạn thân mật, người bệnh thật khó kiềm lòng. 

 

Để vượt qua cám dỗ của những thực phẩm tết và giữ đường huyết ổn định, bệnh nhân đái tháo đường cần tuân thủ một chế độ ăn ổn định, hợp lý trong những ngày Tết. Đây cũng là lời khuyên của hai chuyên gia hàng đầu về nội tiết là TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào, ThS.BS Diệp Thị Thanh Bình, Trưởng Khoa Nội tiết BV Chợ Rẫy và BV ĐH Y Dược trong buổi tư vấn trực tuyến trên báo Dân trí ngày 20/01.

Để thưởng thức món ngon ngày Tết an toàn, ấm cúng - 1


 

Nguyễn Ngọc Thủy Tiên - Nữ 25 tuổi: Ba tôi bị tiểu đường cấp 1, đã gây biến chứng dẫn đến bị gout và xuất huyết mắt. Tuy nhiên, ông lại rất thích ăn ngọt (bánh ngọt hoặc trái cây có vị ngọt). Ba tôi nên ăn như thế nào để không tăng lượng đường mà còn có thể giảm cảm giác thèm ăn ngọt được không?

 

ThS.BS Diệp Thị Thanh Bình: Theo câu hỏi của bạn thì ba bạn bị tiểu đường típ 1 chứ không phải là cấp 1, bác đã có các biến chứng về mạch máu nhỏ gây xuất huyết ở mắt và bị rối loạn chuyển hóa nên dẫn đến bệnh gout. Thật ra, không có bất cứ một loại thuốc nào để làm giảm cảm giác thèm ăn ngọt. Bác vẫn có thể ăn các loại trái cây có vị ngọt sau ăn nhưng với số lượng chừng mực. Ví dụ: Các loại trái cây như mận, táo, lê, hồng, thậm chí chuối, đu đủ, na, mít bác vẫn có thể dùng được, không nên dùng khi đói. Số lượng trái cây quy theo một suất có thể là 2-3 quả mận, 1 quả táo nhỏ bằng nắm tay của bác, hoặc 1 miếng đu đủ, hoặc một vài múi mít.

 

Phạm Dung - Nữ 27 tuổi: Xin bác sĩ có thể đưa ra một thực đơn cụ thể trong ngày (bao gồm cả ngày Tết và ngày thường) cho bệnh nhân ĐTĐ độ II. Mong bác sĩ đưa ra ví dụ cụ thể (nếu có). Xin cảm ơn BS Diệp Thanh Bình.

 

ThS.BS.Thanh Bình: Bạn muốn có một thực đơn cụ thể trong ngày bao gồm cả ngày tết và ngày thường nhưng không cho chúng tôi biết một vài thông số như chiều cao và cân nặng cũng như công việc mà bạn làm hằng ngày. Vì vậy, chúng tôi rất khó tính được năng lượng cần thiết cho 1 ngày của bạn. Bạn có thể tự tính năng lượng cho mình theo công thức sau: lấy 22 x cân nặng thực tế của bạn = lượng kcal cần thiết cho một ngày. Với tỷ lệ thành phần là 50-60% là chất bột đường, 15-20% là chất đạm và 20-30% chất béo. Vì vậy, bạn có thể ăn các loại thức ăn nhưng đừng vượt quá các tỷ lệ vừa nêu. Ngày tết hay ngày thường đều phải bảo đảm tỷ lệ như vậy.

 

Phạm Thị Hoài - Nữ 26 tuổi: Mẹ tôi năm nay 55 tuổi và mới mắc bệnh đái tháo đường, khi đi kiểm tra thì ở mức 15,6; không ăn ngủ bình thường được và bị sút cân. Vậy bác sỹ cho tôi hỏi mẹ tôi phải có chế độ ăn uống như thế nào để han chế lượng đường trong máu cũng như lấy lại được sức khỏe?

 

TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào: Mức đường huyết của mẹ bạn là 15,6mmol/L là mức rối loạn đường huyết nhiều, nặng, ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, để có kết quả điều trị tốt và có chế độ ăn hợp lý, phù hợp với tình trạng sức khỏe thì mẹ bạn cần phải kiểm tra sức khỏe tổng quát để xem xét các rối loạn liên quan đến đái tháo đường. Về chế độ ăn, nếu chỉ có rối loạn đường huyết không có mỡ máu, không bị tăng huyết áp, không bị các bệnh lý nhiễm trùng mãn tính và cấp tính khác... thì bạn có thể áp dụng chế độ ăn của người đái tháo đường với các nguyên tắc chung như sau: trước tiên bạn xem xét cân nặng của mẹ bạn có bị thiếu so với mức cân nặng lý tưởng của mẹ bạn hay không? (BMI từ 19- 23kg/m2). Nếu BMI đã đạt mức lý tưởng bạn có thể tính năng lượng cần thiết mỗi ngày bằng: cân nặng hiện tại nhân cho 30KCal. Phân chia từ 50-60% là năng lượng từ carbohydrat, nên ưu tiên loại có chỉ số đường huyết thấp (GI<55) và trung bình(GI

55- <70). Để đường huyết lúc đói và sau ăn được duy trì ổn định, lượng protid (khoảng 15-20%), lipid (<30% ) nằm trong giới hạn cho phép. Nếu mẹ bạn gầy hơn mức cân nặng lý tưởng, thì mức năng lượng và lượng protid cần được tăng thêm mỗi ngày sẽ do bác sĩ quyết định. Chúc mẹ bạn sức khỏe tốt.

 

Phuong Lan - Nữ 25 tuổi: Sữa Glucerna SR là sản phẩm dành cho người đái tháo đường. Vậy xin BS Diệp Thanh Bình cho biết lợi ích khi sử dụng những sản phẩm như vậy trong dịp tết được không?

 

ThS.BS Thanh Bình: Glucerna SR là sản phẩm dành cho người đái tháo đường có chỉ số đường huyết thấp vì nó có chứa đường phức, do đó khi sử dụng thì đường huyết không tăng nhanh.

 

Ngoài ra, nó còn chứa các chất béo MUFA có lợi cho tim mạch, có thêm các vitamin có lợi cho sức khỏe và các chất xơ giúp tiêu hóa tốt. Thực phẩm này cũng có thể thay thế cho bữa ăn nếu vì lý do nào đó, bận rộn hoặc đi xa, chưa kịp chuẩn bị hoặc những hôm bị bệnh không ăn được.

 

Tuy nhiên, cũng không nên lạm dụng thực phẩm này mà phải dùng theo đúng hướng dẫn của sản phẩm và thầy thuốc.

 

Nguyen Van Hoa - Nam 35 tuổi: Tôi mắc bệnh ĐTĐ tuyp 2. Tỷ lệ đường là 10,6ml. Tết đến tôi nên ăn những thức ăn loại gì và có nên uống bia trong những ngày tết không?

 

ThS.BS. Thanh Bình: Trong những ngày tết, bạn có thể ăn được tất cả các món ăn như bánh chưng, bánh tét, xôi, nhưng chỉ vào khoảng 150-200g trở lại. Và bạn vẫn có thể ăn kèm dưa kiệu, dưa món nhưng phải chú ý là chỉ ăn một lượng ít thôi vì nó có vị mặn nhiều hay ngọt quá, có thể ảnh hưởng đến đường huyết của bạn. Bạn cũng có thể ăn giò chả, thịt kho trứng, nhưng đây là lượng đạm, mỡ có nguồn gốc động vật nên cũng dùng vào khoảng 150 - 300g/ngày. Tết còn có bánh mứt, đây là những món ăn dễ làm tăng đường huyết vì nó chứa nhiều đường đơn hấp thu nhanh, bạn cũng có thể dùng được nhưng lượng dùng cũng phải chừng mực. Bạn cũng có thể dùng rượu bia, nước ngọt, nhưng chỉ vào khoảng 100-200ml/ngày. Trong các loại rượu, bạn nên dùng rượu vang đỏ.

 

Nguyễn Thị Vân - Nữ 58 tuổi: Tôi bị tiểu đường. Nồng độ đường thường xuyên từ 9 đến 12. Xin tư vấn bác sĩ Bích Đào về thực đơn ngày tết và thực đơn hàng ngày. Xin cảm ơn BS.

 

TS.BS Bích Đào: Mức đường huyết thường xuyên của bạn từ 9-12mmol/l là mức đường huyết cao, không có lợi cho sức khỏe. Vì vậy, bạn cần đến bác sĩ để điều chỉnh lại chế độ điều trị bằng thuốc. Bên cạnh đó, trong những ngày Tết chế độ ăn của bạn phải được kiểm soát chặt chẽ để giúp ổn định đường huyết. Quan trọng nhất, bạn phải kiểm soát được tổng năng lượng ăn vào không bị quá dư thừa so với nhu cầu. Phải chọn những loại thực phẩm chất bột hấp thu chậm, có chỉ số đường huyết trung bình hoặc thấp. Bánh chưng, bánh tét là những loại thức ăn có chứa nhiều năng lượng do đó, bạn nên ăn với lượng vừa phải, không nên ăn quá nhiều trong 1 bữa.

 

Không sử dụng quá nhiều các loại bánh mứt thông thường. Nên chọn bánh kẹo, nước ngọt dành cho người ăn kiêng.

 

Đối với thực đơn hàng ngày, các nguyên tắc căn bản là chỉ ăn đủ năng lượng theo nhu cầu, có đầy đủ 4 thành phần chất dinh dưỡng: chất bột đường, đạm, chất béo, rau và trái cây. Chất bột nên sử dụng loại có đường huyết trung bình và thấp, hạn chế và sử dụng có giới hạn loại có chỉ số đường huyết cao. Đa dạng hóa các loại đạm động vật và thực vật. Chất béo nên ưu tiên sử dụng các chất béo có lợi cho tim mạch, hạn chế mỡ bão hòa.

 

Nguyen thu Ha - Nữ 24 tuổi: Bệnh nhân ĐTĐ phải kiêng cữ các loại đồ ăn ngọt và phải dùng loại đường ăn kiêng. Ngoài ra, xin BS cho biết có thể dùng những đồ ăn ngọt nào khác không?

 

ThS. BS Thanh Bình: Hiện nay, để đảm bảo vị ngọt cho người bị ĐTĐ vẫn có những loại đường hóa học có hoặc không chứa năng lượng mà người ĐTĐ có thể sử dụng được, VD: nhóm Aspartam được đóng ở dạng viên hoặc gói có độ ngọt cao hơn đường có nguồn gốc từ mía. Vì vậy, khi dùng, chúng ta chỉ dùng lượng vừa đủ, không nên lạm dụng quá mức để tránh làm tăng đường huyết.

 

Phạm Tuyết Anh - Nữ 30 tuổi: Cháu chào bác sĩ Bích Đào! Bố chồng cháu năm nay 65 tuổi bị cao huyết áp và mới phát hiện bị tiểu đường, cháu rất băn khoăn về chế độ ăn ngày tết của bố cháu. Những món truyền thống như giò tai, nem rán... bố cháu có nên ăn không ạ?

 

TS.BS Bích Đào: Về chế độ ăn của người nhà bạn trong những ngày tết bạn có thể áp dụng như sau để phù hợp với tình trạng bệnh lý:

 

- Nên áp dụng chế độ ăn cho người tiểu đường nhưng có hạn chế bớt mỡ và muối.

 

- Các món ăn truyền thống: giò tai (hay còn gọi giò thủ) nếu chỉ có tai và không có thịt ở các vùng khác của thủ (đầu) thì có thể sử dụng. Nhưng nếu có chứa nhiều thịt má thì sẽ có nhiều mỡ động vật, không có lợi cho sức khỏe thì chỉ nên sử dụng hạn chế. Các món như nem rán thì có thể sử dụng các loại nem có nhiều rau, sử dụng các loại thịt ít mỡ như thịt nạc, cua, tôm. Để hạn chế muối trong các bữa ăn ngày tết thì hạn chế các loại thịt kho, cá kho mặn, dưa món mặn. Nước mắm nên pha loãng trước khi sử dụng.

 

Nguyễn Thùy Linh - Nữ 25 tuổi: Tôi năm nay 25 tuổi, bị tiểu đường tuyp 1. Tôi muốn nhờ các bác sĩ tư vấn giúp tôi: ngày tết tôi rất thích ăn món bánh chưng và thịt nấu đông nhưng ko biết ăn thế nào là đủ và để đường huyết được ổn định. Câu hỏi thứ 2 hơi tế nhị một chút. Tôi và chồng có ý định kế hoạch. Trước có dùng BCS nhưng thấy bất tiện nên giờ muốn chuyển sang dùng thuốc tránh thai hằng ngày nhưng không biết dùng viên tránh thai hằng ngày loại gì để không ảnh hưởng tới đường huyết?

 

ThS.BS Thanh Bình: Bạn vẫn có thể ăn được bánh chưng và món thịt đông là món khoái khẩu của bạn, tuy nhiên, bánh chưng chỉ nên khoảng 200g/ngày, thịt đông khoảng 250g/ngày. Nhưng bạn nhớ phải dùng thuốc tiểu đường kèm theo nhé, có như vậy đường huyết mới không bị tăng.

 

Tôi không biết bạn đã có con chưa, nếu bạn muốn có con vẫn có thể được với điều kiện đường huyết của bạn ổn định. Bạn có thể KHHGĐ bằng BCS hoặc thuốc viên tránh thai Marvelon và phải có tư vấn thường xuyên với BS sản phụ khoa và BS nội tiết, có như vậy sức khỏe và đường huyết mới an toàn.

 

Mai Anh - Nữ 29 tuổi: Tôi bị đái tháo đường thai nghén. Điều trị bằng tiêm insulin. Đến nay sinh em bé được 5,5 tháng, tôi đang bị rối loạn đường huyết. Bác sĩ vui lòng tư vấn cho tôi chế độ ăn vào các ngày Tết.

 

Để thưởng thức món ngon ngày Tết an toàn, ấm cúng - 2


TS.BS Bích Đào: Bạn đã được phát hiện là đái tháo đường thai kỳ. Sau khi sinh em bé, bạn vẫn bị rối loạn đường huyết do đó, bạn vẫn tiếp tục chế độ ăn cho người đái tháo đường. Nếu bạn vẫn tiếp tục sử dụng insulin để điều trị thì chế độ ăn trong những ngày tết có thể được thực hiện với các nguyên tắc như sau:

- Ăn đủ năng lượng.

- Với bữa ăn có 4 thành phần dinh dưỡng căn bản: tinh bột (từ cơm, bún, phở, bánh chưng, bánh tét...), đạm (từ các loại đạm thực vật và động vật), chất béo (từ động vật và thực vật) và không quên ăn rau, củ quả để có đầy đủ chất xơ và muối khoáng, vitamin.

- Do bạn đang tiêm insulin nên các bữa ăn đều phải có đầy đủ chất bột và thời điểm tiêm insulin phải đúng giờ và theo bữa ăn để tránh nguy cơ bị hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết.

- Đối với chất tạo ngọt: bạn vẫn có thể ăn bánh kẹo và uống nước ngọt. Nhưng sử dụng các chế phẩm dùng cho người ăn kiêng.

- Do ngày tết có thể rất bận rộn nếu không sử dụng được một bữa ăn thông thường thì bạn có thể sử dụng các chế phẩm chuyên biệt cho người đái tháo đường

 

Trần thị Thanh Hải - Nữ 34 tuổi: Mẹ cháu năm nay 61 tuổi, bị tiểu đường tuýp 2 đã 6 năm. Hàng tháng mẹ cháu vẫn đi khám định kỳ ở Bệnh viện Xanh pôn Hà Nội và uống thuốc đều đặn. Nhưng khi uống thuốc mẹ cháu ăn uống rất kém và hay bị đi ngoài phân lỏng. Xin BS cho biết mẹ cháu phải ăn uống chế độ như thế nào để có sức khỏe mà không ảnh hưởng nhiều đến bệnh, đặc biệt là trong dịp Tết.

 

ThS.BS Thanh Bình: Bạn không nói rõ thuốc điều trị tiểu đường của mẹ bạn là loại gì. Bởi vì có một số loại thuốc VD như: Glucophage, Glucobay là 2 loại thuốc có thể gây tiêu chảy và chán ăn đối với Glucophage. Vì vậy, nếu mẹ bạn đang dùng 1 trong 2 loại thuốc này, hãy đến báo với BS theo dõi điều trị để BS xem xét. Trong ngày tết, mẹ bạn vẫn có thể dùng bánh chưng (200g) hoặc thịt nấu đông và giò chả (250g), bánh mứt (vài miếng), trái cây như mận (1-2 quả), táo (1 quả), hồng (1 quả), cam nhỏ (1 quả), vài múi bưởi - cho mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu đã ăn loại trái cây này thì thôi loại khác.

 

Nguyễn Thị Hồng Nga - Nữ 45 tuổi: Chồng tôi bị bệnh ĐTĐ gần 02 năm, hiện dùng thuốc đều theo đơn của bác sỹ giữ được ở mức 7-8. Nhưng gần đây có biểu hiện đau nhức chân mà không có dấu hiệu gì bên ngoài, cộng thêm viêm họng và ho kéo dài đã dùng kháng sinh nhưng chưa khỏi. Do công việc phải thường xuyên tiếp khách có uống rượu; bia. Các biểu hiện nêu trên có phải do ảnh hưởng của bệnh ĐTĐ? Chồng tôi nên ăn uống như thế nào trong ngày tết?

 

TS.BS Bích Đào: Tình trạng sức khỏe của chồng chị cần phải được kiểm tra tổng quát để xem xét các biến chứng của đái tháo đường đã có hay chưa. Về biểu hiện đau nhức của chân có thể do rất nhiều nguyên nhân khác gây ra, vì vậy cần phải được khám cụ thể. Người đái tháo đường thường có sức đề kháng kém do đó dễ bị viêm nhiễm. Việc uống nhiêu bia, rượu là không có lợi cho sức khỏe của người bình thường nói chung và đặc biệt cho người đái tháo đường. Vì người đái tháo đường có thể có các rối loạn lipid máu, tăng huyết áp... Khi uống rượu , bia có thể làm tăng các rối loạn này. Rượu, bia còn làm ảnh hưởng tới tăng đường huyết. Ngược lại, đặc biệt là khi uống rượu, bia trong tình trạng bụng đói có thể gây hạ đường huyết ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì vậy, cần phải chủ động hạn chế uống rượu, bia dù bất cứ hoàn cảnh nào.

 

Ngo Hoang Yen - Nữ 27 tuổi: Bệnh tiểu đường được ăn những loại rau, quả nào? Loại bánh, sữa nào là tốt nhất? Xin cảm ơn bác sĩ.

 

ThS. BS Thanh Bình: Các loại rau xanh đối với người ĐTĐ đều có thể dùng được, không hạn chế. Còn các loại quả như mít, xoài, chuối, sầu riêng, nhãn, cam, quýt, mía là những loại trái cây có chỉ số đường huyết cao, dễ làm tăng đường huyết, cho nên, dùng những loại trái cây này phải hạn chế với lượng vừa phải và không nên ăn lúc bụng đói. Hiện nay, đã có những loại bánh, kẹo, sôcôla, nước ngọt dành cho người ĐTĐ, bạn có thể dùng được. Các loại sữa nên chọn loại không có đường thường được nhà sản xuất ghi trên bao bì. Ngoài ra, có những loại sữa thay thế cho các bữa ăn và tùy khả năng kinh tế, bạn có thể lựa chọn sử dụng được.

 

Hoang Yen - Nữ 32 tuổi: Người đái tháo đường có uống được rượu vang không? Chế độ ăn uống trong những ngày tết nên hạn chế loại thức ăn gì?

 

ThS.BS Thanh Bình: Người ĐTĐ có thể uống được rượu vang, đặc biệt là vang đỏ nhưng không nên quá 200ml/ngày. Trong những ngày tết, không nên dùng quá nhiều các loại bánh mứt ngọt vì đây là món dễ làm tăng nhanh đường huyết hoặc các loại dưa kiệu, dưa món. Ngoài ra, thịt kho tàu hay bánh chưng cũng chứa nhiều lượng mỡ có nguồn gốc động vật, không có lợi cho sức khỏe, bạn cũng nên hạn chế.

 

Để thưởng thức món ngon ngày Tết an toàn, ấm cúng - 3

TS. BS Bích Đào - Trưởng khoa Nội tiết của BV Chợ Rẫy chăm chú theo dõi câu hỏi độc giả gửi tới

 
Nguyễn Anh Tuấn - Nam 37 tuổi: BS ơi, ngày Tết lúc nào cũng có món củ kiệu,bánh tét, giò heo... vậy thì có cách nào vẫn ăn mà đường huyết, cholesterol ko tăng?

 

TS.BS Bích Đào: Rất vui là bạn quan tâm đến dinh dưỡng và ảnh hưởng của nó đến với sức khỏe. Không biết sức khỏe của bạn là bình thường hay đã bị đái tháo đường. Nếu bình thường việc chủ động ăn uống có lợi cho sức khỏe cũng là điều rất quan trọng và những chế độ ăn có lợi cho sức khỏe thì hết sức quan trọng cho người bị bệnh lý đái tháo đường. Để hạn chế ảnh hưởng từ những món ăn thông thường thì khi sử dụng những món như củ kiệu nên sử dụng vừa phải.

 

Giò heo là món ăn có chứa nhiều chất béo động vật không có lợi cho người đái tháo đường. Vì vậy, có thể chọn thịt ở các vùng của giò heo không chứa nhiều mỡ để nấu. Đối với bánh chưng, bánh tét thì là loại thực phẩm chứa nhiều năng lượng và gần như đầy đủ các thành phần dinh dưỡng căn bản do đó nên sử dụng vừa đủ để tránh dư thừa năng lượng gây tăng cân sau tết và ảnh hưởng tới tăng đường huyết. Chúc bạn có những bữa ăn ngày tết vui vẻ và có lợi cho sức khỏe.

 

Nguyễn Thu Anh- Nữ 35 tuổi: Hiện nay tôi 35 tuổi, được chẩn đoán bị tiểu đường cách đây 2 năm. Gần đây tôi được tặng sữa Glucerna SR dành riêng cho người bị tiểu đường, uống vào thầy có vị ngọt không biết có ảnh ưởng gì đến dường huyết hay không?

 

ThS.BS Thanh Bình: Glucerna SR là thực phẩm dành riêng cho người tiểu đường, uống vào có vị ngọt bạn cũng đừng quá lo, bởi vì loại thực phẩm này có chứa đường phức, phóng thích chậm và chỉ số đường huyết thấp (30) nên nó không làm xáo trộn đường huyết. Tuy nhiên, trước khi dùng, bạn cũng nên được BS tư vấn hoặc đọc kỹ hướng dẫn của sản phẩm.

 

HA HAI - Nam 34 tuổi: Bố tôi bị mắc bệnh đái tháo đường đã 15 năm nay, hiện nay mỗi ngày bố tôi phải tiêm insulin 4 lần. Ông rất thèm ăn đồ ngọt. Gần đây tôi nghe nói có loại kẹo dành cho người mắc bệnh tiểu đường. Xin BS cho biết loại kẹo đó có tác dụng phụ gì ko? Có nên dùng hay không?

 

TS.BS Bích Đào: Đối với người bị đái tháo đường lâu năm, phải hạn chế ăn, uống các chất có vị ngọt thì việc thèm ăn đồ ngọt là điều dễ hiểu. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm có vị ngọt hiện nay có rất nhiều các sản phẩm bánh, kẹo, kem, siro, đường dành cho người ăn kiêng (người bị đái tháo đường, người béo phì, người muốn duy trì cân nặng bình thường...). Các chế phẩm này sử dụng các loại đường chỉ có tác dụng tạo vị ngọt, không cung cấp năng lượng hoặc năng lượng rất ít. Do đó, không làm tăng đường huyết. Vì vậy bạn có thể mua cho bác sử dụng.

Nên chú ý đọc các thành phần năng lượng dinh dưỡng, chỉ số đường (GI) trên nhãn sản phẩm.

 

Yen Ngo - Nữ 29 tuổi: Em bị đái tháo đường mới được phát hiện. Em đang ăn kiêng nhưng lại mắc bệnh tụt huyết áp vì thế việc ăn kiêng không mấy hiệu quả vì vậy kính mong các chuyên gia cho em 1 lời khuyên.

 

ThS.BS Thanh Bình: Bạn không nói rõ chế độ ăn kiêng của mình như thế nào. Vì vậy, nếu mới được phát hiện tăng đường huyết, bạn nên gặp các chuyên gia tư vấn về dinh dưỡng hoặc BS điều trị ĐTĐ để có sự hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn hợp lý.

 

Phạm Văn Hồng - Nam 62 tuổi: Tôi bị đái tháo đường tuýp 2. Hiện tại tôi đang điều trì bằng phương pháp tiêm ilsulin. Mấy tháng gần đây, tôi thường xuyên bị chứng hôn mê do bị hạ đường huyết. Dù tôi đã tự kiểm soát bằng cách thử máu kiểm tra đường huyết hàng ngày, chế độ ăn uống điều độ và tập thể dục đi bộ. Tôi làm như vậy đã đúng chưa?

 

ThS.BS Thanh Bình: Biến chứng hôn mê hạ đường huyết là biến chứng cấp tính rất nguy hiểm, có thể gây tử vong trong vài giây hoặc vài giờ, bác nên thông báo cho BS điều trị biết để xem liều insulin mà bác đang điều trị đã phù hợp chưa. Bác tự kiểm soát đường huyết hằng ngày như vậy là rất tốt với chế độ ăn uống điều độ và tập thể dục đi bộ mỗi ngày 45’. Bác làm như vậy là đã đúng rồi đó mà vẫn có biểu hiện hạ đường huyết thì phải gặp BS điều trị ngay.

 

Hoàng Ngọc Hà - Nữ 28 tuổi: Mẹ cháu mới phát hiện là bị tiểu đường trong vòng 3 tháng gần đây. Xin bác sỹ cho biết thực phẩm nào tốt hoặc không tốt cho người bệnh.

 

TS.BS Bích Đào: Để giúp mẹ bạn kiểm soát tốt đường huyết, bạn có thể xây dựng chế độ ăn với các thực đơn hàng ngày như sau:

- Tính tổng số năng lượng cần thiết hàng ngày cho mẹ bạn dựa trên cân nặng lý tưởng và mức độ hoạt động thể lực.

- Bạn phân chia tổng số năng lượng này cho các thành phần dinh dưỡng căn bản hàng ngày như sau:

+ Từ 50-60% là năng lượng từ carbohydrat, nên ưu tiên loại có chỉ số đường huyết thấp (GI<55: bánh mì không trộn phụ gia, sữa lạc đã lọc bớt chất béo... ) và trung bình (GI 55- <70: bánh mì trắng, bánh mì ngọt, khoai tây...). Để đường huyết lúc đói và sau ăn được duy trì ổn định. Hạn chế và ăn trong giới hạn cho phép những thực phẩm có chỉ số đường huyết cao( mạch nha, mật ong, nước mía, bánh quy ngọt, quả ngọt sấy khô, nước uống có cồn).

+ Lượng protid(khoảng 15-20%): nên ăn nhiều loại cá, đặc biệt các loại cá có chứa nhiều Omega3

+ Lipid (<30% )nằm trong giới hạn cho phép. Nên ăn các loại các loại dầu ăn có chứa nhiều thành phần Omega3,6,9

+ Rau xanh và các loại củ quả để có đầy đủ chất xơ và muối khoáng, vitamin. Nên ăn nhiều, khoảng 25gr chất xơ mỗi ngày.

 

Vũ Thị Điệp - Nữ 30 tuổi: Bố tôi bị tiểu đường tuýp 2, phát hiện cách đây 3 tháng. Theo lời khuyên của bác sĩ, bố tôi thực hiện rất khắt khe chế độ ăn uống va tập thể dục đều đặn hàng ngày. Tuy nhiên, có thể do lo sợ bệnh tình nặng lên, nên hầu như ông ăn uống rất hạn chế. Mỗi bữa chỉ chừng nửa bát cơm, rất ít ăn thịt cá hoặc thức ăn có chất đạm, béo, ngọt. Chủ yểu chỉ là vừng, lạc, đậu, rau như người ăn chay. Hơn nữa ông không chịu ăn bất cứ loại hoa quả nào, do sợ trong hoa quả có đường ngọt. Hiện tại tôi chỉ thấy ông uống nước bí xanh xay. Chính vì vậy, trong vòng 3 tháng ông đã sụt gần 8kg. Xin bác sĩ giúp tư vấn xem bố tôi nên ăn loại thịt nào, hoa quả gì để tránh bị thiếu chất va mất sức.

 

ThS.BS Thanh Bình: Bố bạn đã có 1 chế độ kiêng cữ quá mức, như vậy cũng không đúng mà phải ăn làm sao vẫn bảo đảm được chế độ dinh dưỡng phù hợp cho hoạt động hàng ngày. Hầu hết các loại thịt gia cầm và hải sản hoặc các loại đậu, ngũ cốc đều sử dụng được, và các loại trái cây cũng vậy, tốt nhất là bố bạn nên đến gặp BS điều trị ĐTĐ để được tư vấn cụ thể hơn.

 

Trần Thị Mai - Nữ 33 tuổi: Tôi 33 tuổi đang có thai ở tuần thứ 26 bị tiểu đường thai kỳ. Xin bác sỹ cho biết chế độ ăn ngày tết như thế nào cho hợp lý?

 

TS. BS. Bích Đào: Chế độ ăn hợp lý cho người đái tháo đường thai kỳ là chế độ ăn đầy đủ năng lượng cho người mang thai và cân đối về dinh dưỡng. Trong ngày tết, bạn vẫn có thể ăn các món ăn ngày tết nhưng phải chọn lọc, ví dụ: có thể ăn bánh chưng, bánh tét nhưng chọn loại bánh gói có ít mỡ, sử dụng khẩu phần bánh vừa đủ năng lượng của từng bữa ăn. Bạn chú ý ăn khẩu phần đạm nhiều hơn so với bình thường vì bạn đang có thai. Vẫn cần chú ý việc sử dụng các loại bánh mứt ngọt phải rất hạn chế. Bạn có thể bổ sung các vitamin, muối khoáng, chất xơ qua các món ăn chế biến từ rau, củ, quả như: canh măng, rau luộc thập cẩm, rau xào thập cẩm.

 

Nguyễn Thị Hiền - Nữ 29 tuổi: Bố em bị đái tháo đường và uống thuốc một thời gian. Khi đường huyết đã ổn định thì bố không uống thuốc nữa. Như vậy có ảnh hưởng gì tới sức khoẻ không?

 

ThS.BS Thanh Bình: Theo như em hỏi, khi đường huyết của bố em đã ổn định thì ông lại ngưng uống thuốc điều trị. Điều này hoàn toàn sai và không nên. Khi đường huyết ổn định thì BS sẽ là người quyết định liều lượng thuốc nên tiếp tục sử dụng là bao nhiêu cho phù hợp để đường huyết của bệnh nhân vẫn ổn định mà không bị tăng hay hạ quá mức không mong muốn.

 

Mai Phu - Nam 45 tuổi: Cách đây một năm tôi bị chẩn đoán đái tháo đường tuyp 2. Khi phát hiện tôi đã uống thuốc điều trị cùng với diabecna (dây thìa canh) cùng liên tục uống Glucerna SR trong vòng 6 tháng. Lúc đầu uống Glucerna, bệnh tình hồi phục rất nhanh nhưng hình như càng về sau uống Glucerna vẫn bình thường. Hiện nay thỉnh thoảng hằng tuần tôi vẫn đo đường huyết lúc đói thường ở mức 4,9mlg đến 5,2mlg, lúc ăn thi đưới 7. Chỉ số này vẫn duy trì cho đến nay. Xin bác sĩ cho biết như vậy tôi đã hết bị bệnh đái tháo đường chưa và có nên uống thuốc, uống Glucena nữa không. Hiện tại thỉnh thoảng tôi vẫn uống diabacna. Xin bác sĩ Bích Đào cho một lời khuyên trong việc điều trị và ăn uống.

 

TS. BS Bích Đào: Không biết cách đây 1 năm bạn đã được chuẩn đoán đái tháo đường tuýp 2 với xét nghiệm chuẩn đoán nào: xét nghiệm đường huyết lúc đói buổi sáng (sau nhịn ăn 8 tiếng đồng hồ), hay nghiệm pháp dung nạp glucose và mức đường huyết ở thời điểm đó là bao nhiêu?

Tuy nhiên,với các liệu pháp đang điều trị hiện nay của bạn với chủ yếu là thay đổi chế độ ăn, sử dụng carbonhydrat có chỉ số đường huyết thấp (Glucerna SR) mà vẫn duy trì đường huyết lúc đói và đường huyết sau ăn trong ngưỡng bình thường. Như vậy, tình trạng đường huyết của bạn đáp ứng tốt với chế độ ăn của người đái tháo đường là một phương pháp điều trị không dùng thuốc. Nếu nhu cầu trong sinh hoạt và làm việc của bạn có những thời điểm không thể sử dụng bữa ăn bình thường thì bạn có thể sử dụng các chế phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cho người tiểu đường. Tuy nhiên bạn phải lưu ý sử dụng các chế phẩm này với mức năng lượng theo nhu cầu trong ngày. Bạn có thể tiếp tục duy trì biện pháp điều trị này và theo dõi đường huyết khi đói và đường huyết sau ăn 2 giờ. Chúc bạn thành công trong việc quản lý đường huyết của mình.

 

Phạm Văn Bình - Nam 57 tuổiTôi có thói quen uống rượu và thích ăn các món cổ truyền trong dịp tết như: thịt kho đông, giò xào, bánh chưng. Tôi đang bị bệnh tiểu đường và đang điều trị thuốc theo chỉ định của bác sỹ (ngày 02 viên Siofor 850; 02 viên Amaryl 2mg). Kính mong bác sỹ hướng dẫn trong dịp tết Tân Mão sắp tới tôi nên ăn những thức ăn gì? Liều lượng bao nhiêu; Uống bao nhiêu rượu một bữa là vừa và có được uống cà phê không?

 

ThS.BS Thanh Bình: Khi bị tiểu đường thì việc dùng các loại nước uống có cồn đều phải hạn chế, chỉ nên dùng khoảng 100-200ml/ngày đối với rượu vang đỏ. Những món ăn cổ truyền trong dịp tết như thịt kho đông, giò xào, bánh chưng đều có thể ăn được. Tuy nhiên, bánh chưng thì chỉ nên ăn 200g/ngày (vì 100g bánh chưng = 250 kcal), giò xào và thịt kho đông cũng chỉ nên dùng khoảng 200g/ngày, cà phê uống được nhưng không nên uống với sữa có đường như sữa “Ông Thọ” mà có thể dùng với đường thuốc. Còn các loại bánh mứt là những món làm cho đường huyết tăng nhanh nên cũng hạn chế, dùng vài miếng thôi. Trái cây như dưa hấu cũng ăn được nhưng chỉ ăn theo quy ước 1 miếng bằng nắm tay của chính bệnh nhân.

 

Lê Trọng Hiển - Nam 23 tuổi: Người bệnh đái tháo đường có thể ăn bao nhiêu phần trăm là đủ trong những ngày tết? Việc ăn một ít bánh ngọt có gây ảnh hưởng tăng đường huyết cho người bệnh không?

 

TS.BS Bích Đào: Nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng trong những ngày tết phải được duy trì như những ngày bình thường. Sự khác biệt chỉ là các món ăn. Tuy nhiên các món ăn ngày tết thì rất giàu năng lượng hoặc có chỉ số đường huyết cao hoặc chứa nhiều chất béo động vật... Vì vậy, cần phải hiểu rõ ảnh hưởng của từng món ăn đến các rối loạn của cơ thể để quyết định số lượng thực phẩm được ăn vào. Như bánh chưng, bánh tét thì nhiều năng lượng do thành phần có đầy đủ cả tinh bột, chất béo, đạm (nếp, thịt, mỡ) do đó không nên ăn quá nhiều để tránh dư thừa năng lượng và tăng chất béo so với nhu cầu cơ thể. Các loại bánh ngọt thông thường có chứa nhiều đường thuộc loại chỉ số đường cao gây tăng đường huyết cao sau ăn. Vì vậy, nếu có thể được chỉ nên sử dụng các loại bánh ngọt dành cho người ăn kiêng. Nếu bạn sử dụng loại bánh ngọt thông thường, dù với số lượng rất ít thì 2 giờ sau khi bắt đầu ăn bạn nên thử lại đường huyết bằng máy

thử đường huyết cá nhân, nếu lượng đường trong máu lớn hơn 180mg/dl (>10mmol/l) thì bạn cần tránh vì ảnh hưởng làm tăng đường huyết.

 

 

Để thưởng thức món ngon ngày Tết an toàn, ấm cúng - 4

Th.S. BS Diệp Thanh Bình - BV Đại học Y Dược TPHCM (trái) tại buổi giao lưu

 
Mai Hoàng Anh - Nữ 32 tuổi: Chồng tôi bị tiểu đường tuýp 2 nhưng do tuổi còn trẻ, công việc đòi hỏi phải tiếp khách nhiều nhất là trong những ngày lễ tết. Chồng tôi nên ăn uống thế nào để đảm bảo được sức khỏe?
 
ThS.BS Thanh Bình: Cho dù ngày thường hay dịp lễ tết, thì chế độ ăn của chồng bạn khi đã bị ĐTĐ vẫn phải bảo đảm năng lượng cung cấp phù hợp, tránh vì lễ tết mà ăn quá no, uống quá say, hay làm việc quá mức đều không tốt cho sức khỏe vì đường huyết không ổn định. Hơn ai hết, chồng bạn phải là người điều tiết chế độ ăn uống và sinh hoạt của mình sao cho hợp lý. Nếu vì quá bận, không kịp ăn đúng bữa, chồng bạn có thể dùng một số thực phẩm chuyên biệt dành cho người ĐTĐ có thể thay thế cho bữa ăn mà đã được BS tư vấn.

 

Nguyễn Trọng Thảo - Nam 52 tuổi: Tôi đọc nhiều lời khuyên về ăn uống của người ĐTĐ, nhưng những bài viết chủ yếu dựa trên các bài của báo nước ngoài (như quả dâu tây, bánh mỳ đen,...). Vậy nên tôi muốn có lời khuyên cụ thể các thực phẩm của Việt Nam gần gũi hay dùng (như gạo nếp, miến rong, mỳ tôm...).

 

ThS.BS Thanh Bình: Trong các loại thực phẩm người Việt Nam hay dùng như gạo tẻ trắng, gạo nếp, gạo lứt, mì nui, mì tôm, các loại miến, bún, các loại khoai thì đều có thể dùng được. Tuy nhiên, người ĐTĐ nên chọn những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và có chứa đường phức để ăn. Quan trọng khi ăn nên chú ý số lượng của các thực phẩm mà mình đang dùng sao cho phù hợp với quỹ năng lượng đã được quy định phù hợp cho từng người.

 

NGUYỄN ĐỨC PHƯƠNG - Nam 34 tuổi: Tôi năm nay 34 tuổi, phát hiện tiểu đường được 4 tháng, đã điều trị bằng thuốc đến nay đường huyết ổn định từ mức 5ml-7ml. Hai tuần gần đây tôi không sử dụng thuốc theo đơn và cũng không uống bất cứ loại thuốc nào, đường huyết vẫn ổn định ở mức trên. Bác sỹ cho biết tôi có nên tiếp tục sử dụng thuốc hay không? Nếu không tôi nên làm gì để duy trì.

 

ThS.BS Thanh Bình: Bạn mới được phát hiện ĐTĐ, theo bạn nói, hiện nay đường huyết của bạn đã ổn định và bạn đã ngừng không dùng bất cứ loại thuốc nào. Một lời khuyên cho bạn là vẫn phải tiếp tục có chế độ ăn uống hợp lý dành cho người ĐTĐ, cộng với luyện tập thể lực hợp lý, tránh stress, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia và vẫn phải theo dõi đường huyết định kỳ.

 

Anh Tú - Nam 23 tuổi: Hiện nay có loại thuốc nào có khả năng làm giảm ảnh hưởng của những loại đồ uống có cồn tới đái tháo đường không? Khi ăn uống không điều độ trong những ngày tết thì cháu có thể dùng thuốc nào không ạ?

 

ThS.BS Thanh Bình: Rất tiếc hiện chưa có loại thuốc nào có khả năng làm giảm ảnh hưởng của những loại đồ uống có cồn tới căn bệnh này, vì vậy, khuyên cháu nếu cần phải uống thì nên uống rượu vang đỏ thôi, số lượng 200ml/ngày. Chúc cháu vui vẻ và không nên say sưa trong ngày tết!

 

Đặng Thị Ngọc Diễm - Nữ 21 tuổi: Cha em hiện nay đang mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Vậy Tết này cha em có thể ăn mứt hồng khô được hay không? Nếu được thì nên ăn khoảng bao nhiêu là vừa để duy trì lượng đường huyết ổn định.

 

TS.BS Bích Đào: Mứt hồng khô là một món ăn thường được sử dụng trong ngày tết, tuy nhiên đây là một món ăn có chứa nhiều đường và là món ăn có chỉ số đường huyết cao. Vì vậy việc sử dụng nhiều mứt hồng khô có thể làm tăng đường huyết sau khi ăn. Để biết ảnh hưởng nhiều hay ít tới mức đường huyết sau khi ăn mứt hồng,bạn nên kiểm tra mức tra mức đường huyết 2 giờ sau khi bắt đầu ăn. Nếu mức đường huyêt này lớn hơn 180mg/dl (>10mmol/l) thì cần hạn chế sử dụng.

 

Nguyễn Hải Lý - Nữ 29 tuổi: Mẹ tôi năm nay gần 60 tuổi. Từ ngày bị tiểu đường, mẹ tôi ốm nhiều vì mẹ tôi rất hạn chế ăn thịt, chất bột,... chủ yếu ăn rau. Thỉnh thoảng tôi về quê tôi muốn mẹ ăn uống nhiều hơn, muốn mẹ mập hơn nhưng không biết làm sao. Nếu ăn để mập lên thì ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường.

 

TS.BS Bích Đào: Theo như bạn nói, mẹ bạn bị ốm nhiều vì hạn chế trong chế độ ăn. Để giúp mẹ bạn có sức khỏe tốt, bạn cần xây dựng khẩu phần ăn hợp lý cho mẹ bạn.

- Việc đầu tiên bạn phải tính xem cân nặng hiện tại của mẹ bạn có thấp hơn so với cân nặng lý tưởng hay không? Cách tính cân nặng lý tưởng như sau:lấy bình phương của chiều cao nhân với 22.

- Nếu cân nặng đã đạt mức lý tưởng, bạn quan tâm tới thành phần của bữa ăn phải có đủ 4 chất dinh dưỡng căn bản: chất bột (từ cơm, bún, phở, bánh chưng, bánh tét...), đạm (từ các loại đạm thực vật và động vật), chất béo( từ thực vật và động vật) và không quên ăn rau, củ, quả để có đầy đủ các chất xơ, muối khoáng và vitamin.

- Nếu cân nặng dưới mức cân nặng lý tưởng thì để tăng cân, bạn phải tính tổng năng lượng mỗi ngày tăng thêm và tăng thêm lượng đạm so với bình thường. Để đơn giản, bạn có thể bổ sung thêm bằng một khẩu phần sữa chuyên biệt cho người đái tháo đường mà không sợ bị tăng đường huyết vì đây là các sản phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI).

 

Khép lại buổi giao lưu trực tuyến sau hơn 2 tiếng đồng hồ, những chỉ dẫn chu đáo của 2

khách mời tham gia buổi GLTT là: TS. BS Bích Đào - Trưởng khoa Nội tiết của BV Chợ

Rẫy và - Th.S. BS Diệp Thanh Bình - BV Đại học Y Dược TPHCM đã giúp cho nhiều độc giả, đặc biệt là những bệnh nhân đái tháo đường có thể thưởng thức các món ngon ngàyTết một cách an toàn, ấm cúng. Trước khi tạm biệt, TS. BS Bích Đào và Th.S. BS Diệp Thanh Bình đã gửi đến độc giả Dân trí lời chúc mừng năm mới tràn đầy sức khỏe, hạnh phúc. Những câu hỏi của độc giả chưa được giải đáp chúng tôi sẽ chuyển tới các chuyên gia và trả lời trong thời gian thích hợp.

 

BTT Sức khỏe