Để rượu thuốc đích thực là thuốc quý

Không thể phủ nhận vai trò của rượu thuốc trong việc giúp cải thiện sức khỏe con người. Nhưng các bác sĩ cũng cảnh báo tình trạng “mê” rượu thuốc đến mức xem nó như “thần dược” giúp người ta “trẻ mãi không già” thì tuyệt đại đa số sẽ gặp phải tìng trạng “tiền mất tật mang”!

  

Để rượu thuốc đích thực là thuốc quý - 1


Theo Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) từ xa xưa, rượu có rất nhiều tác dụng tốt đối với sức khoẻ con người cũng như trong y học. Trong y học cổ truyền, rượu dùng để dẫn thuốc chữa bệnh. Rượu cung cấp cho cơ thể năng lượng, góp phần lưu thông huyết mạch. Nếu những người bị bệnh tim mạch dùng một ly nhỏ trước khi đi ngủ, tăng chuyển hoá cho cơ thể thì có thể mang lại hiệu quả tốt. Các loại thuốc có tính hàn khi gặp rượu trở nên ôn hơn vì vậy rượu được dùng rất nhiều trong điều trị bệnh.

 

Tuy nhiên, vì rượu thuốc cũng là dược phẩm nên khi dùng phải tuân thủ nguyên tắc: Đúng bệnh, đúng người và đúng liều lượng, không được tùy tiện và thái quá. Nếu để trị bệnh, trước hết người bệnh phải được thầy thuốc chuyên khoa khám tỉ mỉ và chẩn đoán chính xác, sau đó mới chọn phương và bào chế rượu thuốc cho phù hợp. “Cùng là bệnh liệt dương, nhưng với những người thuộc thể bệnh âm hư thì loại dược tửu chọn dùng hoàn toàn khác so với thể bệnh dương hư... Nếu để bồi bổ với mục đích bảo vệ và nâng cao sức khỏe thì cũng phải căn cứ vào các đặc điểm của người dùng như tuổi tác, giới tính, thể chất... Chỉ trên cơ sở chẩn bệnh một cách biện chứng mới có thể lựa chọn và điều chế rượu thuốc phù hợp và có chất lượng. Ngược lại, nếu chẩn bệnh sai thì khi dùng sẽ không có tác dụng, thậm chí có thể gây hại”, Lương y Vũ QuốcTrung phân tích.

 

Ngay cả rượu rắn thường được dân gian ca tụng là loại thuốc bổ rất nhiều tác dụng thì không phải ai cũng dùng được. Theo BS Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, lâu nay người dân hay đồn thổi uống rượu rắn giúp bổ dương nhưng đây là quan niệm sai lầm. Rượu rắn chủ yếu chữa chứng phong, không bổ gì và không điều trị được thấp. Việc ngâm rượu rắn phải được sự chỉ định của thầy thuốc, nếu người dùng tự ngâm thì không ít trường hợp sẽ lợi bất cập hại. Ngay cả chuyện ngâm bìm bịp cả con còn nguyên lông, cá ngựa, tay gấu, bào thai hươu... cũng chỉ mang thêm bệnh vào người. Một số vị thuốc tốt nhưng phải biết kết hợp với bài thuốc nào để tốt hơn. Với các con vật cũng cần phải lưu ý không ngâm động vật có nọc độc vào trong rượu để uống bởi chúng sẽ dẫn đến suy hô hấp, tím tái thân thể, ngưng thở và tử vong. “Đó là chưa kể việc người dân không tuân thủ đúng quy trình bào chế động vật để ngâm rượu. Tay gấu, tay hổ, bìm bìp... khi ngâm rượu để cả lông sẽ rất mất vệ sinh, người uống có thể bị tiêu chảy. Người uống rượu ngâm nhung hươu không được cạo sạch lông có nguy cơ bị viêm ruột. Việc sử dụng thịt, bộ phận sống của các động vật quý hiếm ngâm rượu sẽ không có gì bảo đảm là tốt cho sức khỏe bởi thịt sống sẽ bị phân hủy vào trong rượu, uống rất mất vệ sinh. Vì vậy việc ngâm tất cả các loại cây, loại con vật quý bổ cần có bài bản và hướng dẫn của thầy thuốc”- bác sĩ Hướng cảnh báo.

 

Các bác sĩ cho biết thêm có rất nhiều người sử dụng rượu thuốc ngâm các loài động vật quý hiếm để chiêu đãi bạn bè và họ thả sức uống. Nhưng với những loại rượu thuốc thường chỉ được uống với liều lượng rất ít, nếu uống tràn lan cũng có thể gây nguy hại đến sức khỏe. Theo bác sĩ Hướng, mỗi ngày chỉ nên uống các loại rượu ngâm tối đa là 20 ml, uống vào buổi tối là tốt nhất. Không nên uống rượu thuốc vào buổi sáng vì lúc này, đàn ông thường trong thể trạng dương khí vượng,  uống vào sẽ khiến dương khí bị tản, lặp lại nhiều lần sẽ làm cho người chóng già, sinh bệnh. Ngoài ra, những người bị bệnh gan, thận, cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường... không được uống rượu ngâm, kể cả rượu ngâm các loài động vật quý hiếm.

 

Theo Minh Hằng

Sức khỏe & An toàn thực phẩm