Dễ như mua bán trứng... người?
Người cho trứng thì hiếm nhưng người bán trứng thì không thiếu, miễn có tiền! Vì cần tiền, lại được “cò” tận tình giúp đỡ nên có người bán trứng nhiều lần. Điều này có thể sẽ dẫn đến xác suất cao hôn nhân cùng huyết thống ở thế hệ con cái.
15 triệu đồng... 1 trứng
Với vẻ mặt đau khổ của người đàn ông không con vì vợ bị ung thư buồng trứng, tôi kể lể và đánh tiếng tìm giúp người cho trứng với một bà gần 50 tuổi ở quán nước vỉa hè trước cổng Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Ban đầu bà ta từ chối nhưng khi tôi tiếp tục tỉ tê, hứa hậu tạ thì người phụ nữ cười tự giới thiệu tên Nga, “hành nghề” được ba năm, cũng đã giới thiệu hơn hai chục mối. Vừa ghi số điện thoại của tôi, bà Nga vừa phán với giọng quả quyết: “Đúng 8 giờ ngày mai có mặt tại đây để gặp người bán trứng”.
Rời Bệnh viện Từ Dũ, tôi tìm đến Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) để tìm “cò”... trứng. Tại đây, tôi được sự giúp đỡ tận tình của một số “cò”, từ bà bán hàng ăn đến ông xe ôm. Các “cò” hứa sẽ gọi ngay khi có mối bán trứng sau khi cẩn thận lưu lại số điện thoại của tôi. Đặc biệt tôi còn được mách: “Vào khoa hiếm muộn của bệnh viện nhờ nhân viên y tế giúp thì việc mua trứng nhanh chóng hơn”.
Tôi vào bệnh viện và tìm gặp một nhân viên y tế tên Liên (đã đổi tên nhân vật - PV). Nhìn bộ dạng thất thểu và thương hại hoàn cảnh của tôi bà Liên cũng xiêu lòng, hứa sẽ tìm mối giúp. Cũng như bà Nga, khi tôi dò hỏi giá tiền mua trứng thì bà Liên bảo do thỏa thuận của người bán và người mua. Riêng công giới thiệu bà Liên chắc giá một triệu đồng. “Khi hai bên thống nhất giá cả thì anh ứng trước cho người bán 1/3, khoản tiền còn lại sẽ được thanh toán dứt điểm khi bệnh viện lấy được trứng”, bà Liên ra điều kiện.
Giả vờ lo lắng, tôi hỏi lỡ cầm tiền ứng trước rồi người bán trứng xù luôn thì tính sao? Bà Liên trề miệng, lên tiếng bằng giọng sành sõi: “Trước khi thực hiện việc lấy trứng, bệnh viện yêu cầu hai bên làm bản cam kết, tên tuổi, địa chỉ ghi rành rành thì trốn sao được. Hơn nữa, tôi là người giới thiệu, lại làm việc tại đây (bệnh viện - PV), có gì anh đến bắt đền!”.
Như đã hẹn với bà Nga trước đó, đúng 8 giờ ngày hôm sau tôi có mặt. Đang lúc định bỏ về vì chờ lâu thì bà ta tới, dẫn theo cô gái độ 30 tuổi có mái tóc nhuộm vàng, khẩu trang kín nửa mặt. Ngoắc tôi ra ngoài, bà Nga bảo vào trong bệnh viện tìm chỗ vắng vẻ để tiện trao đổi.
Theo lời cô gái đồng ý bán trứng có tên Thanh (quê ở Đồng Nai), do gia đình quá khó khăn, mẹ bệnh nặng, chồng thất nghiệp, lại thêm con nhỏ nên nghe bà Nga gợi ý cô gật đầu liền. Thanh không đưa ra giá tiền bán trứng mà bảo tôi cho giá trước. Tôi đưa giá tám triệu đồng. Thanh lắc đầu. Khi tôi tăng lên 10 triệu đồng và hứa sẽ thưởng thêm nếu kiếm được con trai thì Thanh bảo để suy nghĩ và gọi điện thoại trả lời sau. Chiều hôm đó, tôi nhận được cuộc gọi của Thanh từ số máy 090846... Thanh nâng giá tiền bán trứng lên 15 triệu đồng và không quên nhắc tôi chi thêm nếu tìm được thằng cu. Tôi đồng ý. “Khi nào xét nghiệm, chích thuốc thì báo trước một ngày để em chuẩn bị. Nhanh lên nghe anh, em đang cần tiền” , Thanh hối thúc.
Qua ngày hôm sau, tôi cũng nhận được cuộc gọi của bà Liên báo đã tìm được người bán trứng. Lấy lý do đã có... “hàng” nên tôi từ chối. Bà Liên lầm bầm vài tiếng rồi cắt máy.
Trứng bán cho nhiều nơi!
Trong vai người bán trứng, tôi gọi điện thoại số 01268... và gặp bà Hương, một “cò” trứng ở Bệnh viện Hùng Vương để nhờ bà ta tìm người mua trứng. Chẳng để tôi nói xong, bà Hương gắt gỏng: “Trứng gì? Tôi đâu biết! Mà cô là ai? Sao biết số điện thoại tôi?”.
Tôi trả lời số điện thoại có được từ người bạn đã từng được bà Hương giới thiệu bán trứng, lập tức bà ta đổi thái độ, xởi lởi hỏi han. Nghe tôi trình bày đã từng có thai nhưng phá bỏ, bà Hương bảo chuyện nhỏ và dặn tôi nói khéo với người mua trứng là được. “Mọi chi phí người mua lo hết. Bán trứng xong em được ít nhất 10 triệu đồng. Nhớ nâng giá lên cao một chút, họ trả xuống là vừa. Mà này, trang điểm thật đẹp khi gặp “đối tác” để dễ đòi giá cao” - bà Hương bày cách.
Nếu như các tay “cò” ở Bệnh viện Hùng Vương hoạt động khá kín đáo dưới mác người bán nước, bán hàng ăn... thì lực lượng “cò” ở Bệnh viện Từ Dũ làm ăn công khai và đông đảo hơn. Ngày 4/9, vừa ra khỏi cổng bệnh viện tôi bị một ông xe ôm chặn hỏi: “Em bị gì? Hư thai hay phá thai? Để anh giới thiệu chỗ khám dịch vụ, vừa nhanh vừa khỏe”. Tôi lắc đầu, bỏ đi.
Được vài bước chân, một ông xe ôm khác kè kè theo hỏi: “Nhìn em buồn thiu anh đoán chắc bị... vô sinh. Do em hay do chồng? Nói đi anh giúp cho”. Tôi giả vờ mắc cỡ, bảo vô sinh do tôi nên cần xin trứng. “Trứng em phải mua, chẳng ai cho không. Mà giá mắc lắm, em đủ tiền không?”, ông xe ôm thốt lên khiến tôi đỏ cả mặt.
Ngập ngừng giây lát, tôi nhỏ giọng: “Thật ra em không xin trứng mà là... bán trứng”. Ông xe ôm hỏi dồn: “Có chồng chưa? Phải có chồng mới bán được trứng”. Tôi bịa mình đang là sinh viên năm cuối, từng “sống thử” với bạn trai hơn hai năm và đã mang thai nhưng phá bỏ. Hiện bạn trai nợ nần quá nhiều, phải bán trứng để có tiền thanh toán. Nghe tôi thở than, ông xe ôm hứa giúp tìm người mua trứng.
Ông Thành cho biết mỗi lần bán trứng tôi sẽ được 10 triệu đồng. Sát lại gần tôi, ông Thành thì thầm: “Em chịu... đẻ mướn không? Anh có sẵn rồi. Vụ này tuy cực nhưng ngon ăn, đẻ xong em có 40 triệu đồng, khỏe re!”. Tôi lắc đầu, bảo đẻ mướn tốn nhiều thời gian trong khi tôi cần tiền gấp. Không thuyết phục được tôi đẻ mướn, ông Thành lưu số điện thoại, bảo tôi ngày mai đưa ông ta tấm ảnh và phôtô chứng minh nhân dân để có người mua trứng thì cho xem. Nếu có người đồng ý ông sẽ gọi điện thoại cho tôi.
Nghe tôi hỏi bán trứng có được luật pháp thừa nhận không, ông Thành trả lời tỉnh queo: “Vi phạm pháp luật đó. Nhưng em cần tiền, người ta cần trứng, còn anh cần kiếm thêm cơm. Có cung có cầu thôi, chuyện nhỏ mà!”. Tôi lại hỏi muốn bán trứng nhiều lần có được không, ông Thành bảo được. “Khối gì người bán từ hai đến ba lần. Bán ở bệnh vện này xong qua bán ở bệnh viện khác, chẳng... ma nào biết!”, ông Thành quả quyết...
Theo T.Như
Pháp luật TPHCM