1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dễ “mất Tết” chỉ vì một món ăn này!

(Dân trí) - Những ngày cuối năm đã cận kề, nhiều nhà đang “đụng lợn” chung vui đón Tết và thường không thể thiếu món tiết canh, lòng lợn nóng hổi. Bộ Y tế cảnh báo, rất dễ mất Tết bởi một bát tiếc canh. Thực tế, năm nào cũng có vài ca nhập viện vì liên cầu lợn do ăn tiết canh khiến cả gia đình mất Tết, thậm chí bệnh nhân không qua khỏi.

70% ca liên cầu lợn là do tiết canh

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng vừa đưa ra khuyến cáo chính thức, kêu gọi mọi người không ăn tiết canh, thịt lợn chưa nấu chín để phòng nguy cơ mắc bệnh liên cầu lợn ở người trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, trong năm 2017 cả nước ghi nhận 171 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó 14 người tử vong.

Bộ Y tế cảnh báo người dân không ăn tiết canh để phòng nguy cơ nhiễm liên cầu lợn trong dịp Tết. Ảnh: H.Hải
Bộ Y tế cảnh báo người dân không ăn tiết canh để phòng nguy cơ nhiễm liên cầu lợn trong dịp Tết. Ảnh: H.Hải

Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn trên người có thể vài tiếng đến 4 - 5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài (nhưng không đi nhiều lần) khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.

Người bệnh cũng có biểu hiện đau đầu, ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn. Nếu có yếu tố nguy cơ (như ăn tiết canh, tham gia giết mổ thịt, ăn thịt lợn tái sống chưa nấu chín) mà xuất hiện các biểu hiện trên cần nhanh chóng đưa người bệnh đến viện. Bởi đây là những dấu hiệu cho thấy có thể nhiễm liên cầu lợn. Đây là căn bệnh diễn biến nặng và tỷ lệ tử vong rất cao.

BS Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, hầu như năm nào cũng có bệnh nhân liên cầu lợn phải nhập viện đầu năm mới và có những ca bệnh không qua khỏi vì nhập viện muộn.

Điều tra các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn trên người cho thấy khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh.

Bộ Y tế cũng cảnh báo quan điểm lợn nuôi trong gia đình là lợn sạch của người dân là sai lầm. Bởi vi khuẩn liên cầu thường cư trú ở vùng họng của lợn mà không gây bệnh cho con vật do đó những con lợn này trở thành lợn lành mang mầm bệnh và bệnh chỉ phát ra ở những con lợn có sức miễn dịch yếu. Với lợn nhiễm liên cầu khuẩn (cả lợn lành mang mầm bệnh và lợn bệnh), trong máu (tiết canh) và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn.

Khi người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng. Người nhiễm bệnh liên cầu lợn bao gồm 3 thể nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai.

Chi phí điều trị các ca nhiễm liên cầu lợn lên tới cả trăm triệu đồng, trong vài ba tuần nhưng tỉ lệ tử vong vẫn cao và di chứng để lại cũng rất lớn. Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn là khoảng 7%, nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40% (thường là điếc không hồi phục).

Vẫn mắc lại như thường

BS Cấp cảnh báo, nhiều người nghĩ đã nhiễm liên cầu lợn là không mắc lại b ệnh. Thực tế, bệnh nhân hoàn toàn có thể mắc lại do bệnh liên cầu lợn không để lại miễn dịch lâu dài trong cơ thể người, vì vậy cần duy trì thường xuyên thói quen ăn chín, uống sôi trong mọi thời điểm.

Để phòng nguy cơ nhiễm liên cầu lợn, Bộ Y tế khuyến cáo không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn (heo) chưa được nấu chín.

Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn (heo) ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn (heo) không đảm bảo vệ sinh hoặc không rõ nguồn gốc; không sử dụng thịt lợn (heo) có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khi tiếp xúc với lợn (heo), chế biến thịt lợn (heo), thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Tiêu hủy lợn (heo) bệnh, lợn (heo) chết theo đúng quy định.

Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời

Hồng Hải