“Đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển”
(Dân trí) - Phát biểu tại Hội nghị APEC, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng “Sức khỏe là vốn quý của từng người và của toàn xã hội. Đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển”.
Từ ngày 23 đến 24/8, tại TPHCM cuộc họp APEC về y tế trong khuôn khổ Hội nghị Quan chức cao cấp lần thứ 3 (SOM 3) đang bước vào cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về y tế và kinh tế do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đây là phiên họp rất quan trọng, không chỉ đơn thuần là một cuộc họp cao cấp mà còn là hành động cụ thể nhằm thực hiện các cam kết của lãnh đạo cấp cao APEC vì mục tiêu xây dựng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh”.
Phó Thủ tướng nhận định, thế giới hiện có rất nhiều thay đổi, khoa học công nghệ đang mang nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho nhân loại. Về sức khỏe con người, hiện nay nhiều loại bệnh mới nổi đang lan truyền rất nhanh, tình trạng già hóa dân số, mặt tiêu cực của sự phát triển mang đặc trưng ngày càng nhiều, các bệnh có tính nghề nghiệp đặc biệt là bệnh thần kinh, trầm cảm, béo phì, các bệnh không lây nhiễm cũng đang âm thầm gây tổn hại cho sức khỏe. Châu Á - Thái Bình Dương cũng như toàn thế giới đang phải đổi mặt với các vấn đề trên.
Nếu trước đây các nước Châu Âu phải mất hàng trăm năm để chuyển từ dân số trẻ sang dân số già thì ở một số nước APEC trong đó có Việt Nam, già hóa dân số chỉ còn 18 đến 20 năm. Sức ép của nền công nghiệp cũng đang làm cho con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe, quá bận rộn hàng ngày khiến con người ít có điều kiện quan tâm hơn đến sức khỏe của chính mình.
Phó Thủ tướng khẳng định: “Sức khỏe là vốn quý của từng người và của toàn xã hội. Đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển. Với người dân, mọi việc tưởng chừng đơn giản, phản ứng đầu tiên là cần có bác sĩ giỏi, có thuốc tốt, có phương tiện kỹ thuật hiện đại để khi có bệnh thì nhanh chóng điều trị khỏi. Tuy nhiên ở góc độ của nhà nước đây là bài toán không đơn giản. Nhà nước không chỉ lo về cơ chế để người dân có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất mà còn phải hướng người dân cùng với nhà nước lo cho y tế dự phòng, đào tạo đội ngũ y bác sĩ có tay nghề chuyên môn giỏi, phát triển y tế vùng sâu vùng xa để các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người đồng bào được tiếp cận với dịch vụ y tế tốt nhất”.
Khẳng định trước các quốc gia tham dự hội nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Hiện nay một số loại bệnh dịch nguy hiểm như: dịch hạch, bạch hầu, dịch tả... đã được ngăn chặn, khống chế. Tuy nhiên, còn nhiều dịch bệnh mới nổi, gần đây nhất là Zika hoặc nhiều loại bệnh chưa biết tên vẫn là thách thức đối với ngành y tế, đe dọa cuộc sống con người.
Để ngăn chặn được dịch bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe người dân, có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó một trong những vấn đề quan trọng là tài chính. Người dân có nhu cầu được đáp ứng dịch vụ tốt nhất, máy móc hiện đại nhất, bác sĩ giỏi nhất với mức phí phù hợp nhất. Tham gia bảo hiểm y tế là giải pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe, tránh rủi ro tài chính khi ốm đau, bệnh tật.
Tuy nhiên, trong điều kiện của quốc gia có thu nhập thấp như Việt Nam, việc người dân dành nhiều thu nhập hơn để đóng Bảo hiểm Y tế là vấn đề không đơn giản. Song Chính phủ Việt Nam đã chủ động các phương án, vận động nhân dân đóng bảo hiểm, dành ngân sách hỗ trợ cho người nghèo, người cận nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội... tỷ lệ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 42,5%. Đến nay, tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chiếm 82%, đó là chưa kể đến 14 triệu hợp đồng bảo hiểm từ 40 công ty bảo hiểm.
Tất cả các nước đều cố gắng duy trì mức độ chi cho y tế, ở Việt Nam tỷ lệ chi cho y tế chiếm 6% GDP song giá trị tuyệt đối còn thấp, trong khi thiết bị, dược phẩm đều theo giá chung của mặt bằng quốc tế. Đây là điều rất khó khăn cho các nước đang phát triển.
Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế và các quốc gia thành viên APEC, đến nay Việt Nam đã hoàn thành tốt các mục tiêu thiên niên kỷ và chuẩn bị hoàn thành các mục tiêu sức khỏe trong chương trình phát triển bền vững.
Vân Sơn