1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đấu thầu tập trung: Người cười kẻ khóc

(Dân trí) - Sau khi ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy, TPHCM chỉ đạo chuyển quyền tự chủ trong đấu thầu thuốc cho các bệnh viện tại cuộc họp vào chiều 6/3, một số lãnh đạo ngành y tế thành phố và các ban ngành, đơn vị liên quan đang có những ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Bảo hiểm: Kết dư nhờ đấu thầu tập trung

Ở góc độ của cơ quan Bảo hiểm Xã hội thành phố, bà Lưu Thị Thanh Huyền cho rằng: “Luật đã quy định, các loại hàng hóa sử dụng từ nguồn ngân sách, từ bảo hiểm y tế phải thông qua đấu thầu nên cơ quan bảo hiểm sẽ tham gia vào hội đồng đấu thầu. Thực tế hơn 2 năm triển khai đấu thầu tập trung cho thấy, giá thuốc đã ổn định nên bảo hiểm xã hội thành phố trong năm 2015 kết dư được hơn 1.000 tỷ đồng.”

Bảo hiểm Xã hội thành phố bảo lưu quan điểm ủng hộ đấu thầu tập trung
Bảo hiểm Xã hội thành phố bảo lưu quan điểm ủng hộ đấu thầu tập trung

Theo bà Huyền: “Nếu chuyển quyền tự chủ đấu thầu về cho các bệnh viện, cơ quan bảo hiểm sẽ không đủ nhân sự để tham gia vào hội đồng thầu. Mặt khác, bệnh viện tự chủ trong đấu thầu sẽ xảy ra tình trạng, mỗi cơ sở một mức giá khác nhau gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, phê duyệt bảo hiểm y tế. Cần quản lý được giá vật tư, giá thuốc, để tránh nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm. Vù thế Bảo hiểm Xã hội thành phố luôn bảo lưu quan điểm đấu thầu tập trung cả thuốc và thiết bị y tế.”

Bệnh viện: 3 năm không có thiết bị y tế mới

Trong khi đó, BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hùng Vương cho rằng: “Việc đấu thầu thuốc tập trung thời gian qua đã bắt đầu đi vào bài bản phù hợp với chủ trương của Bộ Y tế, đồng thời mang lại những lợi ích nhất định cho người bệnh và bệnh viện. Thông qua đấu thầu tập trung, mua thuốc hàng xỉ có mức giá tốt hơn hàng lẻ, chương trình hậu mãi đối với khách hàng mua nhiều cũng tốt hơn.”

Cũng theo BS Diễm Tuyết: “Đấu thầu tập trung đang hạn chế được những nguy cơ tham nhũng tiêu cực ở nhiều cơ sở. Theo dự kiến sắp tới Bộ Y tế sẽ chia ra các nhóm đấu thầu thuốc khác nhau, một nhóm là giá thương lượng của Bộ Y tế, một nhóm là đấu thầu tập trung tại Sở Y tế các loại thuốc sử dụng phổ biến tại hầu hết bệnh viện, nhóm còn lại đấu thầu tại các bệnh viện đối với những loại thuốc đặc trị.”

Sau chỉ đạo chuyển tự chủ đấu thầu cho bệnh viện của Bí thư Đinh La Thăng, nhiều ý kiến trái chiều đã xuất hiện
Sau chỉ đạo chuyển tự chủ đấu thầu cho bệnh viện của Bí thư Đinh La Thăng, nhiều ý kiến trái chiều đã xuất hiện

Đối với vật tư tiêu hao trang thiết bị y tế, thời điểm hiện tại, Sở Y tế vừa triển khai đấu thầu thuốc vừa thực hiện nhiệm vụ đấu thầu trang thiết bị tập trung, trong khi nhân lực hạn chế, phải điều người từ bệnh viện về làm nhưng cũng không đủ sức. Dù chủ trương là đúng nhưng sự chậm trễ trong việc triển khai các gói thầu đã ảnh hưởng đến lộ trình mua sắm trang thiết bị tại các bệnh viện.

BS Hoàng Thị Diễm Tuyết cho hay: “Hiện nay, máy siêu âm của bệnh viện đã thiếu lại còn bị hư hỏng, hình ảnh mờ khiến bác sĩ đọc kết quả không ra. Bên cạnh đó, các loại máy nhũ ảnh, máy phòng chống nhiễm khuẩn,… và nhiều loại máy khác cần mua đã lên danh sách theo từng năm nhưng kế hoạch không thể thực hiện được, danh sách thiết bị nằm trong diện phải chờ đấu thầu ngày càng kéo dài.”

Ý kiến của BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc bệnh viện Quận Thủ Đức cho hay: “Từ khi Sở Y tế tiến hành đấu thầu tập trung, bệnh viện bệnh viện đã triển khai tổ theo dõi riêng về việc sử dụng thuốc. Nếu xảy ra nguy cơ hết thuốc hoặc bị cung ứng chậm, bệnh viện chuyển sang sử dụng hoạt chất khác, theo danh sách dự trù được Sở Y tế cho phép nên không xảy ra tình trạng bệnh nhân bị đứt thuốc điều trị. Tuy nhiên, vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế, bệnh viện đang gặp nhiều khó khăn, ba năm qua chúng tôi có sẵn tiền nhưng muốn mua thêm thiết bị cũng không được. Thực trạng trên đang gây khó khăn cho việc chẩn đoán điều trị, phát triển kỹ thuật hiện tiên tiến phục vụ người bệnh.”

BS Nguyễn Minh Quân, giám đốc bệnh viện quận Thủ Đức ủng hộ Sở Y tế tiếp tục đấu thầu thuốc tập trung nhưng đề nghị chuyển quyền tự chủ đấu thầu thiết bị y tế cho các bệnh viện
BS Nguyễn Minh Quân, giám đốc bệnh viện quận Thủ Đức ủng hộ Sở Y tế tiếp tục đấu thầu thuốc tập trung nhưng đề nghị chuyển quyền tự chủ đấu thầu thiết bị y tế cho các bệnh viện

BS Minh Quân cho rằng, trong thời điểm hiện tại Sở Y tế nên tập trung nhân lực của Trung tâm mua sắm, triển khai triệt để hình thức đấu thầu tập trung mặt hàng thuốc. Riêng mặt hàng trang thiết bị, sở nên trao quyền tự chủ cho các bệnh viện triển khai. Trước khi thực hiện đấu thầu tập trung, các bệnh viện đều tự chủ trong đấu thầu, nay nếu chỉ đấu thầu mình trang thiết bị, các bệnh viện sẽ chủ động được. Hơn nữa, chỉ có bệnh viện mới nắm được loại thiết bị nào mình cần phải mua hoặc nên ưu tiên mua mặt hàng nào trước.

Ngoài những ý kiến cho rằng Sở chỉ nên đấu thầu tập trung mặt hàng thuốc, trao lại quyền đấu thầu trang thiết bị cho bệnh viện, hoặc đấu thầu cả hai thì cũng có những quan điểm trung lập. BS Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng cho hay: “Chúng tôi là bệnh viện chuyên khoa, tự chủ về mặt tài chính, từ trước đến nay dù đấu thầu tập trung hay đấu thầu riêng lẻ đều không ảnh hưởng đến việc điều trị của bệnh viện và quyền lợi của người bệnh. Quyết định cuối cùng ra sao phụ thuộc vào UBND thành phố và Sở Y tế, chúng tôi chỉ chờ đợi và làm theo.”

Đấu thầu tập trung “bóp chết” doanh nghiệp dược trong nước

Hệ quả từ nạn chi “hoa hồng” khủng của những đơn vị làm ăn bất chính để tuồn thuốc giả, thuốc kém chất lượng vào dự án đấu thầu tập trung đang khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính rơi vào cảnh khốn đốn.

Giám đốc một hãng dược (xin không nêu tên) chia sẻ: “Trước đây khi chưa triển khai đấu thầu tập trung, công ty chúng tôi còn dành được những gói thầu tại các bệnh viện qua hình thức đấu thầu riêng lẻ. Khi đấu thầu tập trung diễn ra, chúng tôi hy vọng sẽ có cơ hội được cung cấp một mặt hàng chuyên biệt. Tuy nhiên chẳng hiểu vì lý do gì công ty vẫn bị rớt thầu dù đã chọn mức giá thấp nhất có thể. Không trúng thầu đồng nghĩa với việc nhà máy không có việc làm, để tránh nguy cơ đóng cửa, phá sản, công ty buộc phải chuyển sang gia công cho hãng dược khác, đồng thời triển khai đại lý phân phối để duy trì hoạt động.

Nhiều doanh nghiệp dược trong nước khốn đốn, nguy cơ phá sản vì đấu thầu tập trung
Nhiều doanh nghiệp dược trong nước khốn đốn, nguy cơ phá sản vì đấu thầu tập trung

Phân tích của PGS Phong Lan chỉ ra: “Ngành dược trong nước đang phát triển rất manh mún, nhỏ lẻ. Hiện có 141 nhà máy trong nước sản xuất các sản phẩm thuộc nhóm generic, nhưng phải cạnh tranh với hàng nghìn mặt hàng cùng loại từ nước ngoài tràn vào. Nếu đấu thầu riêng lẻ, các doanh nghiệp trong nước còn có cơ hội chen chân vào một số bệnh viện. Đấu thầu tập trung theo hình thức lựa chọn một số đơn vị, dù trúng thầu nhưng dây chuyền sản xuất có giới hạn nên cũng không có công ty nào trong nước đủ sức để cung ứng thuốc cho cả gói thầu”.

Đơn vị ít hưởng lợi nhất từ đấu thầu tập trung chính là các sản phẩm biệt dược gốc, có giá cao của các hãng dược đa quốc gia. Đây là những loại thuốc chỉ có một nhà sản xuất và độc quyền phân phối nên việc đấu thầu tập trung sẽ có lợi cho họ. Thay vì phải chào hàng, hợp đồng ở nhiều nơi, nay họ chỉ cần cung ứng cho một đơn vị song vẫn chiếm lĩnh được thị trường.

Nếu ngành dược Việt Nam phát triển theo hướng bớt tầng lớp trung gian, bớt manh mún, nhỏ lẻ thì tương lai cũng có thể đáp ứng được gói đấu thầu tập trung theo dạng đấu thầu quốc gia. Khi đó, việc đấu thầu cần thực hiện trên cơ sở thương lượng giá với các hãng để ra một loại thuốc cho bệnh viện, sau đó các công ty bắt tay nhau sản xuất. Nhưng muốn đấu thầu tập trung thì cần phải xây dựng nhân lực chuyên nghiệp và các cơ sở pháp lý vững chắc, cần có phương án giải quyết khi xảy ra tình trạng thiếu thuốc, không cung ứng hàng kịp thời, giảm các thủ tục phiền hà cho các bệnh viện cũng như đơn vị dự thầu để giảm tiêu cực.

Khó tránh được tiêu cực khi đấu thầu!

Giám đốc một bệnh viện (xin giấu tên) cho rằng: “Đấu thầu về bản chất đã thể hiện sự thiếu khách quan, bao cấp không phù hợp với cơ chế thị trường, dễ phát sinh tiêu cực từ nhóm lợi ích.

Ở rất nhiều quốc gia, họ không cần phải tổ chức đấu thầu phức tạp và tốn kém như Việt Nam nhưng bệnh viện vẫn mua được cả thuốc lẫn trang thiết bị với giá hợp lý nhất.

Dù đấu thầu tập trung hay đấu thầu riêng lẻ cũng khó tránh được tiêu cực, giải pháp tốt nhất cho tình trạng này là xóa bỏ đấu thầu để các mặt hàng thuốc và trang thiết bị đi theo sự cạnh tranh và phát triển của cơ chế thị trường.”

Các nhà thuốc bệnh viện thời gian qua đã phải lao đao vì thiếu thuốc, đứt nguồn cung ứng
Các nhà thuốc bệnh viện thời gian qua đã phải lao đao vì thiếu thuốc, đứt nguồn cung ứng

Đồng quan điểm về tiêu cực trong đấu thầu PGS Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc phụ trách lĩnh vực Dược, Sở Y tế TPHCM, cho biết: “Bản chất của đấu thầu là không công khai, nhưng chủ thầu là người nắm thông tin của túi hồ sơ bí mật. Có những vấn đề liên quan đến các tiêu chí chỉ người nắm quyền mới biết sẽ là cơ hội để họ “đi đêm” với các đơn vị dự thầu.”

PGS Phong Lan chỉ ra, việc đấu thầu thường tồn tại 3 kẽ hở cho tiêu cực. Thứ nhất: công ty sẽ làm mọi cách để sản phẩm của mình lọt được vào danh mục thuốc đề xuất đấu thầu (có những loại thuốc không cần nhưng vẫn được đề xuất). Muốn khắc phục được vấn đề này cần phải xây dựng phác đồ điều trị chuẩn, tất cả các thuốc phải nằm trong phác đồ mới đủ điều kiện dự thầu.

Thứ hai: nguy cơ các bên bắt tay nhau để đẩy giá thầu lên cao. Vì thế cần thiết phải xây dựng giá kế hoạch hợp lý để giá trúng thầu không được vượt quá giá kế hoạch.

Thứ ba: việc “đi đêm” bắt tay nhau để lọt lộ thông tin của chủ thầu. Ví như một đơn vị có thuốc tốt bán với giá 200 đồng nhưng thông tin bị lộ, đối thủ cạnh tranh chỉ cần chào giá 199 đồng thì ngẫu nhiên đã trúng thầu. Đây là vấn đề then chối khiến các bên liên quan muốn ôm quyền đấu thầu về phía mình.

Để giải quyết tiêu cực trên, cần phải thực hiện các công đoạn đấu thầu bằng công nghệ thông tin, mã hóa và bằng đội ngũ thanh kiểm tra trong sạch. Tuy nhiên vấn đề quan trọng hơn cả là người đứng đầu dự án thầu phải công tâm, hướng đến lợi ích của người bệnh.

Trang thiết bị y tế của bệnh viện tư luôn là sự thèm khát của các bệnh viện công
Trang thiết bị y tế của bệnh viện tư luôn là sự "thèm khát" của các bệnh viện công

Khẳng định, không có hình thức đấu thầu nào trong sạch tuyệt đối, nhưng cần phải lựa chọn hình thức ít tiêu cực nhất, PGS Phong Lan cho rằng, việc đấu thầu riêng lẻ tại các bệnh viện ít nhất cũng đáp ứng được nhu cầu cho bệnh nhân và của bệnh viện, hạn chế xảy ra tình trạng chậm thuốc hoặc đứt hàng. Trường hợp có tiêu cực thì cũng chỉ xảy ra ở bệnh viện, Sở Y tế còn kiểm soát và giải quyết được. Nhưng đấu thầu tập trung do sở tổ chức nếu có xảy ra tiêu cực, sai sót thì ai kiểm soát?

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm