Đau ngón tay: nguyên nhân và cách điều trị

(Dân trí) - Đau ngón tay có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Nguyên nhân gây đau ngón tay có thể bao gồm chấn thương, nhiễm trùng, các vấn đề về gân và viêm khớp.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau ngón tay và phương pháp điều trị, cũng như khi nào thì cần đi khám bác sĩ và một số mẹo tự chăm sóc khi bị đau ngón tay.

Đau ngón tay: nguyên nhân và cách điều trị - 1

Chấn thương

Chấn thương ở bàn tay và ngón tay rất phổ biến, nhất là với những người chơi thể thao hoặc thường xuyên sử dụng các thiết bị hoặc dụng cụ nặng.

Nguyên nhân có thể bao gồm:

• ngã chống tay

• đánh đấm

• kẹp ngón tay

• duỗi ngón tay quá mức hoặc bẻ cong quá mức ra sau

Chấn thương ngón tay có thể gây đau, sưng và giảm khả năng vận động. Trường hợp nặng có thể bị trật khớp, gãy xương ngón tay, tổn thương gân hoặc dây chằng.

Điều trị

Có thể điều trị chấn thương nhẹ ở ngón tay bằng liệu pháp RICE:

• Nghỉ ngơi (Rest). Càng tránh sử dụng ngón tay càng tốt để thương tích có thời gian liền lại. Cũng có thể cố định ngón tay bằng nẹp hoặc buộc ngón tay bị thương vào ngón bên cạnh.

• Chườm lanh (Ice). Chườm túi nước đá vào ngón tay bị thương trong tới 20 phút vài lần mỗi ngày. Chườm túi nước đá có thể giúp giảm đau và sưng.

• Băng ép (Compress). Quấn băng hoặc băng chun xung quanh ngón tay bị thương, nhưng dừng quá quá chặt có thể gây tắc mạch máu.

• Gác cao (Elevation). Giữ ngón tay cao trên mức của tim có thể giúp giảm sưng.

Uống thuốc giảm đau không kê đơn (OTC), như acetaminophen, ibuprofen và naproxen, cũng có thể giúp giảm đau và sưng.

Những người nghi ngờ bị gãy xương hoặc trật khớp nên tránh cử động ngón tay và tìm kiếm sự chăm sóc y tế nhanh chóng.

Nhân viên y tế được đào tạo sẽ đặt lại xương và cố định ngón tay để nó lành đúng cách, giúp giảm nguy cơ biến chứng nặng hơn.

Ngón tay cò súng

Ngón tay cò súng là tên gọi chung cho một tình trạng mà các bác sĩ gọi là viêm hẹp bao gân gấp (stenosing tenosynovitis).

Tình trạng này có thể xảy ra khi bao gân ở gốc ngón tay bị viêm, khiến ngón tay bị cứng hoặc bật ra khi cố cử động nó.

Các triệu chứng của ngón tay cò súng có thể bao gồm:

• đau và sưng ở gốc ngón tay

• khó gấp hoặc duỗi thẳng ngón tay

• cảm giác bị khóa hoặc bị kẹt cố gắng cử động ngón tay

• cứng ngón tay

Các triệu chứng của ngón tay cò súng có thể nặng hơn khi một người thức dậy hoặc sau thời gian dài không hoạt động.

Nguyên nhân gây ngón tay cò súng còn chưa được hiểu rõ, nhưng chấn thương bàn tay và một số bệnh lý như đái tháo đường và viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng này.

Điều trị

Điều trị ngón tay cò súng thường bao gồm nghỉ ngơi và bất động ngón tay, ví dụ bằng nẹp. Bác sĩ cũng có thể khuyên nên thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng để duỗi ngón tay, giúp giảm độ cứng và cải thiện khả năng vận động.

Đối với những người có triệu chứng nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể kê đơn tiêm corticoid để giúp giảm đau và viêm. Nếu các phương pháp điều trị khác không thành công, người bệnh có thể cần phẫu thuật để giải phóng bao gân.

Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay ảnh hưởng đến dây thần kinh giữa, chạy qua một đường hầm ở cổ tay.

Nếu dây thần kinh bị chèn ép hoặc sưng trong đường hầm này, nó có thể gây đau, tê bì và cảm giác kiến bò ở bàn tay và ngón tay. Đau có thể bắt đầu ở ngón tay và lan dọc theo cánh tay.

Các triệu chứng có thể bắt đầu dần dần và nặng lên theo thời gian. Một số người cũng có thể bắt đầu bị yếu tay và khó cầm đồ vật hoặc thực hiện các động tác chính xác.

Điều trị

Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay thường tiến triển nặng lên, vì vậy người bệnh cần phải đi khám bác sĩ.

Điều trị tùy thuộc vào mức độ nặng của triệu chứng và có thể bao gồm:

• nẹp

• thay đổi lối sống, như tránh mọi hoạt động làm triệu chứng nặng thêm và điều chỉnh bàn làm việc

• vật lý trị liệu

• thuốc chống viêm không steroid, như ibuprofen và naproxen

• tiêm corticoid

Nếu các triệu chứng không cải thiện, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để giải ép cho dây thần kinh giữa.

Nang bao hoạt dịch

Nang bao hoạt dịch là những khối chứa đầy dịch có thể hình thành ở gần khớp hoặc gân ở cổ tay và bàn tay, chẳng hạn như ở gốc ngón tay. Những khối này có thể khác nhau về kích thước và có thể sờ thấy mềm hoặc chắc.

Nang bao hoạt dịch thường vô hại, nhưng có thể gây đau hoặc cảm giác kiến bò ở một số người.

Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra nang bao hoạt dịch, nhưng nó có thể hình thành ở mọi lứa tuổi.

Điều trị

Nang bao hoạt dịch thường tự hết và việc điều trị nói chung chỉ cần thiết nếu nang gây đau hoặc làm giảm khả năng vận động của ngón tay.

Nếu nang bao hoạt dịch gây ra vấn đề, bác sĩ có thể đề nghị:

• dẫn lưu nang bằng thủ thuật chọc hút

• phẫu thuật cắt bỏ nang

Nhiễm trùng

Các vết đứt và vết thương trên bàn tay hoặc ngón tay đôi khi có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Các triệu chứng của nhiễm trùng ngón tay có thể bao gồm:

• đau nặng lên

• sưng

• da đỏ hoặc nóng

• mủ hoặc dịch tiết từ vết đứt hoặc vết thương

• cảm thấy không khỏe

• sốt

Điều trị

Rửa sạch và băng đúng cách mọi vết đứt và vết thương có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.

Nếu nghi ngờ ngón tay bị nhiễm trùng, bạn nên nói chuyện với bác sĩ. Nếu không điều trị, nhiễm trùng đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm mô tế bào, hình thành áp xe hoặc thậm chí nhiễm trùng huyết.

Điều trị phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh cho người bị nhiễm trùng do vi khuẩn.

Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là "dạng viêm khớp phổ biến nhất". Nó xảy ra khi sụn bảo vệ các đầu xương bị mòn. Thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào, nhưng hay gặp nhất ở ngón tay và bàn tay.

Ở ngón tay, thoái hóa khớp có thể gây ra:

• đau, nặng lên khi vận động

• sưng

• đỏ và sưng nề

• cứng khớp và giảm tầm vận động

• cục xương gần khớp ngón tay

Thoái hóa khớp thường phát triển dần dần và có thể nặng lên theo thời gian. Bệnh phổ biến hơn ở những người lớn tuổi và những người đã bị chấn thương khớp trước đó.

Điều trị

Những người có triệu chứng thoái hóa khớp nên đi khám bác sĩ để đánh giá. Mặc dù không có cách chữa khỏi thoái hóa khớp, song điều trị có thể giúp giảm triệu chứng và cải thiện khả năng vận động.

Các lựa chọn điều trị cho thoái hóa khớp bao gồm:

• thường xuyên tập thể dục và kéo giãn

• quản lý cân nặng

• liệu pháp nghề nghiệp và vật lý

• dùng thuốc chống viêm, như ibuprofen và steroid

• phẫu thuật

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mãn tính trong đó hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh bao phủ trong khớp, dẫn đến đau, sưng, biến dạng và cứng khớp.

Viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến cổ tay và ngón tay, đặc biệt là khớp giữa của ngón tay, nhưng bệnh cũng có thể biểu hiện ở các bộ phận khác của cơ thể.

Các triệu chứng khác của viêm khớp dạng thấp có thể bao gồm:

• khớp nóng hoặc nề khi sờ

• khớp biến dạng có thể gây cong ngón tay

• tê và cảm giác kiến bò ở ngón tay

• mệt mỏi và thiếu sức sống

• sốt

Nguyên nhân của viêm khớp dạng thấp còn chưa rõ, nhưng bệnh phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới và đôi khi có thể diễn ra trong gia đình.

Điều trị

Những người có triệu chứng viêm khớp dạng thấp nên đi khám bác sĩ. Không có cách chữa khỏi căn bệnh này, vì vậy mục đích của điều trị là làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương khớp.

Các lựa chọn điều trị cho viêm khớp dạng thấp bao gồm:

• thuốc chống viêm

• thuốc ức chế miễn dịch

• liệu pháp vật lý và nghề nghiệp

• các liệu pháp bổ sung như yoga, xoa bóp và châm cứu

• phẫu thuật

Co kéo Dupuytren

Co kéo Dupuytren là sự dày lên của mô trong lòng bàn tay, dẫn đến hình thành những u cục và dây có thể làm giảm vận động và khiến các ngón tay bị co kéo gập vào lòng bàn tay.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

• khó chịu hoặc đau ở ngón tay hoặc lòng bàn tay khi cử động

• những đám lồi lõm dưới lòng bàn tay

• không thể đặt bàn tay trên mặt phẳng

• khó sử dụng tay

Hiện chưa rõ nguyên nhân gây co kéo Dupuytren, nhưng bệnh chủ yếu gặp ở nam giới gốc Âu từ 40 tuổi trở lên. Các triệu chứng có xu hướng nặng dần lên theo thời gian.

Điều trị

Những người có triệu chứng nhẹ có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, đối với các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ các dây để cho phép các ngón tay duỗi thẳng.

Khi nào đi khám bác sĩ

Bạn nên đi khám bác sĩ khi đau nào ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày hoặc công việc. Điều quan trọng là phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời khi nghi ngờ gãy xương, trật khớp và nhiễm trùng vết thương.

Để chẩn đoán nguyên nhân đau ngón tay, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng và tiền sử bệnh và khám thực thể ngón tay bị đau.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu để giúp chẩn đoán.

Tự chăm sóc khi bị đau ngón tay

Các biện pháp tự chăm sóc cho đau ngón tay có thể bao gồm:

• chườm đá chỗ đau trong tới 20 phút mỗi lần

• nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt

• bảo vệ và bất động ngón tay bị ảnh hưởng bằng nẹp hoặc băng quấn

• giữ ngón tay cao hơn mức tim để giảm sưng

• dùng thuốc giảm đau OTC, như acetaminophen, ibuprofen và naproxen

Tóm lại

Đau ngón tay thường là kết quả của chấn thương nhẹ. Có thể điều trị đau ngón tay ở nhà bằng nghỉ ngơi và bất động.

Tuy nhiên, đau dữ dội, đau tăng lên hoặc tái phát có thể là dấu hiệu của một chấn thương nghiêm trọng hơn hoặc bệnh lý tiềm ẩn.

Các nguyên nhân có thể gây đau ngón tay bao gồm tình trạng gân, viêm khớp, nang bao hoạt dịch và nhiễm trùng.

Nên đi khám bác sĩ khi đau ngón tay hoặc các triệu chứng khác ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Cũng nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế nhanh chóng nếu nghi ngờ bị gãy xương, trật khớp hoặc nhiễm trùng vết thương.

Cẩm Tú

Theo MNT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm