Đau mắt đỏ lây lan mạnh
(Dân trí) - Hai tuần trở lại đây, dịch đau mắt đỏ đang tăng lên nhanh tại Hà Nội. Đến bệnh viện Mắt TƯ, không chỉ bệnh nhân tới khám đau mắt mà số nhân viên y tế bị lây nhiễm đau mắt đỏ cũng khá nhiều.
Cả nhà cùng đeo kính
Chớ dùng thuốc chống viêm
Đau mắt đỏ là bệnh do vi-rút gây ra, rất dễ lành nếu được nhỏ đúng thuốc, còn dùng sai thuốc, nó có thể gây hậu quả nặng nề, khiến người bệnh mắt sưng húp, ken đặc dử mắt không mở ra được. Chưa kể nguy cơ xước lòng đen của mắt là rất cao, do nguyên nhân xông lá, xông tinh dầu, nhỏ thuốc sai. Với trường trường hợp bị xước lòng đen trong mắt, việc điều trị cả tháng trời mới lành bệnh.
Tuy nhiên, người bệnh lại rất chủ quan. Trên thực tế, hầu hết bệnh nhân có dấu hiệu đỏ mắt thường không đi khám mà tự ra hiệu thuốc mua thuốc về điều trị. Những thuốc phổ biến mà người dân hay dùng lại là các thuốc chống viêm như Nemydexa, Clodexa… vốn là những thuốc tra mắt phải có chỉ định chặt chẽ của bác sĩ. “Ở giai đoạn đầu của hiện tượng đau đỏ mắt, không bao giờ bác sĩ chúng tôi dám chỉ định các thuốc chống viêm này cho bệnh nhân. Vì đỏ mắt là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý khác nhau, có thể có sự chẩn đoán nhầm lẫn trong giai đoạn đầu. Nếu dùng thuốc nhỏ mắt có corticoid ngay là rất nguy hiểm. Như đỏ mắt ở trẻ có thể là viêm kết mạc do lậu cầu, hay đỏ mắt ở người lớn do viêm kết mạc do vi khuẩn… Nếu sử dụng các loại thuốc này, bệnh lý càng trở nên nặng nề, điều trị khó khăn hơn rất nhiều. Chỉ sau 3 ngày không đỡ, chắc chắn chẩn đoán đúng bệnh thì bác sĩ mới cân nhắc sử dụng các loại thuốc này”, BS Hoàng Cương, khoa Khám bệnh, bệnh viện Mắt TƯ nói.
Việc điều trị tốt nhất là dùng muối sinh lý rửa mắt nhiều lần trong ngày để rửa sạch dử mắt, sau đó có thể tra kháng sinh phổ rộng, ngày 3-4 lần. Như ở trẻ em, kháng sinh phổ rộng thường được dùng là Tobrex, còn ở người lớn thuốc dùng phổ biến là Chloramphenicol. Khi bị đỏ mắt, dùng theo phác đồ này 3 ngày mà không thấy đỡ, hoặc bệnh tiến triển nặng lên thì người bệnh nên tới bác sĩ chuyên khoa mắt để khám. Tuyệt đối không xông lá trầu không, xông tinh dầu vì sức nóng của nó càng khiến tình trạng mọng mắt thêm phù nề.
Cũng cần lưu ý, khi bị đau mắt đỏ dù đã điều trị khỏi nhưng một tuần sau đó vẫn có thể lây bệnh cho người khác, nên mọi người cần có ý thức cách ly, tránh dùng chung dụng cụ sinh hoạt, không dùng tay dụi mắt, nên rửa tay thường xuyên với xà phòng. Trong giai đoạn này, để phòng bệnh mọi người nên dùng muối sinh lý nhỏ mắt hàng ngày, nhưng cần dùng riêng mỗi người một lọ, tránh nguy cơ lây lan qua đầu nhỏ.
Hồng Hải