1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đau lòng trẻ tử vong, phải đoạn chi tại TPHCM vì nhiễm não mô cầu

Hoàng Lê

(Dân trí) - Dù dốc hết sức điều trị, các bác sĩ nhi đồng tại TPHCM vẫn bất lực nhìn một trẻ tử vong, một trẻ biến chứng nặng phải đoạn tay chân, chỉ sau vài giờ phát bệnh nhiễm não mô cầu quái ác.

Ngày 5/5, Hội Y học Dự phòng Việt Nam tổ chức tọa đàm "Tầm quan trọng của chủng ngừa não mô cầu và bạch hầu - uốn ván - ho gà trên thanh thiếu niên", diễn ra tại TPHCM.

Gánh hậu quả đau lòng vì nhiễm não mô cầu

TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, thống kê mỗi năm Việt Nam phát hiện khoảng 50-100 ca bệnh do nhiễm não mô cầu. Con số này tại Bệnh viện Nhi đồng 1 là 2-4 ca/năm. Dù số lượng mắc không cao nhưng hậu quả mà bệnh để lại là hết sức nặng nề.

Bác sĩ Nghĩa dẫn chứng, trong hai năm gần đây, ông và đồng nghiệp đã tiếp nhận hai trường hợp bệnh nhi nhiễm não mô cầu thương tâm.

Trường hợp đầu tiên là của một bé gái 4 tuổi, ngụ Tiền Giang, được gia đình đưa vào cấp cứu vào nửa đêm một ngày tháng 9/2020. Thời điểm nhập viện, bệnh nhi đã nhiễm não mô cầu rất nặng, xuất hiện những tử ban (ban bị hoại tử), sốt cao và rơi vào sốc. Dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức điều trị, bệnh nhi tử vong chỉ trong vòng 12 tiếng kể từ lúc nhập viện.

Đau lòng trẻ tử vong, phải đoạn chi tại TPHCM vì nhiễm não mô cầu - 1

Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

May mắn giữ được mạng sống nhưng trường hợp của bé trai 4,5 tháng tuổi (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) cũng gây ám ảnh với các bác sĩ. Theo đó khi thấy con liên tục sốt cao, người mẹ lo lắng nên đã đưa bé vào viện ở giờ thứ 12 sau khi khởi bệnh viêm màng não do não mô cầu. Chỉ 2-3 tiếng nhập viện, bé đã rơi vào sốc, các nốt xuất huyết phát triển thành tử ban.

Nhờ được đưa vào trong khoảng thời gian cho phép, các bác sĩ tại khoa Nhiễm - Thần kinh đã cùng nhau giúp bé qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên đến ngày thứ 8, vì tình trạng hoại tử da nặng, các bác sĩ phải cắt bỏ từ vùng đầu gối chân trái, đoạn một số ngón ở hai tay của bệnh nhi.
TS.BS Nguyễn An Nghĩa chia sẻ, việc giải thích cho người mẹ cần phải đoạn chi con để giữ mạng sống là rất khó khăn. Đây là một cú sốc với gia đình, nên không phải ai cũng chấp nhận được.

Từ những trường hợp trên cho thấy việc tiêm vaccine ngừa bệnh do nhiễm não mô cầu có tầm quan trọng lớn thế nào. "Ở trường hợp trẻ 4,5 tháng tuổi chưa phải độ tuổi chủng ngừa, nên việc chủng ngừa những người xung quanh rất quan trọng. Các ông bố, bà mẹ có thể tiêm vaccine để tránh trở thành nguồn lây cho trẻ" - chuyên gia phân tích.

Có thể gây tử vong chỉ trong 24 giờ

Phó khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định, bệnh do nhiễm não mô cầu dù số ca mắc không nhiều nhưng tỷ lệ tử vong khi can thiệp trễ lên đến 50-70%, thậm chí khi can thiệp sớm thì nguy cơ tử vong cũng ở mức 7-10%. Ngoài ra, khoảng 10-20% trẻ sau nhiễm dù được cứu sống cũng để lại di chứng như tàn tật, điếc...

Bệnh do nhiễm não mô cầu có thể lâm sàng thường gặp nhất là viêm màng não (50% trường hợp), ngoài ra còn có nhiễm khuẩn huyết (38%), viêm phổi do vi khuẩn (9%)... Bệnh tiến triển rất nhanh, với những biểu hiện khó phát hiện trong giai đoạn mới nhiễm. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tử vong chỉ trong 24 giờ.

Đau lòng trẻ tử vong, phải đoạn chi tại TPHCM vì nhiễm não mô cầu - 2

Cha mẹ, người xung quanh tiêm vaccine não mô cầu sẽ góp phần tránh lây lan bệnh cho trẻ (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), trẻ dưới 5 tuổi và thanh thiếu niên là đối tượng mắc bệnh do vi khuẩn N. meningitidis (vi khuẩn não mô cầu) xâm lấn cao nhất, với khoảng 1,2 triệu trường hợp xảy ra trên toàn thế giới mỗi năm.

PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa, Viện Pasteur TPHCM phân tích thêm, tỷ lệ người lành mang trùng của vi khuẩn não mô cầu tăng dần trong quá trình phát triển, từ 4,5% ở trẻ nhỏ đến 7,7% khi trẻ được 10 tuổi. Thanh thiếu niên là nhóm đạt tỷ lệ người lành mang trùng cao nhất (23,7% ở người đến 19 tuổi), nên cũng là nguồn lây bệnh nhiễm não mô cầu rất lớn. Khi chủng ngừa bảo vệ nhóm tuổi này cũng gián tiếp bảo vệ được nhóm trẻ nhỏ và nhóm người cao tuổi.

Các chuyên gia cảnh báo, sau dịch Covid-19 nguy cơ bùng phát các dịch như nhiễm não mô cầu, bạch hầu, uốn ván, ho gà sẽ cao hơn nhiều so với trước đây. Việc tiêm phòng đúng lịch, đầy đủ các mũi tiêm được khuyến cáo giúp thiết lập hàng rào kháng thể, ngăn ngừa sự lây lan của bệnh. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm