Dấu hiệu nguy hiểm từ những biểu hiện thông thường
(Dân trí) - Bạn đang phân vân không biết liệu các triệu chứng mụn cơm, nấc hoặc bầm tím có phải là dấu hiệu của một tình trạng nào đó nguy hiểm hơn? Dưới đây là những dấu hiệu báo động mà bạn cần để ý, cũng như cách xử trí nhanh cho 10 chứng bệnh rất hay gặp.
1.Đau họng
Thông thường: Cảm giác đau rát ở thành sau họng có nhiều nguyên nhân, nhưng hay gặp nhất là nhiễm vi rút (thường là vi rút cúm).
Những nguyên nhân khác gồm nhiễm vi khuẩn và nấm, hút thuốc lá, họng hoạt động quá sức và bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Nghiêm trọng: Khi kéo dài quá 5 ngày và kèm theo sốt quá 3 ngày. Đây có thể là lúc nhiễm trùng đã lan đến xoang, tai giữa hoặc lồng ngực. Viêm họng liên cầu nặng có thể dẫn đến bệnh thận và viêm cơ tim. Các dấu hiệu cảnh báo gồm sưng nề ở cổ, có máu trong đờm và khó nuốt.
Xử trí: Phần lớn các thuốc xịt, nước súc miệng và thuốc ngậm có chứa các thành phần kháng khuẩn và giảm đau để tiêu diệt mầm bệnh và làm tê vùng họng đau. Cần cẩn thận để không bị vượt quá liều khuyến nghị đối với thuốc ngậm. Tránh dùng những thuốc này liên tục quá 1 tuần. Một số chất trong viên ngậm trị ho có thể kích thích hệ thần kinh trung ương, gây bồn chồn, chóng mặt và nhịp tim bất thường.
2. Chốc mép
Thông thường: Những nốt mụn đỏ và sưng ở môi và quanh miệng là hậu quả của nhiễm một chủng vi rút herpes simplex, có thể “nằm ngủ” trong cơ thể nhiều năm trước khi gây ra những đợt mụn rộp.
Trong một số trường hợp, vi rút không bao giờ hoạt động, tuy nhiên, cho dù không nhìn thấy triệu chứng, song nó vẫn rất dễ lây và lan từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp. Phần lớn các nốt chốc mép sẽ tự thết trong vòng hai tuần và hiếm khi gây ra biến chứng.
Nghiêm trọng: Các nốt mụn rộp bắt đầu có mủ. Những vết thương há miệng dễ lây hơn bình thường và vi rút có thể lan sang những phần khác của cơ thể. Những nốt mụn đỏ, ngứa và đau có thể xuất hiện trên các ngón tay. Cần đi khám bác sĩ ngay.
Xử trí: Nhiều loại kem bôi không cần đơn bác sĩ có thể giúp đẩy nhanh quá trình liền. Những chế phẩm chứa cồn và dịch chiết từ chanh rất thông dụng vì chúng rút ngắn thời gian liền và ngăn ngừa tái phát. Đồng thời, vệ sinh tốt, mang khẩu trang và dùng băng dán vết mụn để ngăn vi rút lan sang những nơi khác trên cơ thể.
3. Mụn cơm
Thông thường: Những nốt sùi giống như hoa súp lơ do vi rút HPV (human papillomavirus) gây ra, đây là vi rút rất dễ lây qua tiếp xúc da-da. Sauk hi thâm nhập cơ thể qua những vết trầy xước, vi rút có thể “nằm ngủ” hàng tháng trời trước khi gây ra những mụn thịt trên da, bao gồm bàn tay, gót chân, bộ phận sinh dục và thậm chí dưới ngón tay. Điều này khiến rất khó xác định người bệnh bị nhiễm vi rút khi nào, ở đâu và như thế nào.
Nghiêm trọng: Mụn cơm sinh dục - hay sùi mào gà - là một bệnh nhiễm trùng lây qua đường sinh dục, có thể dẫn tới những vấn đề khi có thai. Ngoài việc gây khó tiểu, sùi mào gà ở thành âm đạo cũng khiến âm đạo khó giãn nở trong thời gian mang thai, khiến việc sinh nở khó khăn hơn. Cần đi khám bác sĩ sản khoa.
Xử trí: Cách điều trị khác nhau tùy theo vị trí nhiễm trùng, ví dụ, mụn cơm ở bàn tay và bàn chân có thể tự điều trị bằng các biện pháp áp lạnh để diệt vi rút và bóc đi lowpsda nhiễm trùng, trong khi một số khác cần những biện pháp điều trị theo đơn của bác sĩ.
4. Nấc
Thông thường: Nấc, hay co thắt cơ hoành, có thể khá là khó chịu. Nhưng chúng hoàn toàn bình thường và thường hết sau vài phút. Nấc có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất cứ đâu và vào bất kỳ lúc nào - nhất là vào đầu kỳ kinh. Mặc dù chưa rõ mối liên quan chính xác, song chướng bụng - một triệu chứng tiền kinh nguyệt hay gặp - có thể ảnh hưởng đến cơ hoành và dẫn đến nấc. Một giả thuyết khác là cảm xúc lo lắng, có thể tăng lên vào thời điểm này trong tháng, gây ra những cơn co thắt ở cơ hoành.
Nghiêm trọng: Khi nấc kéo dài nhiều ngày. Đây có thể là dấu hiệu của những bệnh nội khoa có thể gây tử vong như tổn thương não do đột quị, khối u phổi, tiểu đường và suy thận.
Xử trí: Tuy chưa có những phương pháp đã được chứng minh để làm ngừng những cơn co cơ không mong muốn này, song nhiều cách chữa mẹo tại nhà có thể giúp ích. Một số cách chữa nấc như nhịn thở và bóp chặt cổ tay hoặc cơ giữa ngón cái và ngón trỏ thực sự có cơ sở khoa học. Việc nhịn thở sẽ khiến CO2 tích tụ trong phổi, khiến cơ hoành bất động và thư giãn, trong khi việc bóp chặt cổ tay sẽ khiến người bệnh xao lãng, nhờ đó nhịp thần kinh của cơ hoành có thể tự phục hồi.
5. Bầm tím
Thông thường: Va chạm hoặc ngã nhẹ có thể khiến các mạch máu dưới da bị vỡ, làm máu thoát ra ngoài mà không gây rách da.
Những vết bầm tím kiểu này thường mờ dần và hết trong khoảng hai tuần. Chúng cũng có xu hướng hay gặp hơn ở một số người so với những người khác. Những người dễ bị bầm tím thường có mạch máu yếu hơn.
Những người uống các thốc chống đông máu như steroid và warfarin cũng có thể dễ bị bầm tím hơn
Nghiêm trọng: Bầm tím đột ngột không rõ nguyên nhân xảy ra mà trước đó không hề có tai nạn hay thương tích. Tình trạng bầm tím kiểu này cần được bác sĩ kiểm tra vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh bạch cầu (một dạng ung thư máu).
Xử trí: Xoa nhẹ có thể giúp thúc đẩy tuần hoàn và giảm sưng nhưng chỉ làm khi vết thương không còn đau. Người dễ bị bầm tím cần tránh dùng dầu cá và các chế phẩm bổ sung có bạch quả (ginkgo), vì những sản phẩm này có đặc tính chống đông máu có thể khiến vấn đề nghiêm trọng thêm.
6. Côn trùng đốt
Thông thường: Vết đốt của những côn trùng không có nọc độc (như muỗi và rệp) thường chỉ gây ngứa. Song nọc độc của những con côn trùng như ong có thể gây đỏ, sưng và đau buốt.
Nghiêm trọng: Sốc phản vệ - một phản ứng dị ứng với vết đốt của côn trùng có thể gây chết người. Các triệu chứng gồm buồn nôn, phù mặt, khó thở và đau bụng. Sốt xuất huyết, lây qua muỗi, hiện cũng đang gia tăng.
Xử trí: Từ thuốc giảm đau paracetamol và các kháng histamine giảm dị ứng tới kem bôi chứa chất calamine làm dịu ngứa, có nhiều chế phẩm không cần đơn có thể làm giảm khó chịu. Nếu có các triệu chứng phản vệ, cần đi khám ngay.
7. Phỏng nước
Thông thường: Phỏng nước được hình thành khi lớp ngoài cùng của da bị tổn thương do cọ sát hoặc khi da tiếp xúc với hóa chất và nhiệt. Phỏng nước cũng hay gặp trong những bệnh như thủy đậu. Phỏng nước rất hay gặp ở phụ nữ do sự yêu thích những đôi giày quá chật.
Nghiêm trọng: Chất dịch trong nốt phỏng nước có màu vàng và nốt phỏng nước vỡ ra, gây đau hoặc tái phát. Đây là những dấu hiệu của nhiễm trùng. Nốt phỏng do dị ứng, bỏng nước hoặc bỏng lửa cũng cần đi khám ngay.
Xử trí: Bôi một lớp mỏng sáp có chứa chất làm mềm da như allantoin để ngăn trầy xước ở bàn chân. Nếu nốt phỏng đã hình thành, hãy bảo vệ nó bằng một loại gel bôi nào đó. Ngoài ra, nên giữ nguyên lớp da ở nốt phỏng không để bị vỡ vì nó sẽ là hàng rào bảo vệ tự nhiên và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
8. Đau mắt
Thông thường: Đau mắt đỏ, hay viêm kết mạc, là tình trạng viêm lớp màng trong suốt che phủ mắt và mặt trong mi mắt. Bệnh thường do dị ứng, khô mắt hoặc nhiễm trùng. Viêm kết mạc vi rút thường kèm theo chảy nước mắt nhiều, trong khi viêm do vi khuẩn thường có rỉ mắt màu vàng xanh và đặc hơn.
Nghiêm trọng: Các triệu chứng như đỏ và sưng mắt nặng lên hoặc kéo dài. Viêm kết mạc vi rút có thể tạo thành lớp giả mạc ở mặt trong của mi mắt. Lớp giả mạc này cọ sát và gây xước giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực.
Xử trí: Bỏ ngay kính áp tròng và đi khám bác sĩ. Bạn sẽ cần các thuốc nhỏ mắt theo đơn và thuốc nhỏ bôi trơn mắt. Điều quan trọng là cần tránh những loại thuốc tuyên bố sẽ “làm trắng” phần lòng trắng mắt. Nhưng thuốc này có tác dụng co mạch máu. Khi ngừng thuốc, mắt sẽ bị đỏ trở lại.
9. Xì hơi
Thông thường: Chúng ta xì hơi nhiều lần trong ngày, nhưng không có mùi khó chịu. Bằng không, đó là dầu hiệu của tiêu hóa không tốt. Ngũ cốc nguyên cám, các sản phẩm sữa có lactose, những thức phẩm giải phóng lưu huỳnh như trứng và súp lơ xanh đặc biệt khó phân hủy. Khi chúng lên men trong ruột sẽ hình thành hơi có mùi khó chịu. Bạn cũng dễ xì hơi có mùi hôi nếu bị táo bón hoặc tiêu chảy. Cả hai tình trạng này đều cho thấy nhu động ruột bất thường (quá chậm hoặc quá nhanh), dẫn đến thời gian lên men kéo dài hơn và tiêu hóa kém hơn.
Nghiêm trọng: Nếu xì hơi có mùi hôi kèm theo sụt cân nhiều (hơn 5% cân nặng ban đầu trong một tháng). Xì hơi có thể là dấu hiệu của hấp thu kém và/hoặc bệnh tiêu chảy mỡ. Do các triệu chứng của bệnh tiêu chảy mỡ rất giống với nhiều bệnh khác ở đường tiêu hóa, nên tốt nhất là đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Có thể phải làm xét nghiệm máu hoặc sinh thiết để chẩn đoán.
Xử trí: Viên tinh dầu bạc hà làm giảm co thắt ở đường tiêu hóa và cải thiện các trieuejc hứng của Hội chứng ruột kích thích, một rối loạn hay gặp ở đường tiêu hóa. Và mặc dù các nghiên cứu còn chưa đưa ra kết luận, song uống cà phê và trà hoa cúc (chamomile) cũng có thể giúp điều hòa nhu động ruột ở những người dễ bị táo bón (cà phê) và tiêu chảy (trà hoa cúc).
10. Ho khan mạn tính
Thông thường: Nếu bạn nghĩ rằng ho khan sẽ ít lây hơn ho có đờm thì bạn đã lầm. Mặc dù không có đờm, song bạn vẫn ho ra những giọt nước nhỏ mang vi rút và vi khuẩn lây bệnh vào không khí. Hen, quá mẫn đường hô hấp, hội chứng trào ngược, ô nhiễm và hút thuốc lá là một số nguyên nhân khiến ho khan dai dằng kéo dài hàng tháng.
Nghiêm trọng: Ho có nhiều đờm, có máu trong đờm, sốt kéo dài, ra mồ hôi trộm và khó thở. Đây là những dấu hiệu báo động viêm phổi hoặc viêm xoang, xũng như những bệnh chết người như lao và u phổi.
Xử trí: Hãy quên đi những thuốc không cần đơn không làm được gì nhiều ngoài việc ức chế cơn ho. Hãy đi khám bác sĩ để được xác định nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp.
Cẩm Tú
Theo Asiaone