Đậu đỗ - Món mát mùa hè
Thời tiết ở miền Bắc đang vào hè, ăn uống đã trở nên khó khăn cho các bà nội trợ. Làm thế nào để gia đình vừa có bữa ăn ngon, món ăn lại có tính chất mát và bổ? Xin giới thiệu một số món ăn, bài thuốc về các hạt đậu.
Đậu xanh
Tiếng Hán gọi là lục đậu. Theo Đông y, hạt đậu xanh vị ngọt mát, hơi tanh có tác dụng giải nóng, tiêu khát, trừ bỏ phù thũng, lợi tiểu, chữa lở loét...
Giá đỗ
Hạt đậu xanh ủ lên mầm được gọi là giá đỗ. Người ta thường ăn giá đậu sống, xào và muối chua. Giá đậu có vị hơi nhạt, hơi the, tính mát, tác dụng vào hai kinh bàng quang và tỳ. Giá đậu có tính thanh nhiệt, giải độc, chỉ khát. Ngoài ra, giá đậu còn cung cấp vitamin C và E.
Cháo đậu xanh
Đậu xanh xay nấu cả vỏ cùng gạo. Đây là món ăn rất tốt cho mùa hè, có thể ăn cháo đậu xanh với đường hay muối (nước mắm). Cháo đậu xanh trị tiêu khát, uống nhiều nước, giải độc, nóng, lợi tiểu, thanh nhiệt, hạ khí.
Kết hợp đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, mỗi thứ 300g nấu chung với cam thảo, ăn cả bã lẫn nước trong vòng 7 ngày có thể tránh được các chứng bệnh mùa hè.
Đậu tương (đậu nành)
Đậu tương chứa 40% protit, 20% lipit. Người ta cho rằng đậu tương là “thịt chay” vì thế nên chỉ dùng ở mức độ vừa phải. Ngoài ra, trong đậu tương có rất nhiều muối khoáng và các vitamin B1, B2, E...
Đậu phụ
Là chế phẩm được làm từ đậu tương, đậu phụ vị ngọt, tính mát, nhuận tràng, bổ trong, giải độc. Đậu phụ thích hợp với mọi lứa tuổi, là món ăn chủ đạo trong ăn chay.
Giá đậu nành
Đối với phụ nữ, ăn giá đậu nành xào tái thêm một chút gừng có thể cải thiện được mái tóc, làm cho mái tóc óng mượt và còn có thể làm giảm béo vì trong giá đậu nành có rất nhiều vitamin C, caroten, chất khoáng.
Cháo đậu tương
Đậu tương ngâm nước, đãi vỏ sạch, cùng với một ít gạo nấu nhừ thành cháo. Cháo đậu tương giúp nhuận phế, tiêu đầy trướng hơi, lợi tiểu.
Đậu tương là thức ăn rất cần thiết cho trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ chậm phát triển, người bệnh đái tháo đường, bệnh gút.
Đậu đen
Còn gọi là hắc đậu, đại đậu, ô đậu. Theo “Nam dược thần hiệu” đậu đen vị ngọt, tính hàn, bổ thận, gan, máu. Đậu đen trị được nhiều bệnh như trừ phong nhiệt, giải độc, giải nhiệt và dùng làm thuốc bổ dưỡng. Đậu đen rất thích hợp với người thận yếu hư, suy nhược khi cảm nặng, là món ăn giải nhiệt rất tốt trong mùa hè.
Cháo đậu đen
Đậu đen ngâm nước 2 giờ, cho thêm một ít gạo nấu nhừ thành cháo. Ăn nóng hay ăn nguội tùy thích. Khi ăn kết hợp với đậu phụ rán. Đây là món ăn giúp lợi tiểu, giải nhiệt rất tốt, thích hợp với mọi lứa tuổi.
Một số bài thuốc từ hạt đậu đen:
Chữa kiết lỵ: đậu đen, muối rang, nước rau má. Đậu đen rang cháy tán thành bột trộn với muối rang. Khi uống kết hợp với nước rau má tươi cô đặc. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 40g.
Chữa đại tiện ra máu: đậu đen tươi nấu chín, không cho thêm đường hay muối, ăn cả bã lẫn nước, rất hiệu nghiệm. Hoặc: đậu đen, củ mài, quế chi, đại hồi rang chín tán nhuyễn thành bột mịn, ăn hằng ngày vào buổi sáng và tối, mỗi lần ăn một chén con, có thể cho thêm đường.
Đậu đỏ
Còn có tên là xích đậu. Theo y học cổ truyền, đậu đỏ có vị ngọt chua, tính bình, không độc. Đậu đỏ trị được các chứng mụn lở, thủy thũng, đi tả, đau buốt cơ thể, nôn mửa...
Cháo đậu đỏ: Giúp tiêu phù nước tiểu, lợi tiểu tiện, tránh độc.
Cháo đậu đỏ nấu như cháo đậu xanh, đậu đen.
Đậu đỏ trị chứng quai bị: một vốc đậu đỏ tán thành bột mịn rồi trộn với lòng trắng trứng, thêm một ít giấm, xoa đều là khỏi.
Đậu đỏ trị chứng u, nhọt mới phát: đậu đỏ tán bột trộn với nước bôi lên nhọt mới sưng sẽ khỏi.
Đậu ván trắng
Còn gọi là bạch biển đậu, bạch đậu: đây là hạt của cây đậu ván trắng đã chín phơi khô. Đậu ván trắng có tác dụng chống ngộ độc thức ăn, nôn mửa, viêm dạ dày và ruột cấp. Bạch biển đậu có vị ngọt, hơi ôn, không độc vào hai kinh tỳ và vị chủ trị hòa trung, hạ khí. Dùng bạch biển đậu làm thuốc bổ tỳ vị, thuốc chữa các chứng đau bụng, giải độc, trúng độc.
Chữa đau bụng: Lá hương nhu 80g, bạch biển đậu sao bỏ vỏ 40g. Tán nhỏ làm thành viên, mỗi lần dùng 1-2 viên.
Chữa trúng độc: Dùng bạch biển đậu 20g giã sống, thêm nước vắt lấy nước uống.
Chữa bạch đới: Hoa giấy 15g, vỏ quả lựu 10g, đậu ván trắng 30g, trắc bách diệp 15g sắc uống, ngày một thang chia 3 lần, uống liền trong vòng 5 ngày.
Theo Sức khỏe & Đời sống