1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đau chân kiểu này coi chừng tắc mạch máu ở chi

Nam Phương

(Dân trí) - Thiếu máu mạn tính chi dưới là một bệnh phổ biến, song nhiều người lầm tưởng với bệnh xương khớp, thần kinh cột sống. Nhiều người đến viện thì đã ở giai đoạn muộn.

Ông Đ.V.K. (55 tuổi, Hưng Yên) cho biết từ tháng 12 năm ngoái ông bắt đầu có biểu hiện đau tức chân khi đi lại, dừng lại nghỉ sẽ đỡ đau, tiếp tục đi lại thấy đau. Gần đây tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn, đau buốt lên tận thái dương, thậm chí không đi lại cũng đau, nhất là đầu ngón chân.

"Cơn đau nhức khiến tôi không ngủ được, uống thuốc ngủ, thuốc giảm đau cũng không ăn thua. Sáng ngủ dậy tôi thấy chân bị tê, sau đó tím ngón chân, thậm chí là bị sưng, nhức, mưng mủ. Tôi có đi khám ở bệnh viện gần nhà nhưng bác sĩ không chẩn đoán đúng bệnh nên tình trạng bệnh không cải thiện", ông K. kể lại.

Gần đây, ông được con cháu đưa lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) khám và được chẩn đoán bị thiếu máu mạn tính chi dưới, cần can thiệp nội mạch tránh nguy cơ cắt cụt chi. 

Thạc sĩ.Bác sĩ Lê Nhật Tiên, Phó trưởng khoa Nội, Can thiệp Tim mạch và Hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết bệnh nhân bị tắc hai mạch máu nhỏ ở chân (mạch chày, mạch mu chân), ngón chân bắt đầu có dấu hiệu sớm của hoại tử. Nguyên nhân do tình trạng xơ vữa mạch máu, hậu quả của việc hút thuốc lá suốt nhiều năm.

Đau chân kiểu này coi chừng tắc mạch máu ở chi - 1

Bệnh nhân K. bị tắc 2 mạch máu nhỏ chân.

Dấu hiệu sớm nhận biết bệnh thiếu máu mạn tính chi dưới

Thiếu máu mạn tính chi dưới hay bệnh động mạch chi dưới mạn tính là tình trạng động mạch chủ và các động mạch ở chi dưới bị hẹp hoặc tắc, gây cản trở lưu thông máu đến các cơ quan bộ phận chi dưới như cơ và bộ phận liên quan khác như dây thần kinh, da... Điều này dẫn đến sự chuyển hóa yếm khí và sinh ra nhiều acid lactic, gây đau nhức chân khi vận động hay còn gọi là đau cách hồi. 

Theo BS Tiên, dấu hiệu của bệnh rất rõ. Ở giai đoạn sớm, biểu hiện phổ biến là đau cách hồi, đau khi đi lại, dừng lại nghỉ sẽ đỡ đau và lại đau khi tiếp tục đi. Khoảng cách quãng đường khi xuất hiện đau càng ngắn lại thì mức độ bệnh càng nặng. Lúc đầu, bệnh nhân đi 500m mới đau chân thì càng về sau có thể chỉ đi 300m, 150m đã đau. 

Ở giai đoạn muộn, có người chỉ đi vài mét đến 20m là đã thấy đau, thậm chí đau ngay cả khi nghỉ ngơi. Cuối cùng là các dấu hiệu thiếu máu cục bộ như loét da, hoại tử đen bàn ngón chân, phải cắt cụt chi gây tàn phế cho người bệnh, hoặc nhiễm trùng huyết.

Đau chân kiểu này coi chừng tắc mạch máu ở chi - 2

Thạc sĩ.Bác sĩ Lê Nhật Tiên, Phó trưởng khoa Nội, Can thiệp Tim mạch và Hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).

Bệnh thường gặp ở người tuổi trung niên trở lên, phổ biến ở người cao tuổi. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy có đến 20% người trên 70 tuổi gặp phải tình trạng này từ nhẹ đến nặng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chủ yếu là do xơ vữa mạch máu làm giảm lưu lượng máu xuống chân, đặc biệt là đầu ngón chân. Xơ vữa động mạch liên quan đến các bệnh chuyển hóa như béo phì, rối loạn lipid máu, người ít vận động ngồi tĩnh tại nhiều… 

Thiếu máu mạn tính chi dưới dễ nhầm với bệnh lý xương khớp

Hậu quả của bệnh động mạch chi dưới mạn tính ít gây tử vong nhưng nó có thể gây tàn phế, giảm chất lượng cuộc sống do phải cắt cụt chi. Vì thế, quan điểm hiện tại là bảo tồn chi tối đa, giúp cải thiện chất lượng sống của người bệnh. 

Các phương pháp điều trị bệnh đa dạng, chủ yếu là phẫu thuật kinh điển, can thiệp nội mạch và điều trị nội khoa. Trong đó, can thiệp nội mạch ngày càng chiếm ưu thế, là biện pháp điều trị được đưa ra trước khi phẫu thuật. Ưu điểm của nó là ít xâm lấn, có thể can thiệp vào mạch máu nhỏ, thời gian nằm viện ngắn. Sau khi phục hồi lưu thông mạch máu, máu xuống dưới nhiều hơn, phần hoại tử của chi giáp ranh giữa hoại tử và chưa hoại tử có thể sống lại. Việc này giúp bảo tồn chi tối đa. 

"Tỷ lệ tái phát của bệnh cao, có thể tái phát tại chỗ đã can thiệp hoặc tái phát tại nhánh mạch khác. Vì vậy, bên cạnh can thiệp nội mạch, phẫu thuật, người bệnh cần song hành điều trị nội khoa lâu dài, kiểm soát bệnh huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, thay đổi lối sống, bỏ thuốc lá, giảm cân… ", BS Tiên nói. 

Tại nước ta bệnh thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới vì tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao hơn. Với người hút thuốc lá, nguy cơ mắc bệnh động mạch chi dưới tăng lên 2-6 lần. Tương tự, với người bị tiểu đường nguy cơ mắc cũng tăng 2-4 lần. 

Theo BS Tiên, đây là bệnh phổ biến tuy nhiên tại nước ta nhận thức về bệnh còn hạn chế. Đa số người bệnh đến khám khi đã ở giai đoạn muộn- có biểu hiện đau liên tục, hoại tử chi. Lý do vì các biểu hiện bệnh ban đầu khiến nhiều người lầm tưởng với các bệnh về xương khớp, tĩnh mạch, thần kinh cột sống. Ngoài ra, đây là bệnh chuyên sâu, hiểu biết về bệnh của tuyến cơ sở còn hạn chế. 

Tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi ngày khám khoảng 10-15 bệnh nhân. Mỗi năm can thiệp cho khoảng 200-300 trường hợp. 

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng cho biết thêm bệnh động mạch chi dưới mạn tính là một bệnh lý tiến triển dai dẳng và theo từng giai đoạn. Vì vậy, bệnh nhân khi có dấu hiệu cần phải được kiểm tra sớm để kiểm soát các yếu tố làm tăng tiến triển của bệnh, giảm thiểu biến chứng do tắc động mạch, giảm thiểu tàn phế cho người bệnh. 

Nhằm tư vấn người dân biết cách phát hiện sớm và điều trị bệnh động mạch chi dưới mạn tính, ngày 30/7, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức chương trình khám và tư vấn miễn phí cho bệnh nhân. Người dân sẽ được siêu âm doppler mạch máu chi dưới miễn phí để chẩn đoán bệnh. Để được khám và tư vấn miễn phí, người dân có thể đăng ký trực tiếp qua tổng đài 19001902.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm