1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ hay kêu đau chân có đáng lo?

(Dân trí) - Nếu đôi chân nhức nhối khiến con bạn phải thức dậy vào ban đêm thì đó có thể là đau tăng trưởng. Đau tăng trưởng thường bắt đầu ở đầu tuổi nhi đồng, khoảng 3 hoặc 4 tuổi, và có xu hướng xảy ra lần nữa ở độ tuổi từ 8-12.

Những điều cần biết về đau tăng trưởng

Đau tăng trưởng là tình trạng đau nhức cơ bắp mà một số trẻ tuổi tiền học đường và trước tuổi thiếu niên cảm thấy ở cả hai chân. Đau thường xảy ra vào cuối buổi chiều hoặc buổi tối, nhưng có thể khiến con bạn thức giấc vào giữa đêm.

Nguyên nhân gây đau tăng trưởng

Mặc dù có tên là "đau tăng trưởng", không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy đau tăng trưởng có liên quan đến tăng trưởng vượt trội.

Thay vào đó, đau tăng trưởng có thể đơn giản là đau nhức cơ do hoạt động tích cực ở trẻ nhỏ có thể khiến cơ bị xé rách. Các hoạt động này bao gồm chạy, nhảy và leo núi. Đau tăng trưởng có vẻ hay gặp hơn sau khi trẻ có một ngày đầy ắp các hoạt động thể thao.

Các triệu chứng của đau tăng trưởng

Đau tăng trưởng rất khác nhau giữa các bé. Một số bé đau nhiều, một số khác thì không. Hầu hết các bé không phải ngày nào cũng đau.

Đau có thể xuất hiện và biến mất. Trẻ có thể bị đau trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Hầu hết trẻ đang lớn đều gặp phải đau tăng trưởng trong vài năm.

Đau thường cảm thấy vào cuối buổi chiều và buổi tối, ngay trước giờ ăn tối, và khi đi ngủ. Chân có thể đau đến mức khiến trẻ thức đậy khỏi giấc ngủ.

Nếu con bạn có vẻ hoàn toàn bình thường vào buổi sáng, đừng vội nghĩ là bé giả vờ. Đau tăng trưởng thường biến mất vào buổi sáng. Đau thường không cản trở khả năng chơi thể thao hoặc vận động của trẻ.

Nói chung, cảm giác đau tăng trưởng xảy ra ở cả hai chân, đặc biệt là ở phía trước đùi, phía sau cẳng chân (bắp chân), hoặc sau đầu gối.

Các nghiên cứu gợi ý rằng trẻ bị đau tăng trưởng có thể nhạy cảm hơn với đau. Những trẻ này cũng dễ bị đau đầu và đau bụng hơn.

Đau tăng trưởng được chẩn đoán thế nào?

Bác sĩ thường chẩn đoán đau tăng trưởng bằng cách khám và hỏi về tiền sử và triệu chứng của trẻ. Điều quan trọng là phải loại trừ mọi nguyên nhân khác có thể gây đau trước khi đưa ra chẩn đoán đau tăng trưởng. Đó là lý do tại sao cần đi gặp bác sĩ nếu bạn nghĩ con mình bị đau tăng trưởng hoặc bị bất kỳ loại đau gì ở chân tay.

Nếu trẻ bị đau nhiều, bác sĩ sẽ không thấy bất cứ điều gì bất thường trong khi khám thực thể. Xét nghiệm máu và X-quang thường không cần thiết trong trường hợp này.

Điều trị đau tăng trưởng thế nào?

Điều trị đau tăng trưởng sẽ tùy thuộc vào mức độ đaucủa trẻ. Những biện pháp sau đây có thể làm giảm sự khó chịu và giúp trẻ cảm thấy tốt hơn:

• Xoa bóp chân.

• Kéo giãn cơ chân. Cách này có thể khó với trẻ nhỏ.

• Đặt khăn ấm hoặc túi chu]ờm ấm lên chân bị đau. Cẩn thận đừng để bị bỏng và không sử dụng trong khi ngủ.

Nếu đau không đỡ, hãy hỏi bác sĩ về các thuốc giảm đau không cần đơn, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen. Hỏi về liều lượng thích hợp cho trẻ. Không bao giờ cho trẻ uống aspirin. Việc sử dụng aspirin ở trẻ em có liên quan đến một căn bệnh đe dọa tính mạng gọi là hội chứng Reye.

Khi nào nên gọi bác sĩ?

Khi quyết định có nên gọi bác sĩ hay không, điều quan trọng cần nhớ là đau tăng trưởng gần như luôn cảm thấy ở cả hai chân. Đau chỉ ở một chân có thể là dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng hơn. Hãy gọi cho bác sĩ nếu điều này xảy ra.

Cũng cần nhớ rằng đau tăng trưởng là ở cơ, chứ không phải ở khớp. Và nó không làm trẻ đi khập khiễng hoặc sốt.

Hãy đi khám bác sĩ nếu đau chân xảy ra với các triệu chứng sau đây. Chúng không phải là triệu chứng của đau tăng ttr]ơngr, nhưng bác sĩ sẽ cần khám và làm các xét nghiệm:

• chấn thương, ví dụ ngã

• sốt

• chán ăn

• đi khập khiễng hoặc khó đi bộ

• phát ban

• khớp sưng nóng đỏ đau

• mệt mỏi

• yếu

• sụt cân

Và tất nhiên, hãy đi khám bác sĩ nếu bạn có bất kỳ mối lo ngại nào khác.

Cẩm Tú

Theo WebMD