Đặt điện cực kích thích não sâu cho bệnh nhân Parkinson
(Dân trí) - Người mắc bệnh Parkinson thường gặp phải các triệu chứng cứng đờ, chân tay run rẩy. Khi điều trị nội khoa không còn mang lại kết quả. Mới đây, Các nhà khoa học đã tìm ra giải pháp đặt điện cực kích thích não sâu để giảm triệu chứng, phục hồi vận động cho bệnh nhân.
Hơn 5 năm trước, ông Trần Văn Kh. (61 tuổi, ngụ tại Bình Định) được bác sĩ chẩn đoán mắc phải căn bệnh Parkinson. Để chống chọi với tình trạng chân tay cứng đờ, run rẩy, đi lại khó khăn, gương mặt vô hồn,… suốt thời gian trên ông phải thường xuyên lui tới bệnh viện để điều trị nội khoa bằng thuốc bổ sung dopamin để kích thích hệ thần kinh.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kéo dài khiến bệnh nhân bị lờn thuốc, dẫn đến tác dụng phụ gây biến chứng loạn động. Đã ở tuổi lục tuần nhưng mỗi khi bệnh trở nặng, toàn thân ông Kh. lại uốn éo như người đang múa dẻo, không kiểm soát được vận động, thường xuyên bị té. Nhưng có lúc ông lại bị bất động, không thể nhúc nhích được chân tay, đi lại cứng đờ như robot.
Người vợ của ông buồn rầu chia sẻ: “Cùng với việc vận động khó khăn, trí nhớ của chồng tôi mỗi ngày một tệ hơn, ngay đến con cháu ông ấy cũng không nhận ra. Bữa ăn nếu không có người giúp, ông ấy vừa cầm đũa lên thì đã bị rơi xuống đất, dùng muỗng xúc được miếng cơm đưa vào miệng nhưng chân tay cứ run lên bần bật, trông tội lắm.”
Để tìm giải pháp hỗ trợ, nâng chất lượng sống cho ông Kh. gia đình đã chuyển bệnh nhân đến bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM tham vấn ý kiến của bác sĩ.
Phân tích chuyên môn của TS.BS Nguyễn Minh Anh, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, bệnh viện Đại học Y dược cho hay, người mắc bệnh Parkinson có biểu hiện thoái hóa tế bào não ở vùng chất đen (substantia nigra) thuộc trung não. Chất đen, có những đường nối thần kinh liên kết đến một phần khác của não gọi là thể vân (corpus striatum), nơi chế tiết ra một chất dẫn truyền thần kinh có tên dopamin.
Dopamin vốn là một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng nên sự thay đổi của nó sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về mặt sức khỏe. Sự thiếu hụt dopamin là nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng và các dấu hiệu của bệnh Parkinson. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh chiếm từ 1,5% đến 1,7% dân số, nhưng đến nay khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và cũng chưa có giải pháp điều trị triệt để căn bệnh Parkinson.
TS.BS Minh Anh cho hay, ông Trần Văn Kh. là trường hợp bệnh Parkinson đã bước sang giai đoạn muộn, điều trị nội khoa không còn mang lại kết quả. Trước đây, nếu việc sử dụng thuốc đã mất tác dụng hoặc phản tác dụng, người bệnh sẽ phải sống chung với bệnh. Nhưng hiện nay, khoa học đã tìm ra giải pháp can thiệp ngoại khoa kết hợp với sự hỗ trợ của thiết bị y tế, giúp bệnh nhân từng bước tìm lại vận động.
Với sự đồng thuận của gia đình, bệnh viện Đại học Y Dược và chuyên gia đến từ Pháp đã thực hiện cuộc phẫu thuật kéo dài hơn 6 giờ, đặt thành công thiết bị kích thích não sâu cho bệnh nhân. Ngày 28/11, gần một tuần sau khi được can thiệp, sức khỏe của ông Kh. đang bình phục tốt. Sau khi thăm khám lâm sàng cho người bệnh, bác sĩ cho hay, bệnh nhân đã giảm rõ rệt triệu chứng cứng đờ, run chân tay, giọng nói phát âm dễ dàng hơn.
Thông tin từ TS.BS Minh Anh cho hay, thiết bị kích thích não sâu sử dụng điện cực đặt vào hai bên não của người bệnh được dựa theo nguyên lý của máy tạo nhịp tim. Người mắc bệnh parkinson là do thiếu tiền chất kích thích dopamin, máy điện cực sẽ hỗ trợ phát xung điện kích thích tế bào, giúp bệnh nhân bớt run, bớt cứng đờ, bớt chậm chạm, từ đó giảm liều sử dụng thuốc, ngăn chặn biến chứng loạn động.
Trước cuộc mổ cho ông Kh. hồi tháng 7/2015, bệnh viện Đại học Y Dược đã đặt thành công thiết bị trên cho một nữ bệnh nhân mới 42 tuổi. Kết quả theo dõi sau 4 tháng đặt máy cho thấy, bệnh nhân đã giảm được hơn 80% triệu chứng run; hơn 70% tình trạng cứng đờ và không còn biểu hiện loạn động.
Trước đây, bệnh nhân muốn đặt thiết bị kích thích não sâu đều phải ra nước ngoài. Nhưng hiện nay, tại TPHCM ngoài bệnh viện Đại học Y Dược, kỹ thuật trên cũng đang được thực hiện tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Đây được xem là cứu cánh của bệnh nhân Parkinson khi việc điều trị nội khoa đã đi vào ngõ cụt.
Tuy nhiên, chi phí để đặt thiết bị này hiện đang ở mức rất cao, trung bình cho một ca tốn tới hơn 800 triệu đồng, sau 5 năm máy phải thay pin, số tiền để mua cục pin lên tới 500 triệu đồng. Kỹ thuật đặt thiết bị kích thích não sâu mới triển khai tại Việt Nam, chưa được đưa vào danh mục bảo hiểm y tế nên rất khó để người bệnh có nhu cầu tiếp cận được dịch vụ.
Vân Sơn