Danh mục thuốc bảo hiểm y tế: “Bắt bí” bệnh viện
Nhiều bệnh viện (BV) tại TP.HCM đang lúng túng trong công tác khám chữa bệnh trước thông tư 31 vừa được Bộ Y tế ban hành. Một số BV lo lắng, thông tư này sẽ kéo theo tình trạng quá tải và gây bất lợi cho người bệnh.
Bác sĩ ung bướu điều trị cả sản khoa?
Điều 3 của thông tư 31 nêu: “Đối với các thuốc (nhóm điều trị ung thư - UT và điều hòa miễn dịch) có chỉ định điều trị các bệnh khác không phải UT, dù đã theo phác đồ điều trị của bệnh viện (BV) cũng phải có hội chẩn với bác sĩ (BS) chuyên khoa ung bướu để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị”.
BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Cấp cứu Trưng Vương cho biết, với quy định mới này, các BV sẽ gặp khó khăn trong công tác khám chữa bệnh, cấp thuốc BHYT cho người bệnh. Vì BHYT chỉ thanh toán, cấp phát thuốc với điều kiện BS khám bệnh, kê toa cho những trường hợp này phải có chứng chỉ chuyên môn về bệnh UT.
BS CKI Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc BV Q.Phú Nhuận góp ý: “BV chúng tôi không có khoa UT, do đó, nếu tiếp nhận những bệnh nhân (BN) UT, BV sẽ chuyển lên tuyến trên để họ được điều trị tốt hơn. Tuy nhiên, với quy định mới này, BV sẽ gặp khó khăn, nếu những BN UT có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại BV và đến khám chữa bệnh những bệnh thông thường như: cảm, sốt, đau nhức… thì BV cũng không biết xử trí ra sao. Vì quy định mới, với BN UT phải do BS chuyên về ung bướu hội chẩn, chỉ định”.
Mặt khác, trong nhóm điều trị UT và điều hòa miễn dịch, có một số loại thuốc lại dùng điều trị các bệnh khác không phải UT như: thuốc Zoladex (điều trị lạc nội mạc tử cung), thuốc Triptorelin dạng tiêm (điều trị dậy thì sớm). Do đó, nếu BV tiếp nhận các BN này cũng phải nhờ các BS ung bướu hội chẩn, trong khi các bệnh này không liên quan gì đến chuyên khoa ung bướu. Liệu thông tư có gây thêm quá tải cho tuyến trên, trong khi ngành y tế đang nỗ lực giảm tải cho BV tuyến trên?
Đồng tình với quan điểm này, BS Phạm Quốc Dũng, Phó giám đốc BV Q.Thủ Đức cho rằng, thông tư 31 gây khó khăn cho các BV chưa có khoa ung bướu. Thậm chí, ngay cả BV Q.Thủ Đức, dù có khoa Ngoại tổng quát ung bướu nhưng cũng thấy chồng chéo, áp lực cho công tác khám chữa bệnh, vì khoa này chỉ có bốn BS, nhưng theo quy định mới, các BS này phải tham gia hội chẩn với khoa sản, khoa nhi… nếu BV tiếp nhận những BN có sử dụng thuốc của nhóm điều trị UT và điều hòa miễn dịch, dù họ không bị UT.
Các BS còn cho rằng, với các BV chưa có khoa ung bướu, nếu chuyển viện với những trường hợp không liên quan đến bệnh UT sẽ mất công sức, thời gian cho người bệnh. Hoặc nếu mời BS ung bướu đến hội chẩn, các BV phải tốn thêm kinh phí.
Đại diện BV Ung Bướu cho biết: “Chúng tôi nghĩ, câu chữ trong thông tư 31 chỉ nhằm đề cập đến BN UT, chứ không liên quan đến BN khác và các BV khác đã hiểu sai về thông tư. Vì bản thân BN UT tốn rất nhiều chi phí cho điều trị, nếu BHYT không chia sẻ, họ sẽ rất khó khăn! Tuy nhiên, do trong danh mục thuốc điều trị UT có nhiều loại thuốc để điều trị các bệnh khác, và BHYT không thể gồng hết các đối tượng nên chỉ ưu tiên cho BN UT”. Thế nhưng, theo nhiều BS, cách giải thích này chưa thuyết phục vì tên thông tư là “Ban hành và hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán”, chứ không cụ thể cho loại bệnh nào.
Tập huấn chỉ mang tính đối phó
Để gỡ rối cho vấn đề này, BS Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đề nghị, các cơ sở y tế gặp khó khăn trong công tác khám chữa bệnh có liên quan đến nhóm thuốc trong thông tư 31 sẽ xây dựng phác đồ điều trị và gửi về Sở để tìm cách giải quyết. BS Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM giải thích, với các thuốc trong nhóm điều trị UT và điều hòa miễn dịch có trong danh mục đều được BHYT thanh toán, dù điều trị cho BN UT hay lạc nội mạc tử cung, dậy thì sớm… Sự ra đời của thông tư 31 chỉ nhằm hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Đồng thời, nhằm tránh tình trạng quá tải vì thiếu hụt BS chuyên ngành ung bướu, Sở Y tế cũng chỉ đạo cho BV Ung Bướu mở lớp tập huấn, cấp chứng chỉ cho các BS chưa có chuyên khoa ung bướu trên địa bàn TP. BS Phạm Xuân Dũng cho biết, BV Q.Thủ Đức cũng đã xin mã số đào tạo từ Bộ Y tế để chuẩn bị mở lớp tập huấn và cấp giấy chứng nhận ung bướu cho các BS trong BV.
Một BS chuyên về ung bướu khẳng định, nguyên nhân khiến các BV chưa đáp ứng kịp với thông tư 31 là do không có hoặc thiếu BS chuyên khoa ung bướu để mở khoa ung bướu. Vì vậy, khi thông tư 31 được ban hành, bắt buộc phối hợp với BS điều trị bệnh UT khi sử dụng nhóm thuốc điều trị UT và điều hòa miễn dịch đã khiến họ cảm thấy mất công. Và bây giờ, khi thông tư ban hành, việc tập huấn chỉ mang tính đối phó. Vì việc tập huấn, cấp chứng chỉ cho các BS trong vòng vài tháng là không khả thi; trong khi một BS chuyên về ung bướu cần phải được “cầm tay chỉ việc” suốt hai năm mới có thể kê toa, khám bệnh.
Theo Văn Thanh
Phụ nữ TPHCM