Đánh giá chất lượng xét nghiệm 41 đơn vị phía Nam, không nơi nào đạt mức 5
(Dân trí) - Trong 41 đơn vị phía Nam tham gia đánh giá mức chất lượng xét nghiệm của Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm y học, Đại học Y Dược TPHCM, không có nơi nào đạt mức cao nhất.
Ngày 8/11, Hội nghị Tổng kết công tác quản lý chất lượng xét nghiệm 2024, hướng đến liên thông công nhận kết quả xét nghiệm trên toàn quốc năm 2025 đã diễn ra ở Đại học Y Dược TPHCM.
Những kết quả trong hoạt động kiểm chuẩn xét nghiệm
Phó giáo sư Ngô Quốc Đạt, Hiệu trưởng Đại học Y Dược TPHCM cho biết, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, hướng tới việc chăm sóc y tế chuẩn hóa và giá cả hợp lý. Trong đó, xét nghiệm là một trong những vấn đề quan trọng.
Quyết định 316/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016 đã đưa ra nhiệm vụ và giải pháp đến năm 2020 cả nước có tối thiểu 10 phòng xét nghiệm tham chiếu và năm 2025 cả nước có tối thiểu 25 phòng xét nghiệm tham chiếu về xét nghiệm y học.
Đến năm 2017, Bộ Y tế cũng ban hành Quyết định số 2429 về Bộ tiêu chí đánh giá các tiêu chí, chất lượng hệ thống phòng xét nghiệm, để có căn cứ liên thông các kết quả xét nghiệm. Điều đó cho thấy, muốn liên thông tốt thì phải chuẩn hóa và đạt chất lượng tốt.
Thống kê trong năm qua, số phòng khám tham gia vào Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm y học, Đại học Y dược TPHCM đã tăng hơn 14%, còn việc sản xuất các chương trình ngoại kiểm của Trung tâm tăng 30%. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tham gia vào công tác đào tạo để gia tăng các hệ thống xét nghiệm đạt chuẩn.
Tiến sĩ Lê Văn Chương, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm y học, Đại học Y dược TPHCM chia sẻ, đến nay, Trung tâm đã xây dựng 22 chương trình nội địa hóa về ngoại kiểm, nhằm lắp đầy các khoảng trống, giảm giá thành, dễ tiếp cận cho các đơn vị vừa và nhỏ.
Trước đây, lĩnh vực di truyền và giải phẫu bệnh không có những nhà cung cấp ngoại kiểm trong nước, dẫn đến các đơn vị phải đi nước ngoài. Đến nay, Trung tâm cũng đã thực hiện được việc này. Các chương trình của Trung tâm từ chỗ rất khiêm tốn đã vươn lên tiệm cận với quốc tế.
Trung tâm đã cung cấp 24 khóa học cả về quản lý kiểm chuẩn xét nghiệm lẫn chuyên ngành xét nghiệm. Song song đó, đơn vị đã tổ chức hội thảo đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm theo tiêu chí chất lượng của Bộ Y tế, cho đại biểu thuộc 18 Sở Y tế.
Hoạt động này nhằm hỗ trợ các Sở có thêm đánh giá viên, đánh giá việc xét nghiệm tại các phòng khám ở địa phương, trong bối cảnh lực lượng này còn mỏng.
Đến năm 2024, có 705 phòng xét nghiệm tham gia chương trình ngoại kiểm của Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm Đại học Y Dược TPHCM, với 2.712 chương trình đăng ký, hơn 35.300 xét nghiệm đăng ký ngoại kiểm và hơn 4.100 thiết bị đăng ký.
Nhiều tồn tại để hướng đến công tác liên thông xét nghiệm toàn quốc
Chia sẻ kết quả đánh giá mức chất lượng xét nghiệm theo khu vực, ông Chương cho biết, trong 41 đơn vị tham gia, không có nơi nào đạt mức 5 (mức cao nhất). Khu vực Đông Nam Bộ có nhiều đơn vị đạt mức 4 nhất.
Đa số các cơ sở tại khu vực duyên hải miền Trung đạt mức 2-3. Có một đơn vị ở Tây Nguyên bị đánh giá mức 1, và một trường hợp tại khu vực Đông Nam Bộ gặp sự cố, nên chưa xếp mức.
Về nghiên cứu và công bố khoa học, Trung tâm có 2 sáng kiến cải tiến, đề xuất 1 đề tài cấp Bộ và nghiệm thu nhiều đề tài cấp cơ sở.
Năm 2025, việc đăng ký chương trình ngoại kiểm của Trung tâm sẽ qua trang web mới, tiến tới phân tích tiện lợi, hiệu quả hơn cho các đơn vị. Bên cạnh đó, còn có hoạt động hiệu chuẩn trang thiết bị cho các phòng xét nghiệm, theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025.
Trung tâm cũng hướng đến làm việc với 3 tỉnh còn lại chưa được nơi này hỗ trợ về công tác xét nghiệm, là Phú Yên, Bình Định và Quảng Nam.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại để hướng đến công tác liên thông xét nghiệm toàn quốc trong năm 2025.
Thứ nhất, còn nhiều đơn vị hạng 1 chưa được đánh giá xếp mức. Thứ hai, phần lớn các Sở Y tế chưa thực hiện đánh giá và công bố xếp mức chất lượng cho các đơn vị quản lý. Thứ ba, công tác mua sắm, đấu thầu còn chậm dẫn đến thiếu hóa chất, vật tư tiêu hao xét nghiệm.
Thứ tư, thiếu các đơn vị chuyên môn thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị, phòng xét nghiệm. Thứ năm, công tác quản lý chất lượng xét nghiệm tại các khoa đặc thù còn nhiều bất cập.