Đang tham gia giải chạy, người đàn ông ngất xỉu, cấp cứu vì suy thận cấp

Hồng Hải

(Dân trí) - Ngày 20/10, Bệnh viện E cho biết, nam bệnh nhân được đưa đến cấp cứu trong tình trạng kích thích, vật vã, mất nước khi đang tham gia một giải chạy phong trào. Bệnh nhân được xác định suy thận cấp.

Bác sĩ Đỗ Quốc Phong, Phó Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện E (Hà Nội), cho biết, nam bệnh nhân được xác định suy thận cấp, mất nước, phải lọc máu.

Bệnh nhân là anh N.M.H. (37 tuổi, Hà Nội). Anh H. vẫn thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, mới đây bệnh nhân đăng ký tham gia giải chạy phong trào.

Cách đây 2 tuần, khi đang chạy, bệnh nhân thấy chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu, được sơ cứu tại bệnh viện gần điểm chạy sau đó chuyển tới Bệnh viện E.

Đang tham gia giải chạy, người đàn ông ngất xỉu, cấp cứu vì suy thận cấp - 1

Sau 2 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân dần cải thiện (Ảnh: Bệnh viện E).

"Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng kích thích vật vã, được đánh giá mất nước, mạch nhanh, huyết áp tụt, được chẩn đoán bị sốc choáng, giảm khối lượng tuần hoàn do hoạt động thể lực gắng sức, theo dõi tình trạng tiêu cơ vân", bác sĩ Phong thông tin.

Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu toan chuyển hóa, suy thận cấp, tăng CK máu (một loại enzyme xúc tác phản ứng sinh hóa của cơ thể), buộc phải điều trị tích cực, lọc máu. Sau hai tuần điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân cải thiện, có nước tiểu.

Khai thác tiền sử, được biết trước giải chạy ba ngày, bệnh nhân bị sốt. Sau khi hết sốt, anh nghĩ mình đã khỏe nên tham gia giải chạy.

"Mỗi năm khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đều tiếp nhận 4-5 bệnh nhân vào cấp cứu do sốc, choáng do vận động gắng sức. Trường hợp như anh H. cũng không phải hiếm gặp. Bất cứ ai khi tham gia hoạt động thể lực gắng sức đều có thể dẫn tới choáng, sốc, giảm thể tích tuần hoàn.

Bệnh nhân sẽ có dấu hiệu choáng váng, mạch nhanh, ngất. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong", bác sĩ Phong khuyến cáo.

Theo các bác sĩ, chạy thể dục, thể thao tốt cho sức khỏe nhưng mỗi người cần lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp, theo dõi sức khỏe, không nên gắng sức vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể.

Quá trình tập luyện cần tuân thủ tập từ nhẹ, tăng dần cường độ để cơ thể thích nghi. Trong quá trình tập luyện nên bổ sung nước, điện giải đầy đủ.

Khi tập thể lực, bạn cần chú ý tới các dấu hiệu như khát nước liên tục dù đã uống nước, choáng, mệt cần dừng lại. Sau khi tập luyện, nếu có biểu hiện đau cơ kéo dài, mệt mỏi, nước tiểu ít, nước tiểu có màu đỏ, người dân cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để được bác sĩ can thiệp.

Trước đó, như Dân trí đưa tin, khoảng 19h30, ngày 15/10, một người đàn ông đang chạy bộ tại Công viên Thanh Xuân (Hà Nội) bất ngờ ngã gục, ngay sau đó được người nhà và người có mặt tại công viên gọi cấp cứu.

Dù được cấp cứu ép tim ngừng tuần hoàn, sau đó được đưa đến viện, nhưng người đàn ông đã không qua khỏi. 

Theo PGS.TS.BS Võ Tường Kha, Bệnh viện Thể thao Việt Nam, tập thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe là rất tốt.

Tuy nhiên nếu chúng ta không đảm bảo an toàn tập luyện, không kiểm tra, sàng lọc, điều trị triệt để những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó thì có thể gây chấn thương, gây ra các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp.

Thậm chí người tập có thể đối mặt với tình trạng nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, xuất huyết não...

"Trước khi tập bất kỳ môn thể thao nào đều cần phải kiểm tra thể lực. Chúng ta có thể đến gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như: bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp…", PGS Kha khuyến cáo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm