Đang khỏe mạnh bị bác sĩ yêu cầu mổ gấp, bệnh nhân "tá hỏa"
(Dân trí) - Trở về sau buổi khám sức khỏe, người đàn ông được nhân viên y tế liên hệ yêu cầu trở lại bệnh viện gấp. Tổng trạng của bản thân hoàn toàn khỏe mạnh, anh tá hỏa khi bác sĩ yêu cầu mổ gấp.
Đó là trường hợp bệnh nhân N.Q.K. (48 tuổi) vừa đi khám sức khỏe tại Trung tâm HECI, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM. Sau khi khám, anh trở về và đợi kết quả hội chẩn kép lần 2 từ các chuyên gia Nhật Bản.
Lúc 17 giờ cùng ngày, khi đang chơi thể thao, anh bất ngờ nhận được thông báo khẩn từ Trung tâm, các bác sĩ phát hiện nghi ngờ viêm ruột thừa và có "dị vật" trong ruột. Nhân viên y tế đề nghị anh nhanh chóng nhập viện càng sớm càng tốt để được bác sĩ kiểm tra lại và xử lý kịp thời.
Bản thân đang khỏe mạnh, đi chơi thể thao bình thường, việc đi khám sức khỏe định kỳ thực hiện theo kế hoạch của đơn vị anh đang công tác hàng năm, khi nhận được thông tin về sự nguy hiểm của bản thân, anh K. rất bất ngờ. Anh cho biết: "Tôi không có cảm giác đau bụng, vẫn đi chơi thể thao không hiểu vì sao bác sĩ chẩn đoán bị viêm ruột thừa cấp".
Bệnh nhân đã nhanh chóng trở lại bệnh viện, kết quả kiểm tra lại trên cơ thể người bệnh, bác sĩ vẫn khẳng định anh K. bị viêm ruột thừa cấp, kèm dị vật cạnh ruột thừa cần phẫu thuật gấp. Bệnh nhân tá hỏa nhưng vẫn đồng ý bước vào cuộc phẫu thuật. Các bác sĩ đã thực hiện phương pháp nội soi cắt ruột thừa. Trong quá trình can thiệp, ê kíp đã lấy ra dị vật là một mảnh xương gà là nguyên nhân khiến người bệnh bị viêm ruột thừa cấp. Sau phẫu thuật, hiện tại sức khỏe anh đã ổn định hoàn toàn.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Cao Thị Hồng cho biết, thông thường bệnh nhân đến khám sức khỏe tại Trung tâm HECI sẽ được trả kết quả sau khám 2 đến 4 tuần, khi đã được chẩn đoán "kép" từ đội ngũ bác sĩ Chợ Rẫy và các chuyên gia Nhật Bản. Trong trường hợp của anh K. sau khi xem xét hồ sơ khám sức khỏe vào buổi chiều và phát hiện hình ảnh nghi viêm ruột thừa kèm dị vật. Ngay lập tức, chúng tôi liên hệ yêu cầu nhập viện kiểm tra phẫu thuật gấp. Nếu không phát hiện sớm dị vật mà để đến lúc bệnh nhân có triệu chứng đau bụng mới phát hiện thì lúc đó việc phẫu thuật sẽ khó khăn, nặng nề và sự hồi phục của người bệnh sẽ chậm hơn".
Phân tích chuyên môn của TS.BS Lâm Việt Trung, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy, dị vật đường tiêu hóa xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là bị hóc xương do bệnh nhân vô tình nuốt phải xương cá, xương gà hoặc xương những động vật khác trong lúc ăn. Bên cạnh đó là những trường hợp thường gặp khác như nuốt tăm xỉa răng (do thói quen ngậm tăm trong miệng), hoặc vô tình nuốt phải vỉ thuốc đã cắt ra, rất sắc nhọn thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi.
Dị vật đường tiêu hóa có thể gây ra nhiều hậu quả khác nhau, từ mức độ nhẹ như gây viêm, cho đến những biến chứng nặng, đe dọa tính mạng. Khi nuốt vào, dị vật có thể bị kẹt và gây tổn thương ở vùng hầu họng, hoặc xa hơn nữa là vùng thực quản, gây thủng thực quản, thậm chí thủng động mạch chủ ngực. Đây là những biến chứng nặng nề nhất, tạo thành những áp xe khi vỡ ra bệnh nhân có thể tử vong ngay lập tức.
Nếu dị vật đi qua khỏi vùng thực quản, dị vật có thể tiếp tục bị kẹt ở những vị trí khác, gây thủng dạ dày, thủng tá tràng, thủng ruột non, manh tràng, đại tràng, viêm phúc mạc... Khi bị kẹt lại, dị vật thường gây nhiễm trùng tại chỗ, hoặc gây hiện tượng viêm tấy, tạo áp xe trong ổ bụng.
Để phòng tránh dị vật đường tiêu hóa, bác sĩ khuyến cáo mọi người hãy cẩn thận trong lúc ăn uống, đặc biệt là khi ăn những loại thực phẩm có xương. Những trường hợp phát hiện ra mình đã vô tình nuốt phải dị vật, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra, đánh giá mức độ thương tổn và can thiệp kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.