Dân số Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ “già hóa”

(Dân trí) - Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất ở châu Á, dân số nước ta chính thức bước vào thời kỳ “già hóa” từ năm 2011, kết quả từ sự sụt giảm của tỷ lệ sinh, tỷ lệ chết và tuổi thọ ngày càng tăng lên.

Ngày 2/12, tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về Dân số và hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam năm 2015 (ngày 26/12) với chủ đề: “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi”.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế GS. Nguyễn Viết Tiến cho biết, tuổi thọ cao là thành tựu của y khoa và kết quả của phát triển kinh tế - xã hội về nhiều mặt, không phải là gánh nặng của xã hội hay của nền kinh tế. Vì vậy, toàn xã hội hãy cam kết đảm bảo cho cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi và khuyến khích sự tham gia có ý nghĩa của họ trong xã hội để tận dụng được vốn sống phong phú, những kinh nghiệm và kiến thức quý báu của người cao tuổi.


GS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Lễ phát động

GS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Lễ phát động

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, dân số thế giới đang già hóa nhanh chóng. Trong thời gian 10 năm tới, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ vượt qua con số 1 tỷ. Già hóa dân số đang tăng nhanh ở các nước đang phát triển, bao gồm cả những quốc gia có mật độ dân số trẻ cao. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất ở châu Á, chính thức bước vào thời kỳ “già hóa” từ năm 2011, kết quả từ sự sụt giảm của tỷ lệ sinh, tỷ lệ chết và tuổi thọ ngày càng tăng lên.

Vào năm 2012, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 10,2% tổng dân số cả nước. Năm 2014, tỷ lệ này đã tăng lên 10,5%. Thời kỳ để Việt Nam chuyển giao từ “già hóa dân số” sang “dân số già” ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có cấp độ phát triển cao hơn. Thời kỳ già hóa đặt ra những thách thức to lớn đòi hỏi phải có những phương thức tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe, tuổi nghỉ hưu, lương hưu, thay đổi sự tương tác trong xã hội và mối quan hệ liên thế hệ.

Để giải quyết những thách thức và tận dụng các cơ hội của thời kỳ già hóa dân số, chúng ta cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao nhận thức về vấn đề già hóa dân số, đảm bảo đưa vấn đề già hóa và nhu cầu của người cao tuổi vào tất cả các chương trình và chính sách phát triển quốc gia, đặc biệt là các chính sách, chương trình về an sinh xã hội…

Tiết mục biểu diễn võ thuật của các hội viên Hội người cao tuổi tỉnh Thái Bình tại Lễ phát động
Tiết mục biểu diễn võ thuật của các hội viên Hội người cao tuổi tỉnh Thái Bình tại Lễ phát động

Cũng tại buổi lễ, ông Ngô Trọng Vịnh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam, cho biết: “Chăm sóc người cao tuổi không chỉ là chăm sóc về Y tế mà còn chăm sóc về cả vật chất, tinh thần, sao cho mỗi người khi về già đều có một cuộc sống đảm bảo, an toàn. Do đó, chúng ta cần nâng cao vấn đề nhận thức về già hóa dân số, vấn đề của người cao tuổi; bảo vệ quyền lợi người cao tuổi, nhu cầu được tiếp cận các dịch vụ về chăm sóc; quan tâm thiết thực đến 23,5% người cao tuổi nghèo, gần 100.000 người cô đơn và rất nhiều người cao tuổi khuyết tật”.

Cùng ngày, trước đó, lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện các ban bộ ngành Trung ương, lãnh đạo Hội Người cao tuổi Việt Nam, đại diện  các tổ chức Quốc tế; lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của 28 tỉnh, thành phố thuộc địa bàn thực hiện Đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển đã dự khai mạc Triển lãm ảnh với chủ đề “Kết nối thế hệ”. Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12.

Đức Văn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm