Đắk Lắk: Khẩn trương các biện pháp ngăn chặn cúm gia cầm H5N6

Thúy Diễm

(Dân trí) - Trước việc xuất hiện liên tiếp 3 ổ dịch cúm H5N6 tại địa bàn xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), cơ quan chức năng đang triển khai đồng loạt các biện pháp để ngăn chặn không có dịch bùng phát.

Ngày 18/8, ông Lê Hồng Thái -  Phó chủ tịch UBND xã Ea Kao xác nhận, các đơn vị chức năng vừa tiếp tục tiêu hủy trên 3.000 con gia cầm bị H5N6 tại địa bàn thôn 3 của xã đi tiêu hủy.

Đắk Lắk: Khẩn trương các biện pháp ngăn chặn cúm gia cầm H5N6 - 1
Cơ quan chức năng tiêu hủy hàng ngàn con gà nhiễm bệnh

Trước đó, tại xã Ea Kao đã tiêu hủy trên 3.000 con gia cầm dương tính với H5N6. Đến nay, trên địa bàn xã đã tiêu hủy tổng cộng trên 6.100 con gia cầm.

Theo ông Thái, hiện xã hiện nay có khoảng 70.000 con gia cầm. Cơ quan chức năng đã tiến hành phun hóa chất khử khuẩn, tiêm phòng cho số gia cầm còn lại, không để dịch bệnh lây lan. Tại xã Ea Kao đã thành lập một chốt kiểm dịch tạm thời để vệ sinh tiêu độc, khử trùng phương tiện ra vào ổ dịch.

Trước tình hình của dịch H5N6, UBND TP Buôn Ma Thuột đã công bố dịch cúm gia cầm tại xã Ea Kao. Vùng dịch bị uy hiếp gồm xã Hòa Thắng, xã Hòa Khánh, phường Ea Tam; Vùng đệm gồm phường Tân Thành, Tân Lập, Khánh Xuân...

Qua đó, chính quyền thành phố yêu cầu tạm dừng các hoạt động mua, bán, vận chuyển gà, vịt, ngan, ngỗng và sản phẩm của gà, vịt, ngan, ngỗng ra vào vùng dịch.

Đắk Lắk: Khẩn trương các biện pháp ngăn chặn cúm gia cầm H5N6 - 2

Gia cầm chết hàng loạt do cúm H5N6

Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND các huyện, thị xã và thành phố, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tập trung chỉ đạo và huy động tối đa các nguồn lực của địa phương để nhanh chóng xử lý các ổ dịch đang xảy ra, không để phát sinh các ổ dịch mới; giao cho chính quyền xã, thôn, buôn quản lý chặt chẽ các ổ dịch, tăng cường công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng...

Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh, không có giấy chứng nhận kiểm dịch và không có nguồn gốc rõ ràng.

Thành lập ngay các Đoàn công tác trực tiếp đến các xã đang có dịch để chỉ đạo xử lý dứt điểm các ổ dịch mới phát sinh và các nơi có nguy cơ phát dịch cao để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định.

Đối với các địa phương chưa có dịch, thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương. Chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể về nhân lực, vật lực để sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.

Hướng dẫn các chủ trang trại chăn nuôi tập trung và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh.