1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bình Định:

Đái tháo đường: Đừng nghĩ bệnh “nhà giàu” mà thờ ơ!

(Dân trí) - “Người mắc bệnh đái tháo đường ngày càng tăng, đặc biệt nhiều người không biết mình bị bệnh. Đến khi phát hiện thì bệnh chuyển sang biến chứng nặng, phải cắt cụt chi…”- ThS. BS Chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng khoa Nội tiết - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cho biết.

Đông đảo người già ở TP Quy Nhơn (Bình Định) được xét nghiệm đường huyết miễn phí và nghe bác sĩ tư vấn về cách phòng và trị bệnh đái tháo đường
Đông đảo người già ở TP Quy Nhơn (Bình Định) được xét nghiệm đường huyết miễn phí và nghe bác sĩ tư vấn về cách phòng và trị bệnh đái tháo đường

Ngày 21/10, trên 1.000 người dân độ tuổi từ 55-70 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) cao đã được xét nghiệm đường huyết miễn phí và nghe các chuyên gia tư vấn về bệnh nguy hiểm này.

Sau khi kiểm tra đường huyết, người dân được các bác sĩ tư vấn những kiến thức cơ bản về căn bệnh “nhà giàu” - bệnh đái tháo đường. Đặc biệt, tại buổi tư vấn, các bác sĩ đi sâu phân tích về biểu hiện của bệnh ĐTĐ, nguyên nhân dẫn đến bệnh, những biến chứng nguy hiểm của người mắc bệnh, cách phòng tránh và điều trị bệnh, chế độ ăn uống…

ThS.BS Chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng khoa Nội tiết - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, tư vấn về nguy hiểm của bệnh đái tháo đường cho người dân biết phòng tránh
ThS.BS Chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng khoa Nội tiết - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, tư vấn về nguy hiểm của bệnh đái tháo đường cho người dân biết phòng tránh

Theo ThS.BS Chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng khoa Nội tiết - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, trong 10 năm qua, số ca mắc bệnh đái tháo đường đã tăng đến 200%. Cuối năm 2016, tỷ lệ người bệnh chiếm 6% dân số cả nước. Trong đó, cứ 2 người bị ĐTĐ thì có 1 người không biết mình mắc bệnh. Đến khi phát hiện thì bệnh đã chuyển sang biến chứng nặng, phải cắt cụt chi... Bởi vậy, việc khám và tầm soát (biện pháp nhằm phát hiện mầm bệnh từ sớm) ĐTĐ là rất cần thiết với tất cả mọi người.

Bệnh ĐTĐ để những biến chứng rất nguy hiểm không chỉ để lại hậu quả nặng nề cho chính bản thân mà còn trở thành gánh nặng cho gia đình và cả xã hội.

Theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Lành - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, những yếu tố gây ra biến chứng bệnh ĐTĐ là do đường huyết tăng cao kéo dài, huyết áp cao, mỡ trong máu cao… “Bệnh ĐTĐ để lại nhiều biến chứng về thần kinh, tim mạch, suy thận, mạch máu, lở loét chân… đặc biệt nhồi máu cơ tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người bệnh ĐTĐ. Do đó, chúng ta phải kiểm soát được đường, huyết áp, mỡ máu; đi khám định kỳ chuyên khoa: mắt, thận, bàn chân”- bác sĩ Lành cho biết.

Kiểm soát huyết áp ổn định cũng là biện pháp phòng tránh bệnh tiểu đường
Kiểm soát huyết áp ổn định cũng là biện pháp phòng tránh bệnh tiểu đường

Dù không có tiền sử bị bệnh tiểu đường, bà Lê Thị Bến (66 tuổi, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) vẫn địa điểm để xét nghiệm đường huyết và nghe bác sĩ tư vấn để hiểu và phòng tránh bệnh ĐTĐ.

“Từ nhỏ tới giờ tôi khỏe mạnh bình thường, nhưng bây giờ tuổi ngày cao chẳng biết đâu mà lần. Dù không có biểu hiện bệnh, nhưng tôi vẫn đến xét nghiệm để biết còn biết điều trị sớm. Rất may, đường huyết của tôi bình thường. Chứ lâu nay, chỉ nghe đến căn bệnh tiểu đường thì ai cũng lo sợ. Nhờ đến đây, tôi cũng được bác sĩ tư vấn cách nhận biết bệnh và phòng tránh bệnh”- bà Bến cho hay.

Dành lời khuyên cho những người đang phải gánh chịu căn bệnh này và những người may mắn không bị bệnh ĐTĐ, bác sĩ Chuyên khoa II, Trần Thị Ngọc Thư, Phó trưởng khoa Nội tiết - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, khuyên: “Người bị ĐTĐ cũng phải ăn uống để đảm bảo đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động, không quá lo lắng phải nhịn ăn, giảm uống một cách vô lý. Song, không quá “bất cần”, coi thường bệnh không tuân theo chế độ ăn quy định. Nguyên tắc bắt buộc trong điều trị ĐTĐ là có ăn cơm mới được dùng thuốc”.

Doãn Công