Đà Nẵng: Thị trường thuốc tân dược tiếp tục tăng
Những ngày cuối tháng Bảy này, giá nhiều mặt hàng thuốc tân dược ở Đà Nẵng, thị trường trọng điểm của khu vực miền Trung vẫn tiếp tục tăng. Cơn sốt này đã âm ỉ từ đầu tháng Sáu và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Giá thuốc tăng đến... 130%
Khảo sát mới đây của ngành y tế thành phố cho thấy, giá thuốc tại thị trường Đà Nẵng đã tăng từ 1% đến 30%. Đi tham khảo thực tế tại một số quầy thuốc tư nhân, giá thuốc không chỉ xấp xỉ mà còn cao hơn mức giá khảo sát.
Hiện giá thuốc tại nhiều đơn vị bán buôn, các đại lý lớn chuyên kinh doanh sỉ thuốc trên đường Hải Phòng, Ông Ích Khiêm… đã tăng bình quân 5 - 10%. Các loại biệt dược còn tăng cao hơn. Chẳng hạn, nhóm thuốc chữa bệnh đường ruột, dạ dày Umidox-100 (Doxycylinc 100mg) nhập khẩu, trước đây có giá 20.000 đồng/hộp, nay báo giá tăng lên 28.000 đồng/hộp (40%); CimetiDine 400mg tăng 90%...
Thuốc của các công ty trong nước sản xuất cũng tăng không kém như các mặt hàng của công ty Dược Hậu Giang đã tăng giá 30 - 35%, cá biệt vitamin C của Bình Định tăng 130%...
Các nhà cung cấp lớn đều có xu hướng điều chỉnh tăng khiến cho giá bán lẻ tăng lên. Nhiều chủ nhà thuốc khẳng định, giá thuốc sẽ vẫn còn tăng do nguồn thuốc ở TP Đà Nẵng phụ thuộc vào tình hình chung của hai thị trường TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Anh Trần Hải, chủ một nhà thuốc trên đường Ông Ích Khiêm cho biết, tuần qua nhà thuốc của anh liên tục được các công ty dược phẩm thông báo qua điện thoại sẽ tăng giá hàng loạt.
Bà Đoàn Võ Thị Kim Ánh, Quyền Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết: “Giá thuốc nội trú ở các bệnh viện do được cung cấp qua đấu thầu nên không tăng. Tuy nhiên, nguồn cung ứng thuốc điều trị tại các bệnh viện lớn của thành phố ít nhiều đã có sự biến động, nhất là các mặt hàng thuốc đặc trị các nhóm bệnh như thận, tim mạch, thần kinh…
Một số công ty dược phẩm tạm ngừng cung ứng hàng với lý do "chưa nhập về". Nhiều loại thuốc đặc trị bị nhà phân phối viện lý do kiểm kê hàng hoá 6 tháng đầu năm, không xuất hàng để chờ tăng giá. Thậm chí, trong khoảng một vài ngày qua, một số mặt hàng thuốc thiết yếu đã bị nhà thầu cắt hàng do không tìm được nhà cung cấp. Thực tế này đang đặt ra khó khăn rất lớn đối với các cơ sở thực hiện chức năng khám chữa bệnh của thành phố.
Đáng lo ngại là tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, nhiều loại thuốc khan hiếm nhưng trên thị trường tự do lại không thiếu. Nguyên nhân là khi đấu thầu thuốc cung cấp cho các bệnh viện, nhà phân phối cam kết bảo đảm ổn định giá thuốc trong 6 tháng. Thế nhưng, do thông tin Bộ Y tế sẽ cho phép điều chỉnh giá một số mặt hàng tân dược nên một số công ty, nhà phân phối chần chừ không cung cấp đủ thuốc hoặc ém hàng không bán để chờ tăng giá...
Sẽ điều chỉnh giá của gần 400 loại thuốc và y dụng?
Trước tình hình giá thuốc “nóng”, không ổn định, tại cuộc họp bàn về tháo gỡ khó khăn và bình ổn giá thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Sở Y tế quyết định thành lập Ban chỉ đạo liên ngành để tiếp nhận, xem xét điều chỉnh giá một số mặt hàng thuốc thiết yếu theo hướng: Việc điều chỉnh giá phải có lộ trình cụ thể, ưu tiên xem xét các thuốc chuyên khoa đặc trị có nguy cơ thiếu; trình UBND thành phố điều chỉnh giá trong số 184 tên thuốc và 179 mặt hàng y dụng thông thường.
Các Sở Tài chính, Sở Công thương và Sở VH-TT triển khai các biện pháp bình ổn thuốc ở TP Đà Nẵng theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Công tác thanh tra, kiểm tra các đại lý bán thuốc sỉ và lẻ cũng sẽ được tăng cường, nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm lần thứ hai về niêm yết giá, tự ý tăng giá thuốc, đầu cơ tích trữ thì sẽ đóng cửa và rút giấy phép hoạt động.
Các doanh nghiệp cung ứng thuốc phải cam kết thực hiện theo giá thầu nếu không sẽ không được tham gia đấu thầu cung ứng thuốc cho bệnh viện trong những năm tới.
Đồng thời trong trường hợp bị cắt hàng do tăng giá, có thể khai thác thêm nguồn thuốc bảo đảm chất lượng, bằng hoặc rẻ hơn giá phê duyệt để cung ứng cho các bệnh viện.
Các bệnh viện, trong trường hợp bị cắt một số mặt hàng thuốc, vật tư y tế được phép khai thác thêm nguồn hàng khác để đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh, tránh tình trạng thiếu thuốc ảnh hưởng đến chất lượng điều trị bệnh nhân.
Các doanh nghiệp cung ứng thuốc, y dụng cụ cho bệnh viện phải bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng, đúng giá trúng thầu, nếu sai hợp đồng doanh nghiệp sẽ không được tiếp tục đấu thầu trong những năm tới…
Giá thuốc tăng mạnh, chịu thiệt thòi nhất vẫn là những bệnh nhân nghèo, nguy cơ không có khả năng chi trả viện phí và các khoản chi trả ngoài khung
Bảo hiểm Y tế là điều đang hiện hữu.
Dư luận xã hội đang chờ đợi những động thái tích cực từ các cơ quan chức năng để giá thuốc được giữ ở mức ổn định, nhằm giảm áp lực khó khăn cho người bệnh.
Theo Phương Thu
Nhân dân