1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đà Nẵng kiểm soát thực phẩm vào chợ như thế nào?

(Dân trí) - Ngoài việc ký kết cung ứng nông sản an toàn với các địa phương, Ban quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng còn thường xuyên lấy mẫu để giám sát thực phẩm tại chợ đầu mối Hòa Cường và chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang trước khi phân bố ra các chợ địa bàn.

Đà Nẵng là thành phố du lịch và lượng du khách đến thành phố này ngày một tăng. Do vậy, vấn đề an toàn thực phẩm cần được Đà Nẵng kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Ban quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng cho biết, từ năm 2016 – 2018, Đà Nẵng đã tổ chức ký kết cung ứng nông sản an toàn với các địa phương cung ứng các sản phẩm rau, trái cây và thịt cho Đà Nẵng là Lâm Đồng, Gia Lai, Quảng Nam (rau), Tiền Giang, Vĩnh Long (trái cây) và Bình Định (thịt lợn). Các tỉnh này sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát thực phẩm nhập vào Đà Nẵng đảm bảo an toàn.

Rau, củ, quả ở chợ đầu mối Hòa Cường...
Rau, củ, quả ở chợ đầu mối Hòa Cường...

Vừa qua, Đà Nẵng cũng đã tổ chức hội nghị kết nối chuỗi cung ứng nông sản an toàn giữa doanh nghiệp của Đà Nẵng và doanh nghiệp của các tỉnh Quảng Nam và Đắk Lắk.

Trong năm 2018, Ban quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng cũng đã cử một nhóm vào Lâm Đồng để điều tra, khảo sát quy trình sản xuất rau, củ, quả của các hộ ở đây. Qua điều tra, Ban quản lý an toàn thực phẩm đã đánh giá rất cao tính an toàn của thực phẩm do các hộ này sản xuất.

Theo ông Tiến, để ngăn chặn thực phẩm bẩn vào chợ, Ban quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng cũng thường xuyên lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Hòa Cường và chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang bởi đây là hai đầu mối cung cấp thực phẩm cho toàn thành phố.

Và hải sản ở chợ đầu mối Thọ Quang thường xuyên được lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm
Và hải sản ở chợ đầu mối Thọ Quang thường xuyên được lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm

“Việc lấy mẫu giám sát rất công phu. Cán bộ phải đi lấy mẫu từ lúc 2 - 3 giờ sáng, sau đó lấy mẫu đi kiểm tra. Nếu thực phẩm nào không đảm bảo an toàn thì thông báo cho cơ quan quản lý của tỉnh đó và thông báo có Ban quản lý chợ để cấm nhập thực phẩm đó vào thành phố Đà Nẵng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày phát hiện mẫu kiểm nghiệm không an toàn thực phẩm”, ông Tiến nói.

Nhờ công tác giám sát an toàn thực phẩm được tiến hành chặt chẽ nên 11 tháng của năm 2008 chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.

Từ chợ đầu mối, thực phẩm được phân bố về các chợ trên địa bàn
Từ chợ đầu mối, thực phẩm được phân bố về các chợ trên địa bàn

Để công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Đà Nẵng ngày càng tốt hơn, Ban quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng kiến nghị UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ, hướng dẫn Ban sớm thành lập Trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm chuyên sâu. Ban quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cho Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm tỉnh/thành.

Theo Ban quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng, mỗi năm, TP Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 140.000 tấn rau, củ, quả các loại, trong đó lượng rau do thành phố tự sản xuất khoảng 9.000 tấn, còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu 131.000 tấn.

Về trái cây, mỗi năm Đà Nẵng nhập khoảng 76.000 tấn, trong đó từ các tỉnh trong nước khoảng 51.000 tấn và nhập khẩu khoảng 25.000 tấn.

Sản lượng thủy sản cập cảng Thọ Quang hàng năm khoảng 130.000 tấn, trong đó thủy sản có nguồn gốc khai thác khoảng 125.000 tấn và thủy khản nuôi khoảng 5.000 tấn. Giết mổ và đưa ra thị trường tiêu thụ khoảng 500.000 con lợn, 25.000 con bò và 1.000.000 con gia cầm, ước tính sản lượng thịt qua giết mổ là 35.000 tấn.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn thành phố Đà Nẵng đã lấy 725 mẫu thực phẩm để kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, đã có kết quả 651 mẫu, trong đó có 83 mẫu không đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 12,75% và lấy 1.434 mẫu thực phẩm kiểm tra nhanh, kết quả có 10 mẫu không đạt yêu cầu.

Khánh Hồng