Đà Nẵng đón ba em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm

(Dân trí) - Sáng 25/12, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo sản phụ khoa chào mừng ba em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháo thụ tinh trong ống nghiệm.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được xem truyền hình trực tiếp từ phòng mổ phẫu thuật lấy ba em bé ra khỏi mẹ.

.

Ba em bé trên là con của sản phụ Phạm Thùy Trang (sinh 1981, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), Hồ Thị Minh Quyên (sinh 1977, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) và Phạm Thị Mưng (sinh 1983, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng).

Các bác sĩ, nữ hộ sinh sẵn sàng cho ca mổ
Các bác sĩ, nữ hộ sinh sẵn sàng cho ca mổ

Theo bác sĩ Trần Đình Vinh, giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cho biết, từ năm 2004, được sự hỗ trợ tích cực của Khoa hiếm muộn (Bệnh viện Từ Dũ), phòng hiếm muộn đã triển khai chương trình thụ tinh trong ống nghiệm vệ tinh - bước đầu chuyển giao công nghệ chẩn đoán, sàng lọc và kích thích buồng trứng ở các bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm. 


Bệnh nhân được khám, chẩn đoán và kích thích buồng trứng tại bệnh viện sau đó chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ để chọc hút trứng và chuyển phôi. Sau khi chuyển phôi, bệnh nhân sẽ trở về theo dõi thai kỳ. 


Đây là một chương trình góp phần giảm đáng kể chi phí điều trị cho bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm ở khu vực miền Trung với kết quả đáng khích lệ có thai lâm sàng 31,3% và đã có 61 cháu bé khỏe mạnh ra đời.

Bé đầu tiên chào đời 
Bé đầu tiên chào đời 


Tháng 3/2014, phòng hiếm muộn (Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng) đã bắt đầu thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm dưới sự hỗ trợ bước đầu của Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM. Với những thành công nhất định nên tháng 7/2014, đoàn thẩm định của Bộ Y tế đã chính thức công nhận phòng hiếm muộn (Khoa Phụ sản, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng) là một đơn vị có đủ điều kiện thực hiện cũng như các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản khác. 

Đến hôm nay, bệnh viện vui mừng chào đón ba em bé đầu tiên thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện nay tại bệnh viện. Đây không chỉ là niềm vui của phòng hiếm muộn, bệnh viện mà cả ngành y tế Đà Nẵng cũng như bệnh nhiên ở Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Bé thứ hai là một bé gái
Bé thứ hai là một bé gái

Cũng theo bác sĩ Vinh, hiện Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng là đơn vị thứ 19 của cả nước và là thứ 2 của khu vực thực hiện kỹ thuật này.

Là người trực tiếp thăm khám, theo dõi những trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Thị Phương lê – trưởng phòng hiếm muộn cho biết: “Ngay sau khi bệnh viện có thông tin triển khai thụ tinh trong ống nghiệm, chúng tôi đã đón nhận rất nhiều trường hợp đăng ký tư vấn, khám và điều trị vô sinh không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở các tỉnh lân cận. Ba em bé đầu tiên chào đời là niềm tự hào lớn đối với đội ngũ y bác sĩ  phòng hiếm muộn. Nó đánh dấu bước tiến mới của phòng hiếm muộn và nhắc nhở chúng tôi phải nổ lực hơn nữa trong việc mang lại hy vọng, hạnh phúc cho các cặp vợ chẳng may mắc hiếm muộn, vô sinh”

Cháu bé được chuyển qua tay nữ hộ sinh 
Cháu bé được chuyển qua tay nữ hộ sinh 


Được biết, từ khi triển khai thụ tinh trong ống nghiệm, đến tháng 11/2014, phòng hiếm muộn đã thực hiện được 116 chu kỳ chuyển phôi tươi và 25 chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh với tỷ lệ thành công tương đương với các trung tâm lớn trong nước.

Và đưa đến đặt ngay trên bụng mẹ theo phương pháp da kề da sau sinh
Và đưa đến đặt ngay trên bụng mẹ theo phương pháp "da kề da" sau sinh


Thông thường, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm có thể điều trị được cho những trường hợp nặng như: nam giới không có tinh trùng do tắc nghẽn, phụ nữ tắc ống dẫn trứng hai bên, bất thường thụ tinh và nhiều trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân… Do đó, với kỹ thuật này, các cặp vợ chồng càng có thêm nhiều hy vọng để có con. 


Việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm bằng kỹ thuật hiện đại tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng không chỉ làm giảm thời gian đi lại, giảm chi phí điều trị mà còn giảm căng thẳng tâm lý cho bệnh nhân ở Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Chi phí điều trị của một ca hiếm muộn, vô sinh gồm chi phí máy móc từ 18 - 20 triệu đồng, tiền thuốc trung bình khoảng 50 triệu đồng, tùy theo thể trạng của từng bệnh nhân.

Khánh Hồng