Cứu thành công chân trái bị hoại tử ở cụ ông 104 tuổi

(Dân trí) - Cụ ông 104 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch do tắc các động mạch nuôi chân cấp tính. Các bác sĩ đã phẫu thuật bắc cầu động mạch thành công cứu cụ thoát khỏi nguy cơ đoạn chi. Đây là ca mổ trên người bệnh lớn tuổi nhất tại bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Ngày 25/10, bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, tại đây vừa thực hiện thành công cuộc phẫu thuật bắc cầu động mạch trên bệnh nhân lớn tuổi có nhiều chứng bệnh mạn tính. Người bệnh may mắn được cứu là cụ M.V.H. (104 tuổi, quê Bạc Liêu) được đưa vào khoa cấp cứu vì đau chân trái dữ dội.

Kết quả thăm khám và chẩn đoán hình ảnh cho thấy chân trái của bệnh nhân tím lạnh từ cẳng chân xuống bàn chân, mạch chân không bắt được, cảm giác da bàn chân giảm, vận động của bàn chân và các ngón chân khó khăn. Hình chụp mạch máu ghi nhận, các động mạch chân trái bị tắc hoàn toàn từ ngang gối trở xuống, chỉ còn lại một nhánh nhỏ động mạch ở bàn chân.

Các bác sĩ thực hiện cuộc phẫu thuật cho cụ ông 104 tuổi
Các bác sĩ thực hiện cuộc phẫu thuật cho cụ ông 104 tuổi

Bệnh nhân được chẩn đoán thiếu máu chi nguy kịch do tắc các động mạch nuôi chân cấp tính trên nền bệnh động mạch mạn tính do xơ vữa. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị rối loạn nhịp tim và bệnh phổi mạn tính. Các bác sĩ đã tích cực điều trị bằng thuốc cho cụ nhưng tình trạng thiếu máu chân ngày càng nặng hơn, các ngón chân và bàn chân trái xuất hiện những đốm hoại tử. Trước nguyện vọng của gia đình mong muốn giữ chân cho cụ đến cuối đời, bệnh viện đã hội chẩn và quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật can thiệp.

Tuy nhiên, do người bệnh đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nên cuộc mổ đối mặt với rất nhiều nguy cơ. ThS.BS Lê Thanh Phong, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Mạch máu bệnh viện chia sẻ: “Việc vô cảm cho bệnh nhân để tiến hành phẫu thuật trong trường hợp này trở nên rất khó khăn. Chúng tôi không thể gây tê tủy sống vì bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông máu. Nếu gây mê sẽ rất nguy hiểm vì cụ có bệnh tim, phổi kèm theo. Bệnh viện đã quyết định chọn giải pháp an toàn là phẫu thuật lấy huyết khối và bắc cầu động mạch bằng tĩnh mạch hiển, gây tê tại chỗ.

BS Thanh Phong cho biết: Ưu điểm của phương pháp bắc cầu động mạch bằng tĩnh mạch hiển tại chỗ sẽ cho phép đưa máu từ động mạch trên gối xuống đến tận động mạch nhỏ ở giữa mu bàn chân chỉ qua 3 đường rạch da ngắn, phù hợp với gây tê. Trong khi đó, gây tê tại chỗ giúp tránh được những tác động nguy hiểm của gây mê kéo dài ảnh hưởng đến tình trạng bệnh tim, phổi mạn tính của bệnh nhân.

Sau mổ 1 ngày, chân trái bệnh nhân hết đau, ấm và hồng hào. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được xuất viện vào vài ngày tới.

Động mạch chân bị tắc đã được bắc cầu thành công
Động mạch chân bị tắc đã được bắc cầu thành công

Đây là bệnh nhân lớn tuổi nhất được phẫu thuật bắc cầu tại bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Kỷ lục thế giới hiện nay cho bệnh nhân lớn tuổi nhất được phẫu thuật là bệnh nhân John Lawrence Randall 102 tuổi người Anh, được phẫu thuật thay khớp háng toàn bộ vào năm 2011. Gần nhất là nữ bệnh nhân Gladys Hooper, người Anh đã xác lập kỷ lục thế giới mới khi vừa được mổ thay khớp háng vào tháng 10/2015 khi đã 112 tuổi.

Tắc động mạch là tình trạng cấp cứu, cần phải can thiệp phẫu thuật tái thông động mạch càng sớm càng tốt. Bác sĩ khuyến cáo khi người bệnh có biểu hiện đau nhức âm ỉ hoặc đau đột ngột và dữ dội, bàn chân nhợt nhạt và lạnh cần đi khám và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Động mạch đảm nhận nhiệm vụ dẫn máu chứa ôxy và dinh dưỡng từ tim đến nuôi các cơ quan trong cơ thể. Động mạch bị tắc cấp, thường là do cục máu đông hình thành trong lòng mạch hoặc trôi từ nơi khác đến khiến bộ phận của cơ thể nằm dưới vùng bị tắc thiếu máu cấp tính. Nếu không được can thiệp, người bệnh sẽ bị hoại tử do máu không đến được mô.

Biểu hiện của tình trạng tắc động mạch chân là cảm giác đau nhức đột ngột và dữ dội, bàn chân nhợt nhạt và lạnh, trễ hơn là tình trạng mất cảm giác và liệt vận động.

Ngoài ra những người già thường phải đối mặt với nguy cơ tắc động mạch mạn tính. Khi cơ thể già nua thì động mạch cũng già đi, biểu hiện bằng tình trạng xơ vữa động mạch, thành động mạch trở nên cứng hơn, dày hơn, làm lòng động mạch hẹp lại ở nhiều mức độ khác nhau và nặng nhất là tắc hoàn toàn. Do quá trình xơ vữa mạch diễn ra từ từ nên chân thích nghi với tình trạng thiếu máu mạn tính.

Bệnh biểu hiện qua các giai đoạn khác nhau từ không triệu chứng, đến đau bắp chân khi đi, nặng hơn là đau chân khi nghỉ ngơi và hoại tử khô ngón chân hay bàn chân.

Trên nền cơ địa của người bị tắc động mạch mạn tính cũng rất dễ xảy ra tình trạng tắc động mạch cấp tính. Máu sẽ đi theo các nhánh mạch máu nhỏ để nuôi chân được gọi là tuần hoàn bàng hệ. Nếu như các nhánh bàng hệ này bị máu đông làm tắc nghẽn, bệnh sẽ biểu hiện như một tắc động mạch cấp tính nhưng ở mức độ ít khẩn cấp hơn.

Vân Sơn