1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cứu sống bệnh nhân viêm cơ tim cấp tại Bệnh viện Trung ương Huế

(Dân trí) - Ngày 18/8 theo tin từ khoa Gây mê Hồi sức Tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế, Khoa đã điều trị thành công một trường hợp bệnh nhân viêm cơ tim thể tối cấp (Fulminant myocarditis).

Đây là một bệnh lý nghiêm trọng có tỉ lệ biến chứng tử vong cao, được biểu hiện bằng tình trạng khởi phát cấp tính và suy sụp tuần hoàn trầm trọng, ngưng tim, có nguy cơ tử vong rất cao đến 70% nếu không được điều trị tích cực kịp thời.

Trước đó vào ngày 31/7, nữ bệnh nhân Nguyễn Thị H. (27 tuổi, quê quán Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế. Tại đây bệnh nhân chỉ có triệu chứng đau ngực, khó thở, sốt. Sau khi khám lâm sàng tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân được chuyển đến khoa Nội tiết Thần kinh Hô hấp điều trị. Tại thời điểm này xét nghiệm có men tim tăng siêu âm tim bệnh nhân lại thấy chức năng năng tim giảm còn 19%, có ít dịch màng ngoài tim.

Bệnh nhân được theo dõi viêm cơ tim cấp và được mời hội chẩn đa chuyên khoa khẩn cấp để có phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Lúc chuyển lên khoa Nội Tim mạch bệnh nhân xuất hiện choáng tim, tiến triển ngưng hô hấp, tuần hoàn. Ngay lập tức bệnh nhân được cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn với xoa bóp tim ngoài lồng ngực, bóp bóng hỗ trợ qua nội khí quản với oxy 100% kèm hồi sức nội khoa.

Nhận định đây là một trường hợp viêm cơ tim thể tối cấp, sốc tim nặng, nguy cơ tử vong cao chỉ trong 1 giờ tiếp theo; bác sĩ CK II Đặng Thế Uyên, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế, người trực tiếp can thiệp đã quyết định đặt thiết bị Oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (Extracorporeal Membrane Oxygenation – ECMO) A-V ngoại biên (đùi – đùi) và bóng đối xung động mạch chủ (IABP) nhằm hỗ trợ chức năng sống cho bệnh nhân.

Cứu sống bệnh nhân viêm cơ tim cấp tại Bệnh viện Trung ương Huế - 1

Bác sĩ CK II Đặng Thế Uyên, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế, người trực tiếp can thiệp đã quyết định đặt thiết bị Oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO)

Sau khi được hỗ trợ ECMO, các chỉ số, tình trạng huyết động cải thiện tốt. Đến này thứ 6 kể từ khi can thiệp phương pháp trên, chức năng tim hồi phục tốt, hô hấp ổn định, toàn trạng bệnh nhân khá lên. Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không có di chứng thần kinh, chức năng tim và các cơ quan hồi phục tốt. Đây là một trong nhiều trường hợp viêm cơ tim thể tối cấp được điều trị thành công tại khoa.

Cứu sống bệnh nhân viêm cơ tim cấp tại Bệnh viện Trung ương Huế - 2

Bệnh nhân được hỗ trợ ECMO và bóng đối xung động mạch

Cứu sống bệnh nhân viêm cơ tim cấp tại Bệnh viện Trung ương Huế - 3

Bệnh nhân đã hồi phục ổn định

Theo các bác sĩ Khoa Gây mê Hồi sức Tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh lý của bệnh nhân H. vừa gặp là viêm cơ tim, dấu hiệu ban đầu của bệnh rất khó phát hiện bởi triệu chứng lâm sàng không điển hình, giống cảm sốt thông thường như: mệt mỏi, đau nhức người, chán ăn... Hơn nữa, bệnh lại hay gặp ở người trẻ tuổi nên càng dễ chủ quan, coi nhẹ. Hậu quả của bệnh rất nguy hiểm, thậm chí tử vong. Trong đó, thể tối cấp được biểu hiện bằng tình trạng khởi phát cấp tính và suy sụp tuần hoàn trầm trọng, có nguy cơ tử vong rất cao đến 70% nếu không được điều trị tích cực kịp thời.

Do đó, các bệnh nhân có triệu chứng gợi ý viêm cơ tim cấp như tăng men tim, tràn dịch màng tim và chức năng tim giảm rõ trên siêu âm, kèm biến đổi điện tim: rối loạn nhịp tim, rối loạn dẫn truyền, đảo ngược sóng T lan toả, loạn nhịp thất… nên được nhanh chóng chuyển đến các cơ sở y tế có khả năng thực hiện hỗ trợ tuần hoàn cơ học Ecmo.

Cứu sống bệnh nhân viêm cơ tim cấp tại Bệnh viện Trung ương Huế - 4

Bệnh nhân cùng người nhà

ECMO là tên viết tắt của phương pháp “oxy hóa qua màng ngoài cơ thể” (Extracorporeal Membrane Oxygenation). Đây là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Với nguyên lý hoạt động tương tự như máy tim phổi nhân tạo, mục tiêu của ECMO là tạo thời gian cho tim và/hoặc phổi được nghỉ ngơi và hồi phục. ECMO có thuận lợi là dễ dàng và nhanh chóng có thể triển khai (trong vòng 20-30 phút) mà không phải mở xương ức. Tuy nhiên, phương pháp này không phải đơn vị, cơ sở y tế nào cũng có thể thực hiện được. Vì vậy, các bệnh nhân, người nhà khi có biểu hiện bệnh lý viêm cơ tim phải đến sớm, đúng tuyến để can thiệp sớm, kịp thời tránh tình trạng tử vong có thể xảy ra.

Đại Dương