BV Trung ương Huế:

Cứu sống 1 bệnh nhân người Mỹ bị nhồi máu cơ tim

(Dân trí) - Ngày 2/3, tin từ Khoa Cấp cứu tim mạch thuộc Trung tâm tim mạch (BV Trung ương Huế) vừa cứu sống 1 bệnh nhân người Mỹ bị nhồi máu cơ tim đột ngột khi đang nghỉ tại khách sạn ở Huế.

Theo đó, bệnh nhân tên Ken Lord, 69 tuổi, là cựu chiến binh Mỹ đang đi cùng đoàn 20 người làm nhân đạo tại các tỉnh ở Việt Nam, trong đó có Huế. Vào lúc 13h, Khoa Cấp cứu tim mạch can thiệp tiếp nhận bệnh nhân này được đưa đến từ Khách sạn Imperial trong tình trạng nặng ngực thắt nghẹn ở ngực trái. Trong 10 ngày ở Mỹ trước khi đến Việt Nam và thời gian ở Việt Nam, ông Ken đã có nhiều cơn đau tim nhẹ.

Dưới sự chỉ đạo của PGS.TS.Nguyễn Cửu Lợi, Trưởng Khoa Cấp cứu Tim mạch, PGĐ Trung tâm Tim mạch Huế, bệnh nhân đã được xác định bị Hội chứng vành cấp, đau thắt ngực. Điện tâm đồ thấy có ST chênh lệch chuyển đạo vùng dưới, men tim tăng nhẹ. Kết quả chẩn đoán là nhồi máu cơ tim.

Cứu sống 1 bệnh nhân người Mỹ bị nhồi máu cơ tim
Tình trạng tim trước khi can thiệp mạch vành với 2 tổn thương hẹp khít động mạch vành phải

Bệnh nhân và đoàn đi cùng sau khi nghe Th.S. BS Tô Hưng Thụy giải thích với bệnh nhân về mức độ nặng của bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng cũng như ích lợi của việc chụp động mạch vành và can thiệp cấp cứu sớm để có thể cứu quả tim khỏi bị hoại tử lượng lớn. Trong đoàn có người là bác sĩ đã xem qua các trang thiết bị của trung tâm và truy cập thông tin trên internet về Trung Tâm Tim Mạch Huế qua website của bệnh viện và qua các bài viết của các báo, trong đó có Dân trí, bệnh nhân đã tin tưởng và đồng ý chụp mạch vành và can thiệp cấp cứu.

Trong vòng hơn nửa tiếng, ê-kíp can thiệp gồm TS. Nguyễn Cửu Lợi và ThS. Tô Hưng Thụy đã thực hiện thành công nong và đặt Stent động mạch vành cấp cứu. Chụp mạch vành cho thấy hẹp tổn thương nặng rất khít đến 99% tại 2 nơi ở động mạch vành phải. Các bác sĩ đã nong ra và đặt 2 stent động mạch vành phải qua động mạch quay ở cổ tay. Ca can thiệp kết thúc vào lúc gần 17h chiều 1/3. Ngay sau khi được đặt stent, bệnh nhân Ken Lord đã thấy rất thoải mái và hết các cơn đau thắt dữ dội ở tim.

Cứu sống 1 bệnh nhân người Mỹ bị nhồi máu cơ tim
Bệnh nhân Ken Lord đã hoàn toàn bình phục sau can thiệp và có thể đi lại bình thường. Ông chụp ảnh cùng PGS.TS.Nguyễn Cửu Lợi, Trưởng Khoa Cấp cứu Tim mạch, PGĐ Trung tâm Tim mạch Huế

Vào sáng 2/3, chúng tôi đã đến gặp bệnh nhân này và nhận được nhiều sự chia sẻ của ông. “Không có các bác sĩ thì tôi đã chết rồi”, ông Ken nói vui bằng tiếng Anh và tiếng Việt bập bẹ đã học được trong những ngày hành quân chiến đấu tại Việt Nam từ 1967-1968.

Bệnh nhân hiện đã đi đứng lại bình thường vui mừng chia sẻ “Rất ấn tượng, mọi thứ được tiến hành chuyên nghiệp. Các bác sĩ, y tá rất chuyên nghiệp và nhiệt tình. Cuộc đời tôi được cứu sống bởi bác sĩ Lợi, bác sĩ Thụy. Tôi đến Việt Nam lần này với mục đích là giúp người dân các bạn. Không may tôi bị đau và được các bác sĩ cứu sống. Chúng ta đang giúp đỡ lẫn nhau và tôi rất quý điều đó. Đây là động lực để tôi tiếp tục sẽ đến Huế, đến Việt Nam để giúp thêm cho nhân dân các bạn. Hy vọng lần sau tới đây sẽ thăm các bác sĩ như 1 người bạn chứ không còn là bệnh nhân nữa”.

Điều đáng quý là khi đoàn vào Trung tâm để cấp cứu thì không đem theo tiền, các bác sĩ đã không chần chừ phẫu thuật. Đến khi thành công thì Khoa Cấp cứu tim mạch mới hướng dẫn bệnh nhân gửi tiền theo hình thức chuyển khoản từ ngân hàng bên Mỹ về Việt Nam.

Cứu sống 1 bệnh nhân người Mỹ bị nhồi máu cơ tim

Động mạch vành phải đã trở về bình thường sau khi can thiệp

Theo BS Tô Hưng Thụy, việc can thiệp qua động mạch quay có ưu điểm là bệnh nhân sau ca can thiệp có thể đứng dậy đi lại, không phải nằm bất động từ 5 - 8 tiếng. Ca mổ có chi phí khoảng 5.000 USD (mắc hơn gấp đôi hay gấp 3 so với điều trị người Việt), tuy nhiên so ra với Mỹ thì rẻ hơn rất nhiều.

Điều này cũng được ông Steven F. Scott (điều phối viên y tá trong đoàn) xác nhận “Chi phí ca mổ này chỉ bằng 1/10 so với bên nước chúng tôi. Có một số bệnh viện tư ở Mỹ chỉ chạy theo lợi nhuận (serve money) chứ không giúp con người như bệnh viện các anh (serve people). Về phương tiện ở khoa Cấp cứu tim mạch đây rất chuẩn, hơn 1 số nơi điều trị bệnh tim ở các bệnh viện bên nước chúng tôi”.

Theo số liệu thống kê, Khoa Cấp cứu tim mạch đã can thiệp đặt Stent cho 12 bệnh nhân người nước ngoài trong tình trạng cấp cứu, trong số đó có bệnh nhân đến từ các  nước như Pháp, Mỹ, Nga, Đài Loan, Srilanka, Lào... Riêng ở Trung tâm tim mạch có tần suất điều trị từ 15-20 bệnh nhân nước ngoài với nhiều loại bệnh trên mỗi năm. Đa số bệnh nhân ngoài khu vực Đông Dương (Lào, Campuchia) đến điều trị khi đang du lịch, công tác hay làm từ thiện mà bất ngờ bị đổ bệnh. Còn lại như nước bạn Lào hay đến với mục đích chữa bệnh

Cứu sống 1 bệnh nhân người Mỹ bị nhồi máu cơ tim
Từ trái qua: BS Tô Hưng Thụy, David Jester (Giám đốc Y khoa), Ken Lord (bệnh nhân), Steven F. Scott (điều phối viên y tá) và BS Nguyễn Cửu Lợi. David và Steven là người trong đoàn trên 20 cựu chiến binh đi làm từ thiện tại Việt Nam cùng với bệnh nhân Ken Lord

PGS.TS.Nguyễn Cửu Lợi, Trưởng Khoa Cấp cứu Tim mạch, PGĐ Trung tâm Tim mạch Huế cho biết, để người nước ngoài chấp nhận điều trị tại Việt Nam và cụ thể là ở Huế thì rất khó khăn. Do đó phải cần có 2 yếu tố để họ có thể điều trị tại Bệnh viện: Thứ nhất là khả năng chuyên môn của bác sĩ phải cao. Thứ hai là khả năng tiếp cận với bệnh nhân: giải thích rõ ràng với bệnh nhân và hệ thống bảo hiểm nước bạn để họ an tâm điều trị tại cơ sở y tế của Việt Nam.

BS. Lợi nói thêm : Người bệnh, thường họ chỉ tin tưởng điều trị sau khi đã xem qua thông tin nơi mình vào điều trị có tốt hay không? (máy móc phải nhập từ Âu, Mỹ; thông tin trên mạng và qua các tờ báo có uy tín...) và phải được giải thích rõ ràng về bệnh tật, nguy cơ và lợi ích của điều trị. Điều này đòi hỏi BS không chỉ có chuyên môn cao mà còn có trình độ ngoại ngữ và khả năng thuyết phục. Sau khi lắng nghe, họ thường liên lạc qua nước họ để trao đổi với bác sĩ chuyên khoa và bảo hiểm. Cần phải nói là hệ thống bảo hiểm bên nước ngoài cực kỳ khắt khe, bệnh nhân mua bảo hiểm tính mạng nên nếu có chuyện gì thì phải trả tiền rất đắt. Vì vậy mà bảo hiểm phải làm việc rất kỹ với người bệnh và bác sĩ chuyên điều trị bệnh tại nước của họ để quyết định xem có cho người bệnh đó lên bàn mổ tại Việt Nam hay không.

“Tuy nhiên, chúng tôi qua điều trị thành công cho 12 bệnh nhân nước ngoài trong tình trạng cấp cứu nên đã khá quen với quy trình này. Riêng về trình độ của bác sĩ trong trung tâm thì có thể đảm trách được nhiều ca với mức độ khó hơn như đã làm vừa qua”, BS Lợi nói.

Đại Dương