"Cuộc chiến" thầm lặng của bác sĩ gây mê sau cánh cửa phòng Săn sóc đặc biệt

Trường Thịnh

(Dân trí) - Ít ai biết rằng phía sau các cánh cửa nặng nề của phòng Săn sóc đặc biệt và phòng mổ là những "cuộc chiến" sinh tử cam go mà ở đó, các bác sĩ gây mê hồi sức là người canh giữ ranh giới giữa tỉnh và mê.

Phòng Săn sóc đặc biệt (ICU) tọa lạc trên tầng 2 của Bệnh viện FV. Nơi đây có những dãy màn hình theo dõi bệnh nhân đang nằm hồi sức và những âm thanh "tít tít" từ các thiết bị theo dõi chỉ số sinh tồn đều đặn vang lên cùng sự khẩn trương của các bác sĩ và điều dưỡng trong công việc hồi sức tích cực hằng ngày của mình.

Cuộc chiến thầm lặng của bác sĩ gây mê sau cánh cửa phòng Săn sóc đặc biệt - 1

Thăm khám bệnh nhân trong phòng cách ly tại ICU (Ảnh: FV).

Công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ kéo dài

Bác sĩ Lý Quốc Thịnh - Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Săn Sóc Đặc Biệt và Điều trị Đau Bệnh viện FV - thừa nhận, các bác sĩ gây mê hồi sức (GMHS) thường chịu áp lực tinh thần lớn do bệnh nhân nằm tại ICU là những ca nặng đang đối mặt với sinh tử hoặc cần hồi sức tích cực sau phẫu thuật, phải theo dõi chỉ số sinh tồn liên tục 24/7.

"Những âm thanh từ các thiết bị theo dõi chỉ số sinh tồn dù là nỗi ám ảnh, nhưng chúng thực sự cần thiết vì là tín hiệu quan trọng giúp bác sĩ GMHS nhận biết sự thay đổi trong cơ thể bệnh nhân và luôn sẵn sàng hành động khi có chuyển biến về âm sắc", bác sĩ Thịnh cho biết.

Cuộc chiến thầm lặng của bác sĩ gây mê sau cánh cửa phòng Săn sóc đặc biệt - 2
Đội ngũ y bác sĩ Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện FV họp giao ban mỗi sáng cùng nắm tình trạng bệnh nhân tại ICU (Ảnh: FV).

Tại Bệnh viện FV, các bác sĩ GMHS còn là người chịu trách nhiệm gây mê cho các bệnh nhân trong các cuộc phẫu thuật. Trước mỗi cuộc phẫu thuật, bác sĩ GMHS đều thăm khám tiền mê, đánh giá tình trạng sức khỏe bệnh nhân dựa trên các xét nghiệm tiền phẫu, hội chẩn với các chuyên khoa liên quan hoặc hội chẩn viện khi cần, nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật. Từ đó, các bác sĩ GMHS sẽ chọn phương pháp gây mê, chiến lược hồi sức phù hợp và chuẩn bị trang thiết bị cho ca mổ. Cũng trong thời gian này, bệnh nhân và người thân của họ sẽ được thảo luận về lợi ích, rủi ro của các phương pháp vô cảm, được giải đáp các thắc mắc, lo âu… để họ cùng bác sĩ quyết định phương pháp gây mê nào thích hợp cho mình.

Suốt ca mổ, bác sĩ gây mê canh gác tất cả dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân và duy trì độ sâu gây mê thích hợp, giảm đau và xử lý các rối loạn huyết động, hô hấp… có thể xảy ra trong suốt ca phẫu thuật. Bác sĩ gây mê chính là "nhạc trưởng" phối hợp thuốc mê với hàng loạt thuốc khác như: Thuốc giãn cơ, vận mạch, co mạch, giãn mạch, tăng co bóp cơ tim… để bệnh nhân có cuộc mổ êm dịu nhất.

Công việc này đòi hỏi sự tập trung và khả năng phán đoán cao, bởi nếu gây mê quá nông (thuốc mê sử dụng chưa đủ độ mê) bệnh nhân có thể thức tỉnh trong lúc phẫu thuật, hoặc ngược lại nếu dùng thuốc quá nhiều (mê quá sâu) sẽ ảnh hưởng đến huyết động, biến cố trên tim mạch, thần kinh… nên cần phán đoán chuẩn xác các nguyên nhân dẫn đến biến cố để có hướng xử lý chính xác và kịp thời. Trong những trường hợp như vậy, các bác sĩ phẫu thuật đôi khi buộc phải dừng cuộc mổ, nhường "cuộc chiến" cứu người lại cho bác sĩ GMHS.

"Cuộc chiến" của các bác sĩ GMHS không dừng lại bên trong cánh cửa phòng mổ mà còn nối dài sang giai đoạn hậu phẫu. Làm sao cho người bệnh thoát mê an toàn, êm dịu, không gặp biến chứng là cả một nghệ thuật. Không dừng ở đó, bác sĩ GMHS còn là người quản lý việc hồi tỉnh, phát hiện và xử trí biến chứng kịp thời (nếu có), và kiểm soát đau cho bệnh nhân trong giai đoạn hậu phẫu.

Cuộc chiến thầm lặng của bác sĩ gây mê sau cánh cửa phòng Săn sóc đặc biệt - 3
Bác sĩ Thịnh chuẩn bị gây mê cho bệnh nhân trước phẫu thuật (Ảnh: FV).

Nhạy bén trước những tình huống khẩn cấp

Theo bác sĩ Thịnh, một thách thức lớn nữa của một bác sĩ GMHS là phải gây mê phẫu thuật cho những tình huống cấp cứu khẩn. Trong những tình huống đó, dù bác sĩ không biết rõ tiền sử bệnh lý của người bệnh, nhưng buộc phải phán đoán nhanh, xử lý kịp thời và quyết đoán đảm bảo giờ "vàng" cứu sống người bệnh.

Cuộc chiến thầm lặng của bác sĩ gây mê sau cánh cửa phòng Săn sóc đặc biệt - 4
Một điều dưỡng túc trực bên bệnh nhân phòng ICU, Bệnh viện FV (Ảnh: FV).

Chẳng hạn vào tháng 3/2022, Bệnh viện FV tiếp nhận một nữ bệnh nhân (sinh năm 1956) hôn mê sâu do đột quỵ não, chỉ số Glasgow chỉ có 3 điểm - mức thấp nhất trong thang điểm đánh giá hôn mê. Bác sĩ chẩn đoán bà bị vỡ phình mạch ở đoạn cuối động mạch cảnh và tràn khí màng phổi 2 bên do bệnh nhân được hồi sức tim phổi trong lúc chuyển đến bệnh viện gây gãy xương sườn, nguy cơ tử vong rất cao.

Cuộc chiến thầm lặng của bác sĩ gây mê sau cánh cửa phòng Săn sóc đặc biệt - 5
Bác sĩ Thịnh khám theo dõi hậu phẫu cho một bệnh nhân tại ICU (Ảnh: FV).

Bác sĩ GMHS nhanh chóng thực hiện hồi sức cấp cứu, các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết và hội chẩn, chuyển mổ lấy máu tụ, dẫn lưu não thất ngay lập tức. May mắn, bệnh nhân thoát cửa tử và được điều trị tiếp tục tại ICU. Trải qua hơn 2 tháng điều trị và hồi phục, hiện bà đã được xuất viện, có thể ngồi và nhận biết mọi người xung quanh, các cơ quan đang dần hồi phục chức năng.

Cuộc chiến thầm lặng của bác sĩ gây mê sau cánh cửa phòng Săn sóc đặc biệt - 6
Bác sĩ Lý Quốc Thịnh - Trưởng khoa GMHS, Bệnh viện FV (Ảnh: FV).

"Đó là hạnh phúc rất lớn đối với chúng tôi. Khi quyết định không buông tay, lúc đó chúng tôi chỉ hy vọng là giữ được mạng sống cho người bệnh", vị Trưởng khoa GMHS xúc động bày tỏ.

Yến Lê

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm