Cứu bệnh nhân người Úc bằng kỹ thuật đặt máy tái đồng bộ nhịp tim

Trường Thịnh Yến Lê

(Dân trí) - Bác sĩ Bệnh viện FV vừa thành công trong ca đặt máy tái đồng bộ nhịp tim (CRT) trên bệnh nhân suy tim nặng với nhiều biến chứng vô cùng phức tạp.

Bệnh nhân người Úc bị tim mạch, may mắn được các bác sĩ Bệnh viện FV cứu sống bằng cách này

Tim, thận suy yếu đáng báo động và phức tạp

Ông V.D.W.G - bệnh nhân quốc tịch Úc (60 tuổi) được đưa đến Bệnh viện FV trong tình trạng khó thở, hai chân sưng phù, gan phình to. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy mức độ suy tim tăng lên mức báo động, các cơ quan được tim hỗ trợ như thận cũng đã vào giai đoạn suy yếu.

Qua nghiên cứu bệnh sử, bác sĩ Hoàng Quang Minh - Bác sĩ điều trị cấp cao, Khoa Tim Mạch Bệnh viện FV - biết được bệnh nhân bị tắc động mạch vành, động mạch cung cấp máu nuôi cơ tim, và đã được phẫu thuật bắc cầu mạch vành từ thời trẻ.

Cứu bệnh nhân người Úc bằng kỹ thuật đặt máy tái đồng bộ nhịp tim - 1

Bệnh nhân nhập viện FV trong tình trạng nguy kịch (Ảnh: FV).

Khi nhập viện FV, 2 trong 3 cầu nối của bệnh nhân đã bị tắc nghẽn. Phân suất tống máu của thất trái chỉ còn khoảng 21%, trong khi với người bình thường là lớn hơn 60%. Máu từ tim không đủ nuôi thận khiến thận bị suy, không thể thải chất độc ra ngoài. Chất độc đó quay ngược trở lại làm suy tim nặng hơn, tạo thành một vòng lẩn quẩn trong cơ thể bệnh nhân.

Các bác sĩ đã cho bệnh nhân truyền thuốc vận mạch hỗ trợ tim liên tục mỗi ngày và tiến hành lọc thận. Máu được lọc sạch, hỗ trợ ngược lại cho tim giúp bệnh nhân thoát khỏi giai đoạn cấp tính. Lúc này người bệnh được xem xét nong động mạch vành cung cấp máu nuôi cơ tim.

Cứu bệnh nhân người Úc bằng kỹ thuật đặt máy tái đồng bộ nhịp tim - 2

Bác sĩ Hoàng Quang Minh - Bác sĩ cấp cao, Chuyên khoa Tim - Bệnh viện FV (Ảnh: FV).

Tuy nhiên, bệnh nhân này còn gặp tình trạng rối loạn dẫn truyền khiến tim bên trái co bóp chậm hơn tim bên phải. Tim ngày càng suy yếu, bệnh nhân không thể ngưng truyền thuốc vận mạch hỗ trợ tim. Các bác sĩ phải sử dụng chiến lược đặt máy tái đồng bộ nhịp tim cho bệnh nhân.

"Đó là giải pháp tốt nhất ở thời điểm này, là một cơ hội để cứu lấy bệnh nhân. Nếu không thành công, bệnh nhân buộc phải cấy ghép tim mới có thể tiếp tục cuộc sống", bác sĩ Minh đánh giá.

Áp dụng kỹ thuật phức tạp nhất trong điều trị loạn nhịp

Theo đại diện Chuyên Khoa Tim Bệnh viện FV, thủ thuật đặt máy tái đồng bộ nhịp tim 3 buồng (CRT) là thách thức lớn nhất trong điều trị loạn nhịp và suy tim, đòi hỏi kỹ thuật cao và trang thiết bị hiện đại.

Cứu bệnh nhân người Úc bằng kỹ thuật đặt máy tái đồng bộ nhịp tim - 3

Cấy ghép máy tái đồng bộ nhịp tim, giải pháp mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân người Úc (Ảnh: FV).

Bác sĩ Minh cho biết, thế giới ghi nhận tỷ lệ thành công của thủ thuật này là khoảng 70%, tức cứ 10 người được gắn máy thì sẽ có 7 người thành công và 3 người không đáp ứng được do máy không hoạt động hoặc hoạt động không đồng bộ với quả tim. Các bác sĩ phải đánh giá được khả năng của bệnh nhân và tính toán tỉ mỉ để nhịp do máy tạo ra tương thích với nhịp tim thực tế của bệnh nhân, tránh tình trạng loạn nhịp và làm suy tim nặng hơn.

Bác sĩ điều trị cũng phải đánh giá mức độ suy tim của bệnh nhân có thể đáp ứng được ca phẫu thuật kéo dài 2 - 4 tiếng hay không.

Cứu bệnh nhân người Úc bằng kỹ thuật đặt máy tái đồng bộ nhịp tim - 4

Các cuộc hội chẩn diễn ra liên tục để tìm ra hướng điều trị hiệu quả và an toàn nhất cho bệnh nhân (Ảnh: FV).

Riêng với trường hợp này, bệnh nhân đã bị hẹp động mạch vành từ rất lâu. Các bác sĩ phải lường trước được mạch máu chuẩn bị tiến hành thủ thuật có bị hẹp hay không, nếu hẹp thì phải có chiến lược thay thế. Vì nếu chỉ chuẩn bị phương án cho một mạch máu, khi gặp chỗ hẹp, cuộc phẫu thuật phải dừng lại.

Ngoài ra, 2/3 cầu nối mạch vành của bệnh nhân đã tắc, bệnh nhân có thể lên cơn phù phổi cấp trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ buộc phải ngừng phẫu thuật để cấp cứu cho bệnh nhân. Lúc này, người bệnh có nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ.

Cứu bệnh nhân người Úc bằng kỹ thuật đặt máy tái đồng bộ nhịp tim - 5

Các bác sĩ đối mặt với áp lực lớn khi giải pháp đặt máy đồng bộ nhịp tim là giải pháp cuối cùng dành cho bệnh nhân (Ảnh: FV).

Sau khi đánh giá và lên chiến lược chi tiết cho mỗi rủi ro có thể gặp phải, bệnh nhân được phẫu thuật tại phòng Can thiệp tim mạch (Cathlab) được đầu tư hàng triệu USD tại FV. Đây là phòng lab được trang bị các máy móc hiện đại, tối tân trên thế giới, giúp quá trình được diễn ra chính xác, nhanh chóng và được kiểm soát an toàn nhiễm khuẩn cao. Với sự hỗ trợ của thiết bị y tế tân tiến cùng đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao trong điều trị loạn nhịp và hồi sức, ca mổ đã thành công sau 2 giờ.

Cứu bệnh nhân người Úc bằng kỹ thuật đặt máy tái đồng bộ nhịp tim - 6

Bệnh nhân V.D cùng bác sĩ Minh sau khi hồi phục tại bệnh viện FV.

Sau ca mổ, các chỉ số cho thấy máy đã đồng nhịp được với tim bệnh nhân và tạo được sự dẫn truyền đồng bộ trong các buồng tim. Ngay ngày hôm sau, người bệnh có thể ngưng thuốc vận mạch trợ tim, giảm triệu chứng khó thở, giảm phù chân. Từ chỗ gần như không thể vận động, bệnh nhân đã có thể sinh hoạt tại giường, di chuyển quanh phòng bệnh.

Cứu bệnh nhân người Úc bằng kỹ thuật đặt máy tái đồng bộ nhịp tim - 7

Phòng Cathlab chất lượng chuẩn quốc tế với hệ thống máy Philips DSA FD20 thế hệ mới (Ảnh: FV).

Theo bác sĩ Minh, việc đặt máy tái đồng bộ nhịp tim là một kỹ thuật khó nhưng được thực hiện khá thường xuyên tại Bệnh viện FV. Thành công của những ca mổ này, theo ông, ngoài tay nghề của bác sĩ trực tiếp thực hiện thủ thuật còn có sự góp sức rất lớn từ máy móc hiện đại, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn đạt chuẩn chất lượng y tế quốc tế JCI và đội ngũ chăm sóc bệnh nhân trước - trong - sau phẫu thuật. Trong đó, đội ngũ hồi sức tích cực và hồi sức tim mạch đã giúp bệnh nhân chuẩn bị tốt nhất để trải qua ca phẫu thuật kéo dài 2 - 4 giờ và góp phần quan trọng vào tiến trình phục hồi của bệnh nhân sau đó.

Từ ngày 1/11/2021, Bệnh viện FV chính thức kết hợp cùng Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng phạm vi áp dụng khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế nhà nước (BHYT NN) cho các dịch vụ điều trị kỹ thuật cao tại Trung Tâm Can Thiệp Tim - Mạch (Cardiac Cathlab) FV như: Chụp, nong và đặt stent động mạch vành, động mạch mạc treo, động mạch thận; chụp mạch số hóa xóa nền (DSA); thăm dò điện sinh lý và điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần thông thường; đặt máy, thay máy và cập nhật máy tạo nhịp vĩnh viễn, máy phá rung (ICD) và máy tái đồng bộ cơ tim (CRT); các thủ thuật khác theo danh mục kỹ thuật được phê duyệt bởi BHXH.

Với việc hợp tác này, bệnh nhân có thể được Bảo hiểm xã hội chi trả lên đến 45% các chi phí điều trị tại bệnh viện FV theo quy định của BHXH, trong đó bao gồm các chi phí phẫu thuật và vật tư cấy ghép, thiết bị y tế và vât tư tiêu hao.

Đồng thời, bệnh nhân có thể áp dụng song song các loại hình bảo hiểm sức khỏe bao gồm BHYT NN, BHYT tư nhân hay BHYT quốc tế.

Khi đến điều trị tại bệnh viện FV, Bệnh nhân cần cung cấp thẻ BHYT NN còn hiệu lực sử dụng, CMND/ CCCD và Giấy Chuyển Tuyến phù hợp tại quầy thư ký y khoa và sẽ được hướng dẫn cụ thể.

Liên hệ hotline Bệnh viện FV (028) 54 11 33 33 để được tư vấn thăm khám và điều trị các bệnh tim mạch.

Đang được quan tâm