Cuộc chiến của lực lượng điều dưỡng trên mặt trận chống dịch ác liệt nhất
(Dân trí) - Là nơi tiếp nhận chăm sóc, điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch, khoa Hồi sức tích cực chính là “mặt trận” ác liệt nhất trong cuộc chiến chống giặc Covid-19 lần này.
Là nơi tiếp nhận chăm sóc, điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch, khoa Hồi sức tích cực chính là “mặt trận” ác liệt nhất trong cuộc chiến chống giặc Covid-19 lần này. Nhiệm vụ của lực lượng điều dưỡng tại đây cũng vì thế mà có những nét đặc thù riêng!
“Tuy rằng số lượng bệnh nhân nặng không nhiều nhưng sự đầu tư vào đây là rất nhiều, đầu tư về tất cả các nguồn lực, từ trang thiết bị máy móc, phương tiện phòng hộ, vật tư tiêu hao, vật tư phục vụ các kỹ thuật cao cho đến đầu tư về nguồn nhân lực”, đó là những chia sẻ của điều dưỡng Nguyễn thị Thường, Điều dưỡng trưởng, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Khoa Hồi sức tích cực có tổng cộng 22 điều dưỡng được chia ra làm 2 ca và 3 kíp. Mỗi ca làm việc kéo dài 12 tiếng, cũng đồng nghĩa với việc trong suốt nửa ngày trời, các “chiến binh” này phải luôn đứng túc trực bên cạnh bệnh nhân để thực hiện nhiệm vụ.
Tại nơi ranh giới sinh-tử chỉ cách nhau vài phút đồng hồ
Các bệnh nhân nặng không chỉ đòi hỏi một sự chăm sóc đặc biệt, mà công tác theo dõi diễn biến sức khỏe cũng là một nhiệm vụ cực kì quan trọng, bởi ranh giới giữa sự sống và cái chết tại đây đôi khi chỉ cách nhau vài phút.
Trường hợp của BN19 là một ví dụ. Sau khi được cai ECMO, BN19 đã có sự hồi phục rất tốt. Ấy vậy mà gần 1 giờ sáng 8/4, bệnh nhân 64 tuổi có bệnh nền rối loạn tiền đình này lại đột ngột ngừng tuần hoàn, buộc các bác sĩ phải thực hiện ép tim với thời gian dài kỷ lục: 45 phút.
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực nhận định, nếu việc cấp cứu ngừng tim được thực hiện chậm đi một chút, bệnh nhân đã có thể tử vong hoặc nếu có vượt qua thì cũng chịu những tổn thương não trầm trọng và khả năng cao là sẽ phải sống đời sống thực vật.
Việc phát hiện kịp thời diễn biến biến rối loạn nhịp tim của BN19 không phải là sự tình cờ, mà là nhờ vào công tác theo dõi chặt chẽ của lực lượng điều dưỡng, được chia làm 2 lớp: Các điều dưỡng trực tiếp ở trong phòng bệnh và lực lượng giám sát từ xa thông qua màn hình hiển thị các chỉ số sinh tồn.
“Chúng tôi có nhiệm vụ phải theo dõi sát các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân như: chỉ số huyết áp, oxy hóa máu, cân bằng nội mô, điện giải. Mọi diễn biến bất thường đều được báo cáo ngay cho bác sĩ, để có biện pháp can thiệp kịp thời” – Điều dưỡng Thường phân tích.
Song song với việc thông tin đến bác sĩ, lực lượng điều dưỡng cũng chính là những người phải thực hiện xử lý bước đầu để giảm nhẹ các diễn biến xấu của bệnh nhân. Lấy ví dụ trong trường hợp bệnh nhân bị suy hô hấp, các điều dưỡng phải nhanh chóng hút đờm, nâng người bệnh lên cao cho dễ thở, đồng thời điều chỉnh để nâng oxy của máy thở lên.
Nếu những ca bệnh nguy kịch như trường hợp của BN19 đặt các y, bác sĩ vào những cuộc chiến nghẹt thở để giành lại sự sống cho bệnh nhân từ cửa tử, thì các bệnh nhân người nước ngoài lại là bài toán hóc búa về cách phân phối nguồn nhân lực, nhất là khi chống dịch Covid-19 là một cuộc chiến đường dài.
Nữ điều dưỡng chia sẻ: “Ở thời điểm đông bệnh nhân nhất, trong mỗi ca trực, 4 điều dưỡng phải chăm sóc đến 5 bệnh nhân, trong đó, có các bệnh nhân ngoại quốc với cân nặng hơn 90 kg. Làm thế nào đến 2 cô điều dưỡng chỉ 41-45 kg có thể nâng được bệnh nhân lên, tắm cho bệnh nhân? Đó chính thử thách mà chúng tôi đã vượt qua bằng chính những giải pháp xuất phát từ kinh nghiệm và thực tế lúc bấy giờ”.
Giai đoạn khó khăn nhất không phải là giai đoạn đông bệnh nhân nhất
“Giai đoạn khó khăn nhất không phải là giai đoạn đông bệnh nhân nhất”, đó là chia sẻ đầy bất ngờ của Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực, về cuộc chiến chống dịch Covid-19, mà chị cùng đồng nghiệp đã và đang trải qua.
Theo phân tích của chị, vào thời điểm dịch vừa bắt đầu hoành hành, Covid-19 vẫn còn rất mẻ với ngành y tế Việt Nam cũng như thế giới, điều duy nhất chúng ta đều biết rõ là khả năng lây lan đáng sợ của virus SARS-CoV-2. Thực trạng này khiến việc đảm bảo an toàn cho các nhân viên y tế trước một dịch bệnh mới mẻ, với những cơ chế phát tán mầm bệnh vẫn chưa được giải mã hoàn toàn, trở thành một bài toán hóc búa.
Hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh, dù được trang bị phương tiện phòng hộ cá nhân nhưng các nhân viên y tế vẫn chấp nhận đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm, bởi không một “lá chắn” nào có thể mang lại sự bảo vệ tuyệt đối.
Nguy cơ lây nhiễm càng tăng cao đối với lực lượng chăm sóc và điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng, bởi những trường hợp này thường đòi hỏi phải can thiệp ECMO, lọc máu, đặt ống thở, mở khí quản. Trong khi đó, quá trình thực hiện các kỹ thuật này lại làm phát sinh khí dung, vốn là một con đường lây lan của virus SARS-CoV-2.
“Thời kì 2 tuần đầu tiếp nhận bệnh nhân, từ lãnh đạo đến nhân viên của Bệnh viện đều rất căng thẳng. Vấn đề được đặt ra lúc bấy giờ là làm sao để nhân viên y tế không bị phơi nhiễm?; trong trường hợp các nhân viên y tế bị lây nhiễm chéo thì phải làm thế nào?; bù đắp nguồn lực thiếu hụt ra làm sao?” – Điều dưỡng Thường nhớ lại.
Sự căng thẳng được đẩy lên cao trào khi thế giới ngày càng ghi nhận nhiều trường hợp, chính lực lượng chống dịch lại trở thành nạn nhân của Covid-19, thậm chí, có những y, bác sĩ đã tử vong vì căn bệnh này.
“Cách chúng tôi đối mặt với mối nguy hiểm luôn rình rập này chính là sử dụng đến những thứ “vũ khí” tốt nhất mà mình có. Trước hết, mỗi nhân viên y tế phải nắm thật chắc nguyên tắc đảm bảo an toàn trong các thao tác dù là nhỏ nhất. Lực lượng chống dịch cũng được bố trí thành nhiều lớp để thay thế cho nhau, trong trường hợp xảy ra lây nhiễm chéo. Và điều quan trọng nhất chính là một tinh thần thép trước giặc Covid-19” – Nữ điều dưỡng nhấn mạnh.
Những cảm xúc rất riêng của các chiến binh áo trắng
Nhiều tháng trời trực chiến tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để chống dịch, cuộc sống của những chiến binh áo trắng dường như chỉ xoay quanh các bệnh nhân mà mình đang chăm sóc, điều trị.
Nữ điều dưỡng bộc bạch: “Tâm trạng, cảm xúc của chúng tôi dường như gắn liền với tình hình sức khỏe của các bệnh nhân. Thời điểm bệnh nhân diễn tiến xấu chúng tôi lo lắng, căng thẳng bao nhiêu, thì khi chính những trường hợp từng cận kề cửa tử này hồi phục, ra viện, chúng tôi lại vỡ òa trong niềm hạnh phúc bấy nhiêu”.
Niềm vui của các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch không chỉ đến từ tín hiệu tích cực về tình hình sức khỏe của các bệnh nhân, mà còn đến từ những tình cảm đặc biệt do chính người bệnh gửi trao.
Chị kể: “Tôi còn nhớ như in thời điểm BN19 đang dần hồi phục. Dù lúc đó, bà còn yếu không thể nói được, nhưng bà lại có thể viết. “Cô bé…đâu rồi?”; “Cảm ơn các y, bác sĩ rất nhiều”; “Tôi sẽ không quên ơn các bạn”…, những thông điệp mộc mạc, thân thương mà bà nhắn gửi thực sự đã mang đến cho chúng tôi một nguồn cổ vũ tinh thần rất to lớn”.
Minh Nhật-Toàn Vũ