Cuộc chiến bất tận với các hãng dược phẩm

Con người ngày càng cảnh giác với trò kinh doanh bệnh tật của các tập đoàn dược phẩm, nhưng mọi chuyện khó lòng ngã ngũ khi đồng tiền của các hãng dược quá lớn và những người liên quan còn mờ mắt bởi tiền bạc.

Nói không với sự tiếp tay cho hãng dược


  

Nói không với sự tiếp tay cho hãng dược

 

Năm 2000, Bob Goodman, một bác sĩ nội trú ở New York (Mỹ) đã lập ra tổ chức No Free Lunch (Không ăn trưa miễn phí) để đối đầu với chiêu trò của các công ty dược phẩm trong việc liên minh cùng bác sĩ kê toa móc túi bệnh nhân. Hiện ước tính tổ chức này có 500 thành viên, và họ bỏ công đi nhiều cơ sở y tế vận động các bác sĩ cam kết không chấp nhận quà tặng, tiền bạc hay những lợi ích khác của hãng dược; không sử dụng những nguồn thông tin sai lệch và không dựa vào thông tin do các hãng dược cung cấp; không để xảy ra xung đột lợi ích khi khám bệnh, giảng dạy và nghiên cứu. No Free Lunch cũng kêu gọi các bác sĩ không nhận thuốc mẫu (drug sample) mà công ty dược cung cấp vì họ tin rằng chính thuốc mẫu sẽ tạo ra thói quen cho bác sĩ sử dụng các thuốc này hơn là những loại thuốc khác cho dù chúng có cùng công thức, hiệu quả và thậm chí có giá thấp hơn.

 

Nghiên cứu cho thấy 30% bệnh nhân cho biết họ đã hỏi bác sĩ về một loại thuốc quảng cáo và 44% trong số bệnh nhân này cho biết sau khi hỏi, bác sĩ đã kê cho họ những thuốc mà họ quan tâm!

Hoạt động của No Free Lunch đã tạo cảm hứng cho những điều tốt đẹp khác: ở Úc ra đời tổ chức Healthy Skepticism (tạm dịch Chủ nghĩa hoài nghi khoẻ mạnh) với mục đích hạn chế những nguy hại do thông tin sức khoẻ sai lệch, còn ở Mỹ hiệp hội Sinh viên y khoa (AMSA) phát động chiến dịch “Đúng lúc nói không với trình dược viên”. Nhiều thành viên của AMSA cũng đề nghị xem lại lời thề Hippocrate, đưa vào một lời thề mới cho bác sĩ thời nay là: “Tôi sẽ đưa ra những quyết định y khoa… không bị ảnh hưởng bởi những chiến dịch quảng cáo. Tôi sẽ không chấp nhận tiền bạc, quà tặng hay sự chiêu đãi thân mật mà điều này tạo ra xung đột lợi ích cho việc học tập, thực hành, giảng dạy hay nghiên cứu của tôi”.

 

Cảnh giác với tập đoàn dược phẩm cũng là chiến dịch được các hội nghề nghiệp hay tổ chức giáo dục đặt ra. Trong hướng dẫn mới của hiệp hội Các trường y khoa Hoa Kỳ gửi cho hơn 100 trường khắp quốc gia, người ta đã đưa vào một câu: “Một cá nhân đang nắm giữ một lợi ích tài chính đáng kể trong nghiên cứu liên quan đến con người thì không nên tiến hành nghiên cứu đó”.

 

Bác sĩ Bob Goodman, người sáng lập tổ chức No Free Lunch.

 

Con rắn và cây gậy

 

Tuy nhiên, bất chấp những phản đối gay gắt dành cho trò bắt tay giữa hãng dược và bác sĩ, và đòi hỏi sự tách biệt rõ ràng giữa hai thế giới, liên minh này vẫn tồn tại vì nhiều lý do. Trước tiên, công bằng mà nói, nhờ sự giúp đỡ của các công ty dược mà bác sĩ có cơ hội tham dự những cuộc hội thảo khoa học, cập nhật kiến thức chuyên môn để phát triển nghề nghiệp. Cần biết là chi phí để tham dự những hoạt động nâng cao nghề nghiệp này không nhỏ. Theo ước tính của nhà khoa học Anh Emma D’Arcy, chi phí mà nền công nghiệp dược bỏ ra cho bác sĩ học tập liên tục là rất lớn: chiếm 35% số tiền 9 - 14 tỉ đôla Mỹ hàng năm mà nền công nghiệp này bỏ ra để hỗ trợ giáo dục. Nếu không còn sự tài trợ này, người bác sĩ ngày mai sẽ chữa trị bệnh nhân bằng kiến thức y học của… ngày hôm qua. Emma nói: “Sự sáng tạo y học có thể bị cản trở nếu chúng ta giới hạn quá nhiều những tác động qua lại. Các nhà nghiên cứu và người hành nghề y có thể bị xúc phạm nếu những hạn chế như thế làm giới hạn khát vọng nghề nghiệp của họ”.

 

Với những lý do trên, có thể thấy cuộc chiến giành lại quyền lợi của bệnh nhân (được bác sĩ kê toa đúng bệnh, đúng thuốc, sử dụng thuốc giá hợp lý) trong trò kinh doanh bệnh tật của các tập đoàn dược phẩm không hề đơn giản. Không đơn giản vì lý do chính, đó là không ít bác sĩ và nhà nghiên cứu y học chấp nhận khăng khít với các hãng dược không khác gì con rắn quấn quít quanh cây gậy, biểu tượng của… y học phương Tây!
 

Hãy là bệnh nhân thông thái

 

Để tránh không bị các hãng dược dùng chiêu trò buôn bán bệnh tật móc túi, nhiều chuyên gia y học đã khuyên bệnh nhân tăng cường kiến thức y học và mạnh dạn trao đổi với bác sĩ những vấn đề về thuốc men khi khám bệnh. Ngoài ra, cũng nên trao đổi với nhiều bác sĩ để có cái nhìn đa chiều về loại thuốc sử dụng. Khi nghe nói về bất kỳ nghiên cứu y học nào liên quan đến vấn đề sức khoẻ của mình, bệnh nhân nên đặt ra những câu hỏi như: Ai tài trợ nghiên cứu đó? Có xung đột lợi ích nào giữa người nghiên cứu và phía tài trợ? Nghiên cứu đã được thông qua chưa và có phải do một tổ chức uy tín xem xét?

 

Một lý do khác là bệnh nhân (người tiêu dùng) đang bị bủa vây bởi vô số quảng cáo về thuốc men và khó lòng thoát khỏi những cuộc dội bom thông tin này. Theo một nghiên cứu của Kaiser Family Foundation công bố tại Mỹ vào năm 2003 (“Tác động của quảng cáo trực tiếp đến người tiêu dùng trên chi tiêu thuốc kê toa”) nước này đã chi 140,6 tỉ đôla cho việc dùng thuốc kê toa vào năm 2001, nhiều hơn gấp ba lần so với năm 1990. Từ năm 2000 - 2001, chi tiêu cho việc này tăng 16%, trong khi chi tiêu cho các dịch vụ lâm sàng và bác sĩ tăng 9% còn chi tiêu cho điều trị ở bệnh viện tăng 8%. Sự chi tiêu nhiều cho thuốc kê toa được giải thích bằng nhiều lý do: bác sĩ kê toa cho bệnh nhân nhiều thuốc hơn, giá thuốc tăng và thuốc mới mắc tiền đang thay thế các thuốc giá rẻ. Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất khiến chi tiêu thuốc men tăng lên là bệnh nhân bị tác động bởi chính các quảng cáo của hãng dược. Nghiên cứu cho thấy 30% bệnh nhân cho biết họ đã hỏi bác sĩ về một loại thuốc quảng cáo và 44% trong số bệnh nhân này cho biết sau khi hỏi, bác sĩ đã kê cho họ những thuốc mà họ quan tâm!

 

Theo Phan Sơn

Sài Gòn tiếp thị