1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cúm làm tăng nguy cơ đau tim đến 6 lần

Trường Thịnh

(Dân trí) - Những người bị cúm có nguy cơ lên cơn đau tim cao gấp 6 lần trong vòng 7 ngày, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Cả nước đang bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết lạnh, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho virus cúm lây lan và gây bệnh, cần chủ động phòng ngừa.

Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm với các triệu chứng sốt đột ngột, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau cơ và khớp, mệt mỏi, đau họng và chảy nước mũi. Tình trạng ho có thể nặng và kéo dài từ hai tuần trở lên.

Hầu hết người bệnh sẽ phục hồi, hết sốt và các triệu chứng khác trong vòng một tuần mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, cúm mùa có thể gây ra bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt trong số các nhóm đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và những người đang mắc các bệnh lý nền khác, đặc biệt là tim mạch. 

Tại Đại hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu diễn ra vào tháng 3 ở Copenhagen (Đan Mạch), các nhà nghiên cứu từ Hà Lan đã công bố nghiên cứu những người bị cúm có nguy cơ bị đau tim gấp 6 lần sau một tuần kể từ khi có xét nghiệm khẳng định mắc cúm.

Nghiên cứu được tiến hành trên hơn 26.000 trường hợp mắc cúm từ năm 2008 đến 2019. Trong số này, có 401 người bị ít nhất một cơn đau tim trong vòng một năm sau khi chẩn đoán cúm và có tất cả 419 cơn đau tim. 

Trong số 419 cơn đau tim, có 25 ca xảy ra trong 7 ngày đầu tiên sau khi chẩn đoán cúm, 217 ca vào năm trước và 177 ca vào năm sau, không tính một tuần sau khi xét nghiệm dương tính. Nhóm nghiên cứu đã tính toán rằng mọi người có nguy cơ bị đau tim cao hơn 6,16 lần trong tuần đầu tiên sau khi chẩn đoán cúm. 

Cúm làm tăng nguy cơ đau tim đến 6 lần - 1
Người mắc cúm có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp 6 lần (Ảnh: Stamfordhealth).

Các nhà nghiên cứu phân tích, virus cúm tấn công vào cơ thể làm kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể để tiêu diệt virus đồng thời làm vỡ mảng bám động mạch, hình thành cục máu đông dẫn đến nhồi máu cơ tim. 

Bên cạnh đó, các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng cúm mùa có thể là tác nhân thúc đẩy, châm ngòi cho các đợt nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ở những bệnh nhân đã có tình trạng xơ vữa động mạch trước đó.

PGS.TS.BS. Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho hay, ở những người bị bệnh mạch vành, mảng xơ vữa sẽ tích tụ trong động mạch. Virus cúm tấn công dễ khiến mảng xơ vữa bị vỡ, dẫn đến nhồi máu cơ tim (nếu mạch máu nuôi tim bị tắc) hoặc đột quỵ não (nếu tắc nghẽn dòng máu lên não). Không chỉ vậy, virus cúm còn có thể gây ra viêm phổi và suy hô hấp, cả hai đều tác động đến nhịp tim gây loạn nhịp, hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng suy tim.

Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, Tổ chức y tế thế giới (WHO), có từ 290.000 đến 650.000 ca tử vong hàng năm liên quan đến cúm mùa.

Thống kê từ CDC cho thấy, trong những mùa cúm gần đây, 9/10 người trưởng thành nhập viện do nhiễm cúm đều có ít nhất trong người một bệnh lý nền. Và trong số đó, có đến phân nửa là những người mắc các bệnh lý về tim mạch.

Ngoài ra, một nghiên cứu khác được thực hiện năm 2020 cũng chỉ ra rằng trong hơn 80.000 người trưởng thành nhập viện vì bệnh cúm tại Hoa Kỳ (trong 8 mùa cúm từ 2010 - 2018) thì cứ 8 bệnh nhân nhập viện lại có 1 người có các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến tim (chiếm khoảng 12% người bệnh). Cúm là tác nhân quan trọng gây ra hội chứng mạch vành cấp tính, và có thể gây ra tới 90.000 ca tử vong mỗi năm.

Riêng tại Việt Nam, công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới The Lancet năm 2022 cho thấy tỷ lệ ca mắc bệnh cúm tại Việt Nam là hơn 3.700/100.000 dân, cao gấp 5 lần trung bình thế giới. Cúm mùa có thể gây ra những biến chứng tim mạch nghiêm trọng.  

Các chuyên gia khuyến cáo, ngoài theo dõi các dấu hiệu bệnh tim kịp thời, tiêm phòng cúm mỗi năm cho người có bệnh lý tim mạch và các thành viên trong gia đình là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa bệnh. 

Cúm làm tăng nguy cơ đau tim đến 6 lần - 2
Tiêm phòng cúm là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch (Ảnh: Hồng Lê).

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, WHO và Bộ Y tế khuyến cáo nên ưu tiên tiêm phòng hằng năm đối với nhóm đối tượng có bệnh lý nền mãn tính như tim mạch. 

Tiêm phòng cúm đặc biệt quan trọng với những người có bệnh lý tim mạch hoặc những người đã từng bị đột quỵ. Nghiên cứu cho thấy tiêm ngừa cúm có liên quan đến việc giảm đáng kể các biến cố tim mạch từ 20% đến 70% và giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim 15%-45%. 

Hiện nay, hệ thống tiêm chủng VNVC đang có các vaccine cúm tứ giá (phòng 4 chủng virus cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Victoria, B/Yamagata) tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Trong đó, vaccine tiểu đơn vị chỉ chứa kháng nguyên bề mặt virus với tính sinh miễn dịch tốt và ít gây phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau tại nơi tiêm…, an toàn cho người có bệnh lý nền, thai phụ và trẻ em.

Đại diện VNVC khẳng định, toàn bộ vaccine được bảo quản trong hệ thống kho lạnh và dây chuyền lạnh đạt chuẩn quốc tế GSP, đảm bảo chất lượng và tính sinh miễn dịch hiệu quả cùng quy trình thực hành tiêm chủng an toàn nghiêm ngặt.