Cúm A và Covid-19 cùng lúc leo thang: Phân biệt như thế nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Dịch cúm A bùng phát bất thường tại Hà Nội giữa lúc Covid-19 đang có dấu hiệu leo thang, khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ dịch chồng dịch.

Covid-19 và cúm A đều là bệnh do virus gây ra và có triệu chứng tương tự nhau dễ gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, có vài điểm khác biệt giữa 2 bệnh này có thể giúp chúng ta nhận diện.

Nguyên nhân và cách lây truyền

Cúm A và Covid-19 cùng lúc leo thang: Phân biệt như thế nào? - 1

Covid-19 và cúm A đều do virus đường hô hấp gây ra.

Cả 2 bệnh đều có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành khi tiếp xúc gần. Bệnh lây lan chủ yếu bởi các giọt bắn có chứa virus được tống ra ngoài khi người mắc bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Những hạt này có thể rơi vào miệng hoặc mũi người ở gần đó và được hít vào phổi.

Ngoài ra, cả 2 bệnh đều có thể lây truyền qua tiếp xúc các đồ vật, bề mặt nhiễm virus

Thời gian ủ bệnh

Cúm A và Covid-19 cùng lúc leo thang: Phân biệt như thế nào? - 2

- Cúm A: Thời gian ủ bệnh dao động từ 1 đến 4 ngày (trung bình là 2 ngày).

- Covid-19: Thường ủ bệnh lâu hơn cúm A. Các triệu chứng có thể xuất hiện sau 2 - 14 ngày, thường là khoảng 5 ngày sau khi bị phơi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Triệu chứng

- Cúm A: Bệnh cúm A đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng như: sốt, ho, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, đau họng và chảy nước mũi. Tuy nhiên không phải trường hợp nào mắc cúm đều có đầy đủ các triệu chứng của bệnh, ước tính có khoảng 75% các ca nhiễm cúm không có triệu chứng điển hình.

- Covid-19: Có 11 triệu chứng thường gặp ở người bị mắc Covid-19: Sốt, ớn lạnh, ho, thở gấp, khó thở, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, mất vị giác, viêm họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy. Trong số này, mất khứu giác/vị giác và khó thở là những triệu chứng đặc trưng có thể giúp phân biệt với cúm A.

Phần lớn các trường hợp mắc Covid-19 và cúm A thường hồi phục sau một tuần mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, với một nhóm các bệnh nhân bệnh có thể diễn tiến nặng, dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, thậm chí tử vong. Nguy cơ diễn biến nặng cao ở những người thuộc nhóm nguy cơ như: người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính (như bệnh mạn tính ở tim, phổi, thận, gan hoặc máu), phụ nữ mang thai và người có tình trạng ức chế miễn dịch (như HIV/AIDS, đang điều trị hóa chất hoặc Corticosteroid).

Vì một số triệu chứng của bệnh cúm, Covid-19 và các bệnh đường hô hấp nói chung là khá tương đồng nhau, nên rất khó phân biệt cúm A và Covid-19 nếu chỉ dựa trên các triệu chứng. Chỉ có xét nghiệm sinh học mới có giá trị chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh. Thậm chí một người có thể bị đồng nhiễm cả bệnh cúm và Covid-19 cùng một lúc, do đó có các triệu chứng của cả hai.

Phòng bệnh như thế nào?

Cúm A và Covid-19 cùng lúc leo thang: Phân biệt như thế nào? - 3

Để chủ động phòng bệnh cúm A và Covid-19, mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

- Tiêm vaccine, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.

- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm, Covid-19 hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.