Cục Y tế dự phòng bác thông tin viêm não Nhật Bản do ăn vải

(Dân trí) - Mặc dù đã có kết luận khẳng định ăn vải không gây viêm não Nhật Bản nhưng tin đồn này vẫn âm ỉ lan truyền, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến bà con trồng vải. Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã chính thức bác bỏ thông tin thất thiệt này.

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, mùa vải (tháng 6-7 hàng năm) trùng hợp vào tháng cao điểm nguy cơ dễ mắc bệnh viêm não Nhật Bản.

Tuy nhiên, viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính do vi rút gây ra, không lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc từ động vật sang người mà lây truyền thông qua muỗi đốt. Việc ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh. Do đó, việc ăn quả vải không liên quan gì đến lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản.

Ổ chứa vi rút viêm não Nhật Bản trong thiên nhiên là các loài sống hoang dã như chim, một số loài bò sát và các loài động vật có xương sống – nơi vi rút nhân lên, lưu trữ lâu dài trong tự nhiên và phát tán tới vật nuôi gần người, đặc biệt là lợn, sau đó đến trâu, bò, ngựa, dê,... và từ đó truyền sang người.

Muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu sinh sản ở ruộng lúa nước, nhất là ở ruộng mạ và phát tán rộng trên cánh đồng, nên thường gọi là muỗi đồng ruộng. Ở nước ta, loài muỗi này có nhiều ở miền Bắc, phát triển vào những tháng mùa hè, nóng lắm, mưa nhiều. Thông thường khoảng từ chập choạng tối đến đêm, muỗi từ cánh đồng bay về các chuồng gia súc để kiếm ăn, hút máu súc vật. Nếu chuồng gia súc gần nhà thì muỗi bay vào nhà hút máu người và truyền bệnh. Muỗi có thể bay xa tới 1,5km và có thể bay lên cao trên mặt đất khoảng 13 - 15m.


Chu trình lây truyền vi rút viêm não Nhật Bản

Chu trình lây truyền vi rút viêm não Nhật Bản

Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Các quốc gia lưu hành viêm não Nhật Bản cao bao gồm các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippin.

Ở Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch thường gặp ở vùng đồng bằng, trung du và cả ở một số khu vực miền núi Tây Bắc nơi trồng nhiều lúa nước có kết hợp nuôi nhiều lợn gần người. Bệnh thường xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 10, đỉnh điểm dịch khoảng tháng 6-7.

Nhân Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm