Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh nhận định nguyên nhân gây sốc chạy thận ở Hòa Bình

(Dân trí) - Sáng 8/6, tại buổi gặp chia sẻ về 10 trường hợp nạn nhân vụ tai biến hàng loạt chạy thận được ra viện, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đưa ra nhận định về nguyên nhân gây tai biến hàng loạt này.

Theo PGS Khuê, Bộ Y tế đã có quy định về việc bảo dưỡng, sửa chữa các trang thiết bị y tế. Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cũng đã có những văn bản hướng dẫn thực hiện và tại các bệnh viện đều có phòng vật tư trang thiết bị phụ trách việc này.

PGS Khuê tặng hoa các bệnh nhân vụ tai biến chạy thận được ra viện. Ảnh: H.Hải
PGS Khuê tặng hoa các bệnh nhân vụ tai biến chạy thận được ra viện. Ảnh: H.Hải

“Về nguyên tắc, trang thiết bị y tế trong bệnh viện đều được bảo dưỡng, kiểm chuẩn. Tùy theo mức độ và chủng loại thiết bị, giám đốc bệnh viện sẽ quyết định thực hiện quy trình này; có thể phối hợp với các đơn vị có chức năng thực hiện theo đúng quy định. Hiện có những bệnh viện thực hiện rất tốt nhưng có một số bệnh viện thực hiện chưa đạt yêu cầu”, PGS Khuê khẳng định.

Về vụ tai biến hàng loạt khi chạy thận tại BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình, ông Khuê cho biết ông đã tìm hiểu kỹ, nghiên cứu, đánh giá và tham khảo các nhà khoa học.

“Sau khi đã loại trừ một số nguyên nhân, tôi cũng nghĩ nhiều đến nguyên nhân hệ thống nước lọc nước tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình chưa đảm bảo. Vì thế, để phục vụ công tác điều tra, ngay sau khi xảy ra sự cố tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, tôi đã chỉ đạo tạm dừng ngay hoạt động của khoa Thận nhân tạo của bệnh viện này để phục vụ điều tra”, PGS Khuê cho biết.

Theo báo cáo của Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, việc thực hiện bảo hành, sửa chữa hệ thống lọc nước trước đây do Công ty Thiên Sơn thực hiện. Tuy nhiên từ năm 2017, Công ty này lại phối hợp với đơn vị khác thực hiện việc bảo dưỡng, sữa chữa hệ thống lọc nước.

Nói về vai trò của hệ thống nước trong quá trình chạy thận, ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình cho biết: "Hệ thống nước lọc hòa vào các hóa chất, đưa ra nồng độ để thẩm tách chất độc, chất dư thừa, thẩm tách nước ra khỏi cơ thể người bệnh. Nguồn nước ô nhiễm khả năng sẽ gây nhiễm độc cho người bệnh".

Liên quan đến tai biến y khoa khiến 18 bệnh nhân chạy thận tại Boà Bình gặp sự cố, 8 trường hợp tử vong, TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai) cho biết, mọi vấn đề chuyên môn đều có quy trình thực hiện, vấn đề là mình phải tuân thủ quy trình, hệ thống giám sát tuân thủ quy trình.

“Đây là một bài học mà những đơn vị đang vận hành, không chỉ thận nhân tạo mà các chuyên môn của ngành khác, qua sự cố này cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh để rà soát quy trình cũng như hệ thống giám sát tuân thủ quy trình. Làm sao đảm bảo làm theo các quy trình hệ số an toàn mới được nâng lên, giảm bớt nguy cơ tai biến y khoa. Tại BV Bạch Mai đã rà soát quy trình chạy thận nhân tạo, thấy rằng nếu làm theo đúng quy trình xác suất xảy ra tai biến là rất thấp”, TS Hùng nói.

Trước đó, sau khi xảy ra tai biến hàng loạt khiến 18 bệnh nhân gặp sự cố khi chạy thận, trong đó 8 bệnh nhân tử vong, BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình đã tiến hành rà soát, kiểm tra, đưa ra nhận định nghĩ nhiều đến nguyên nhân liên quan đến nguồn nước lọc.

Được biết, một ngày trước khi xảy ra vụ tai biến chạy thận này, Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn có thực hiện sửa chữa bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO phục vụ lọc máu chu kỳ tại khoa Thận nhân tạo của bệnh viện này. Việc bảo dưỡng này được thực hiện định kỳ kể từ khi Đơn nguyên Thận nhân tạo được thành lập đến nay.

Liên quan đến vụ việc, sáng nay Hội đồng chuyên môn Sở Y tế tỉnh Hoà Bình đã họp, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đến từ BV Bạch Mai. Tuy nhiên sau buổi sáng, cuộc họp vẫn chưa kết thúc và sẽ được tiếp tục vào chiều nay.

Hồng Hải