Cục trưởng Cục Chăn nuôi: "Tôi vẫn ăn thịt lợn hàng ngày"

(Dân trí) - Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định, số lợn nhiễm dịch tả châu Phi đã được tiêu hủy, không có lợn nhiễm bệnh bán trên thị trường, nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm và bản thân ông hàng ngày vẫn ăn thịt lợn.

Ăn thịt lợn là cùng cả nước chống dịch

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến về "Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn an toàn" diễn ra chiều 19/3, tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến hết ngày 18/3, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 294 xã, 62 huyện, 19 tỉnh, thành phố. Trong đó, Thừa Thiên Huế là địa phương mới nhất phát sinh dịch. Tổng số lợn bệnh, nghi bị bệnh phải tiêu hủy là hơn 34.700 con.

Về công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, ông Dương cho biết, chúng ta đã triển khai rất tích cực đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng do tính đặc thù của loại dịch bệnh này nên vẫn còn lây lan, không thể "một sớm, một chiều" khống chế ngay được.

nguyen  xuan  duong.jpg

Ông Nguyễn Xuân Dương: "Tôi vẫn ăn thịt lợn hàng ngày".

Ông Dương cho rằng, con số hơn 34.700 con lợn bị bệnh, nghi bị bệnh phải tiêu hủy nói trên là quá nhỏ so với tổng số gần 29 triệu con lợn khỏe mạnh trên cả nước.

"Toàn bộ số lợn bị bệnh, nghi bị bệnh đều được tiêu hủy. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tối đa nên người chăn nuôi có lợn bị bệnh, nghi bị bệnh đều báo ngay cho cơ quan chức năng. Do đó, sản phẩm thịt lợn đang bán trên thị trường hoàn toàn không có lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, có cơ sở khoa học chứng minh dịch bệnh này không lây lan sang người nên người tiêu dùng không nên quá hoang mang mà quay lưng lại với thịt lợn. Bản thân tôi hàng ngày vẫn ăn thịt lợn" - ông Dương khẳng định.

Cũng theo ông Dương, khi có dịch bệnh, nhà nước và người chăn nuôi phải tốn rất nhiều chi phí cho công tác chống dịch. Nếu người tiêu dùng không tìm hiểu kỹ, quá lo lắng mà quay lưng với thịt lợn thì ngành chăn nuôi càng gặp khó khăn.

Do đó, ông Dương kêu gọi người dân tiếp tục ăn thịt lợn, bởi lúc này ăn thịt lợn là cùng chung tay với nhà nước và người chăn nuôi chống dịch.

Nên ăn chín, uống sôi

phan anh tam.jpg

PGS.TS Phan Thanh Tâm chia sẻ về cách chế biến thịt lợn an toàn.

 

Còn theo PGS.TS Phan Thanh Tâm - Giảng viên chính Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, khi đi chợ người tiêu dùng nên quan sát kỹ miếng thịt lợn định mua, nếu thịt không an toàn thường có màu sẫm, cấu trúc thịt không có được độ mềm dẻo và săn chắc. Đó là sự cảm nhận về mặt cảm quan, còn điều quan trọng nhất phải có được sự kiểm soát của cơ quan thú y và đóng dấu kiểm định vào sản phẩm thịt an toàn.

Khi đã lựa chọn được miếng thịt an toàn, PGS.TS Tâm cho biết, khâu  chế biến cũng rất quan trọng. Nguyên tắc chung trên thế giới là sản phẩm thịt phải được chế biến bằng nhiệt.

"Người ta sẽ kiểm tra thịt bằng nhiệt độ tại phần sâu nhất của miếng thịt, hay còn gọi là điểm đun nóng chậm nhất của miếng thịt, nếu đạt được trên 70 độ C thì mới an toàn. Bên nước ngoài bán rất nhiều nhiệt kế có bọc kim loại để chúng ta cắm vào miếng thịt xem nhiệt độ là bao nhiêu để có thể sử dụng an toàn khi chúng ta chế biến. Vì làm như vậy sẽ đảm bảo sự an toàn và giữ được cảm quan đẹp cho miếng thịt mình chế biến

Bà con cũng có những phương án rất thông minh, tức là khi luộc con gà sẽ lấy vật nhọn cứng đâm vào phần dày nhất nếu thấy dịch tiết ra không còn màu đỏ hồng là an toàn" - PGS.TS Tâm nói.

PGS.TS Tâm khuyến cáo, chỉ có chế biến bằng nhiệt như vậy sản phẩm thịt mới an toàn. Bởi thịt được chế biến ở nhiệt độ 70-100 độ C sẽ đảm bảo tiêu diệt hết các vi rút, vi sinh vật, ấu trùng, giun sán,...nếu có.

Chốt lại vấn đề mà mình đã phân tích, PGS.TS Tâm cho rằng, chúng ta nên "ăn chín, uống sôi" để bảo vệ sức khỏe.

Nguyễn Dương