Cục Đường sắt nói gì về việc “áp” tiêu chuẩn sức khỏe sinh dục với lái tàu?

(Dân trí) - Liên quan đến nội dung dự thảo của Bộ Y tế về khám tiết niệu - sinh dục đối với người lái tàu, đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, đây là vấn đề chuyên môn y tế nên Cục không nắm được, Cục chỉ cung cấp về mặt chức danh ngành cho cơ quan soạn thảo.

Những yêu cầu về sức khỏe đặc thù đối với lái tàu mà Bộ Y tế lấy ý kiến đang gây tranh cãi trong dư luận
Những yêu cầu về sức khỏe đặc thù đối với lái tàu mà Bộ Y tế lấy ý kiến đang gây tranh cãi trong dư luận

Theo đại diện Cục Đường sắt, đường sắt là ngành đặc thù và là nghề đặc biệt nguy hiểm. Trong khi vận hành đoàn tàu, chỉ cần sơ ý là có thể xảy ra sự cố hoặc tai nạn giao thông. Vì vậy, việc quy định các tiêu chuẩn sức khỏe đối với nhân viên trong ngành là hợp lí.

Tại Dự thảo của Bộ Y tế về sức khỏe lái tàu phải đảm bảo hàng trăm chỉ số đang gây nhiều tranh cãi. Cụ thể, với vị trí lái tàu, phụ lái tàu, tiêu chuẩn của nam giới là cao từ 1,64 m trở lên, cân nặng từ 52 kg, vòng ngực trung bình từ 80 cm, lực bóp tay thuận từ 37 kg...

Nữ giới là trưởng tàu, trực ban chạy tàu, nhân viên gác ghi, điều độ chạy tàu phải cao từ 1,53, cân nặng 45kg, vòng ngực trung bình từ 75cm trở lên. Nam, nữ nhân viên tuần đường, gác chắn cũng phải đạt các chỉ số tối thiểu về chiều cao, cân nặng, vòng ngực. Các vấn đề khác cần khám như mắt, tai mũi họng, tim, phổi, máu, răng hàm mặt, hệt tiêu hóa…. và hệ tiết niệu - sinh dục cũng được đặt ra.

Đặc biệt, với nam giới bị tràn dịch màng tinh hoàn, thiếu tinh hoàn hoặc tinh hoàn ẩn, mắc bệnh niệu đạo, dương vật phải can thiệp... được xếp vào không đủ điều kiện cho vị trí lái tàu, phụ lái tàu.

Trả lời về dự thảo quy định các tiêu chuẩn khám sức khỏe, đại diện Cục Đường sắt cho biết dự thảo quy định mới kế thừa Quyết định 4502 của Bộ Y tế. Cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Y tế, các đơn vị liên quan có tham gia phối hợp để xây dựng.

“Trong quá trình Bộ Y tế xây dựng Dự thảo quy định về khám sức khỏe của nhân viên đường sắt, Cục đã phối hợp cung cấp các thông tin về chức danh ngành đường sắt, vị trí công việc của nhân viên trong ngành. Các tiêu chuẩn sức khỏe đều là vấn đề y tế chuyên sâu nên chúng tôi không nắm được. Sức khỏe như thế nào, sức khỏe ra sao thì đạt tiêu chuẩn đều do Bộ Y tế, chúng tôi không biết để góp ý.” - đại diện Cục Đường sắt nói.

Tuy nhiên, đại diện Cục Đường sắt cũng kiến nghị, việc quy định tiêu chuẩn sức khỏe phải đảm bảo phù hợp, bởi lương ngành đường sắt rất thấp mà tiêu chuẩn sức khỏe quá cao thì sẽ không tuyển được người vào làm, thậm chí là người đang làm trong ngành cũng bỏ việc.

Về phía đơn vị trực tiếp quản lý nhân lực phục vụ công tác vận hành và khai thác tàu là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo đơn vị này cho biết đã nhận được văn bản lấy ý kiến về dự thảo nói trên và sẽ có ý kiến trả lời cụ thể, bởi quy định đưa ra nếu không phù hợp sẽ có tác động rất lớn tới lực lượng lao động sản xuất trong ngành.

C.N.Q