Cụ bà bị chó nhà cắn, gia đình xử lý sai khiến nguy hiểm nhân đôi

Minh Nhật

(Dân trí) - 10 ngày sau khi bị chó cắn, vết thương của cụ bà vẫn không lành và có dấu hiệu nhiễm trùng.

Chiều mùng 4 Tết, cụ bà N.T.N., 72 tuổi, sống tại Hưng Yên đã bị chó nhà nuôi cắn vào chân với độ sâu 2-3cm. Theo thông tin từ gia đình, con chó này cũng đã cắn nhiều người khác trong xóm.

Sau khi tấn công người, con chó đã bị gia đình đánh chết. Cụ bà được sơ cứu vết thương và tiêm phòng dại nhưng không tiêm phòng uốn ván.

10 ngày sau khi bị chó cắn, vết thương của cụ bà vẫn không lành và có dấu hiệu nhiễm trùng.

Tại thời điểm được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cụ bà trong tình trạng sốt cao, rét run và nghiến răng. Vị trí vết thương chó cắn có tình trạng nhiễm trùng, phù nề, sưng tấy.

Cụ bà bị chó nhà cắn, gia đình xử lý sai khiến nguy hiểm nhân đôi - 1

Sau khi tấn công người, con chó đã bị gia đình đánh chết. Cụ bà được sơ cứu vết thương và tiêm phòng dại nhưng không tiêm phòng uốn ván (Ảnh minh họa: Getty).

Theo BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tình trạng bệnh nhân bị sốt, rét run theo chẩn đoán ban đầu đã không còn là tình trạng nhiễm trùng tại chỗ.

Bệnh nhân có thể đối mặt với việc nhiễm trùng ngược vào máu gây nhiễm khuẩn huyết.

Nhiễm khuẩn huyết là một căn bệnh đe dọa đến tính mạng khi toàn cơ thể phải phản ứng với sự hiện diện của vi trùng trong máu.

Trong khi hệ thống miễn dịch vốn có chức năng là bảo vệ cơ thể khỏi sự nhiễm trùng, chính nó cũng có thể khiến cơ thể rơi vào tình trạng nguy kịch khi đối phó với nhiễm trùng.

Nhiễm trùng máu nguy hiểm không chỉ vì độc lực của vi khuẩn, độc tố từ các chất bài tiết của chúng, mà còn vì các chất hóa học trung gian do hệ thống miễn dịch giải phóng vào máu, kích hoạt phản ứng viêm toàn thân để chống lại nhiễm trùng nhưng lại làm tổn thương mô và cơ quan trong cơ thể.

"Hiện tại bệnh nhân chưa phát hiện mắc bệnh dại, bệnh nhân đang được xử lý sốt, cùng với đó là theo dõi viêm mô bào tại chỗ", BS Thiệu cho hay.

Theo BS Thiệu, vết thương do chó cắn được xếp vào nhóm vết thương nhiễm khuẩn.

Vì răng của động vật chứa rất nhiều vi khuẩn đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh, nên việc xử trí sẽ khó khăn hơn và tiên lượng cũng dè dặt hơn.

Đáng chú ý, theo BS Thiệu, việc gia đình đánh chết con chó sau khi tấn công người là hành động gây khó khăn cho việc theo dõi tình trạng nhiễm virus dại của bệnh nhân.

"Một con chó mắc bệnh dại cắn người, thời gian phát bệnh cho đến khi chết sẽ dao động 1-7 ngày. Vì gia đình đánh chết con chó sau khi cắn người nên không thể theo dõi được nó có mắc bệnh dại hay không.

Đây cũng là sai lầm chung của nhiều người dân sau khi bị chó cắn. Chính vì vậy, gia đình có người thân bị chó cắn, không nên có hành động nóng vội như trên, để tiện cho quá trình điều trị và theo dõi tình hình bệnh của người thân", BS Thiệu lưu ý.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe, tính mạng sau khi bị chó mèo, súc vật cắn người dân cần tuân thủ xử trí theo các bước sau:

- Rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

- Vết thương sau khi rửa bằng nước cần được rửa kỹ với cồn 70 độ hoặc cồn i-ốt, nếu có.

- Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.

- Không nên đi lấy nọc, đắp thuốc nam, hoặc đắp lá cây, bã cà phê, ớt bột, nước ép, nhựa cây... lên vết thương.

- Không rạch hoặc làm dập nát thêm vết thương. Không nên khâu kín vết thương.