TPHCM: Hàng nghìn người tiêm phòng dại vì bị chó mèo cắn trong dịp Tết
(Dân trí) - Chỉ trong ít ngày, bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm tuyến cuối ở TPHCM đã tiếp nhận hàng ngàn người bị động vật tấn công đến tiêm ngừa bệnh dại.
Ngày 20/2, thông tin với phóng viên Dân trí, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, trong khoảng thời gian ngắn của tháng 2 (trước và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024), nơi này đã tiếp nhận hàng ngàn người dân đến tiêm vaccine ngừa bệnh dại.
Cụ thể, tính từ ngày 1/2 đến ngày 18/2, có 1.745 trường hợp đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiêm vaccine ngừa dại, rải đều cả hai giới tính nam và nữ. Về độ tuổi, có 415 trường hợp là trẻ dưới 15 tuổi và hơn 500 ca từ 50 tuổi trở lên. Chỉ có 5 người đến tiêm ngừa sau khi bị động vật cắn trên 15 ngày, còn lại đều là các trường hợp mới bị tấn công thời gian ngắn.
Về nguyên nhân, có hơn 1.400 người bị chó cắn, hơn 300 trường hợp bị mèo cắn/cào, 1 ca bị dơi cắn và 26 trường hợp bị các động vật khác tấn công. Trong đó, hàng trăm trường hợp bị cắn bởi chó mèo thả rông, 34 ca bị con vật đang ốm tấn công.
Về vị trí vết thương, bệnh nhân chủ yếu bị tấn công ở tay chân (tổng cộng hơn 1.500 trường hợp), ngoài ra còn có vùng đầu mặt cổ (hơn 150 ca) và thân mình. Đáng chú ý, sau khi bị tấn công, gần 900 trường hợp mang vết thương độ 3, hơn 850 ca có vết thương độ 2.
Ngoài tiêm bắp cho 1.745 người, có gần 900 ca được chỉ định dùng huyết thanh kháng dại. Tổng số lượt tiêm thống kê được (bao gồm mũi đầu và mũi nhắc) là hơn 3.650 lượt, giảm nhẹ so với dịp Tết năm 2023 (hơn 3.900 lượt). Tất cả các trường hợp tiêm ngừa đều không xảy ra phản ứng phụ bất lợi.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, chỉ trong vài ngày của dịp Tết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã ghi nhận 2 trường hợp "vô phương cứu chữa" vì mắc bệnh dại sau khi bị chó cắn.
Trường hợp đầu tiên là ông T.T.H. (57 tuổi, quê Cà Mau), nhập viện vào khuya 11/2 với bệnh sử xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió, kích động, dị cảm ngón tay lan ra cánh tay phải. Cách nhập viện 4 tháng, ông H. bị chó cắn vào ngón tay nhưng không đi tiêm ngừa.
Tại khoa Cấp cứu, kết quả xét nghiệm của người đàn ông dương tính với virus dại. Bệnh nhân được cho dùng kháng sinh, thuốc an thần, điều trị tích cực nhưng không hiệu quả vì bệnh dại đã phát nặng. Sau khi nghe bác sĩ tư vấn, gia đình xin cho bệnh nhân về. Đến ngày 12/2, ông H. tử vong.
Trường hợp thứ hai là một bé gái tên T.T.H.T. (4 tuổi, quê Bình Thuận), được chuyển vào bệnh viện ở TPHCM ngày 14/2 trong tình trạng ăn uống kém, thở không đều, sợ nước và gió, mệt nhiều, sốt. Theo điều tra dịch tễ, trước đó 7 ngày, bé bị chó cắn vào vùng mặt (trước vùng trán, quanh mắt, gò má) và cũng không đi tiêm ngừa.
Tại khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, bé T. có biểu hiện hoảng sợ, la hét, kích động khi được quạt gió và đưa nước. Bệnh nhi cũng được điều trị tích cực, với chẩn đoán mắc bệnh dại nặng. Đến chiều tối 15/2, cháu bé không qua khỏi.