1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cứ 100.000 người Việt có hơn 18 ca tử vong vì căn bệnh này trong một năm

Hoàng Lê

(Dân trí) - Thống kê tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ tử vong do căn bệnh này trong năm 2021 là 18,2/100.000 dân.

Hàng triệu người tử vong vì nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới

Tại hội nghị khoa học "Gánh nặng bệnh tật của phế cầu trên người trưởng thành", vừa diễn ra ở TPHCM, chuyên gia cho biết, theo nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật toàn cầu, năm 2021, cả thế giới có khoảng 344 triệu ca nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và 2,18 triệu ca tử vong do tình trạng này.

Cứ 100.000 người Việt có hơn 18 ca tử vong vì căn bệnh này trong một năm - 1

Toàn cảnh hội nghị khoa học "Gánh nặng bệnh tật của phế cầu trên người trưởng thành" (Ảnh: TV).

Trong đó, phế cầu khuẩn là nguyên nhân gây ra tỷ lệ các ca nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và tử vong cao nhất, với 97,9 triệu ca nhiễm và 505.000 ca tử vong ước tính. Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do viêm phổi năm 2021 là 18,2 ca trên 100.000 dân.

Mặc dù thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp dưới (LRTIs) và phế cầu khuẩn, nhưng gánh nặng vẫn còn cao. Nguy cơ mắc bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn (IPD) ở người lớn tăng lên theo tuổi và khi hiện diện một số bệnh đồng mắc.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính mỗi năm trên toàn cầu có 1,6 triệu người chết do bệnh phế cầu khuẩn. Trong đó, có 600.000-800.000 ca là người lớn, chủ yếu do bị viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Hơn 90% số ca tử vong này xảy ra ở các nước đang phát triển.

Cứ 100.000 người Việt có hơn 18 ca tử vong vì căn bệnh này trong một năm - 2

Một bệnh nhân viêm phổi điều trị tại TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ, các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh phế cầu ở người trưởng thành bao gồm tuổi tác (đặc biệt là người trên 65 tuổi) và tình trạng miễn dịch suy yếu.

Người mắc bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, gan mạn tính cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh phế cầu.

Song song đó, hành vi lối sống như hút thuốc lá và nghiện rượu làm tăng nguy cơ hơn, vì hút thuốc lá làm suy yếu hệ miễn dịch và gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, còn nghiện rượu có thể làm suy giảm chức năng gan và hệ miễn dịch.

Gánh nặng bệnh tật và chi phí điều trị khổng lồ

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong sẽ tăng đáng kể theo độ tuổi và tình trạng miễn dịch của bệnh nhân.

Đơn cử, các bệnh nhân tim mạch mạn tính có nguy cơ mắc các bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn (IPD) cao gấp 3-7 lần so với người khỏe mạnh; bệnh nhân đái tháo đường sẽ có nguy cơ cao gấp 2-5 lần; bệnh phổi mạn tính có nguy cơ gấp 5-17 lần; bệnh ung thư có nguy cơ mắc IPD cao gấp 23-38 lần…

Tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi cộng đồng (CAP) tăng theo tuổi và tình trạng miễn dịch của bệnh nhân, tỷ lệ tử vong của viêm phổi xâm lấn do phế cầu thay đổi từ 6% đến 20%.

Tình trạng kháng kháng sinh của phế cầu khuẩn cũng là một vấn đề toàn cầu, dẫn đến thất bại điều trị và tăng chi phí y tế. Bên cạnh đó, gánh nặng tài chính do phế cầu khuẩn gây ra là không hề nhỏ.

Cứ 100.000 người Việt có hơn 18 ca tử vong vì căn bệnh này trong một năm - 3

Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng khuyến cáo cách phòng chống bệnh phế cầu khuẩn (Ảnh: TV).

Một nghiên cứu vào năm 2004 tại Mỹ ước tính, bệnh phế cầu khuẩn gây ra 4 triệu ca bệnh, 22.000 ca tử vong, 445.000 ca nhập viện, 774.000 lượt khám cấp cứu, 5 triệu lượt khám ngoại trú và 4,1 triệu đơn thuốc kháng sinh ngoại trú.

Không những thế, gánh nặng kinh tế do bệnh phế cầu khuẩn gây ra ở người lớn trên 50 tuổi mỗi năm là khoảng 3,7 tỉ đô la Mỹ chi phí điều trị trực tiếp và 1,8 tỉ đô la Mỹ chi phí gián tiếp. Viêm phổi chiếm 22% số ca bệnh nhưng chiếm tới 72% chi phí chữa trị.

Riêng tại Việt Nam, chi phí điều trị trung bình cho mỗi bệnh nhân viêm phổi cộng đồng là 15-23 triệu đồng (tương đương từ 600-1.000 đô la Mỹ) và thời gian nằm viện trung bình là 6-13 ngày. Vì vậy, vai trò của dự phòng bệnh kịp thời rất quan trọng.

Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh, bên cạnh các biện pháp dự phòng không đặc hiệu như đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc nơi đông người, hạn chế các đường lây truyền... thì dự phòng chủ động bằng vaccine là một trong những giải pháp quan trọng nhất để đối phó với bệnh phế cầu khuẩn.