Covid-19 chuyển sang nhóm B, Sở Y tế TPHCM làm gì trong tình hình mới?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Sở Y tế TPHCM cho biết đã xây dựng kế hoạch quản lý bền vững dịch Covid-19 trên địa bàn trong tình hình mới, trong bối cảnh đã có những thay đổi về quy định pháp luật.

Chiều 27/10, Sở Y tế TPHCM đã thông tin những điểm mới cần biết, khi Covid-19 chính thức chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Trước đó vào ngày 19/10, Bộ Y tế đã ban hành quyết định về việc chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10.

Theo quyết định mới, Covid-19 sẽ xếp vào nhóm có thời gian ủ bệnh trung bình là 4 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh làm căn cứ để công bố hết dịch là 8 ngày.

Covid-19 chuyển sang nhóm B, Sở Y tế TPHCM làm gì trong tình hình mới? - 1

Bệnh nhân Covid-19 từng điều trị tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Để triển khai đồng bộ, thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch sau khi Covid-19 chuyển từ nhóm A sang nhóm B, Sở Y tế TPHCM đã xây dựng kế hoạch quản lý bền vững dịch Covid-19 trên địa bàn trong tình hình mới.

Kế hoạch sẽ được trình cho UBND TPHCM xem xét, phê duyệt nhằm triển khai, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo kế hoạch, có 4 nội dung chính được Sở Y tế TPHCM xây dựng:

Thứ nhất, không chủ quan, lơ là khi Covid-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Sở Y tế lý giải, virus gây bệnh vẫn có thể biến đổi, nên việc giám sát sẽ không chỉ trên ca bệnh, mà sẽ tiếp tục lồng ghép vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp khác, nhằm theo dõi các biến thể của virus.

Song song đó, phác đồ điều trị bệnh Covid-19 vẫn giữ theo hướng dẫn cập nhật đến tháng 6. Người mắc bệnh phải đeo khẩu trang trong 10 ngày, kể từ ngày phát bệnh hoặc từ ngày có kết quả dương tính.

Thứ hai, tiếp tục tiêm miễn phí vaccine phòng Covid-19 trong năm 2023.

Theo đó, Bộ Y tế đã có kế hoạch sử dụng vaccine phòng Covid-19 trong năm 2023, ưu tiên tiêm các đối tượng có nguy cơ như người cao tuổi, người có bệnh nền. Các mũi tiêm cơ bản cho người dân cũng đã triển khai đầy đủ.

Riêng trong năm nay, tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn miễn phí. Sang năm 2024, Bộ Y tế sẽ cập nhật thông tin sau.

Covid-19 chuyển sang nhóm B, Sở Y tế TPHCM làm gì trong tình hình mới? - 2

Học sinh tiêm vaccine Covid-19 tại TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Thứ ba, không còn khám, điều trị miễn phí đối với người bệnh mắc Covid-19.

Từ ngày 20/10 trở đi, người bệnh đến khám và điều trị bệnh Covid-19 sẽ không được ngân sách Nhà nước chi trả, mà được hưởng chi trả bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định hiện hành.

Riêng đối với người bệnh vào viện trước ngày 20/10 và ra viện sau ngày này, bệnh nhân sẽ được ngân sách chi trả chi phí khám, điều trị bệnh đến trước ngày 20/10.

Từ ngày 20/10, quỹ BHYT sẽ chi trả chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân theo quy định. Trong trường hợp người bệnh không tham gia bảo hiểm y tế thì sẽ tự thanh toán. Cũng từ ngày 20/10, những tình nguyện viên, cộng tác viên tham gia chống dịch Covid-19 sẽ không còn phụ cấp chống dịch.

Covid-19 chuyển sang nhóm B, Sở Y tế TPHCM làm gì trong tình hình mới? - 3

Diễn tập phòng chống Covid-19 tại bệnh viện dã chiến số 13 (Ảnh: Sở Y tế TPHCM).

Thứ tư, giải thể bệnh viện dã chiến số 13.

Sở Y tế TPHCM đã tham mưu UBND TPHCM ban hành quyết định giải thể Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13 tại huyện Bình Chánh. Đây là bệnh viện dã chiến duy nhất của TPHCM đặt trong tình trạng sẵn sàng kích hoạt trở lại, nhằm tiếp nhận người bệnh Covid-19 trong tình huống dịch bùng phát trở lại.

Sở Y tế sẽ điều chuyển các trang thiết bị còn lại trong bệnh viện (như giường inox, hệ thống oxy) đến các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc, phục vụ cho hoạt động khám, chữa bệnh thông thường.

Kể từ đầu dịch, Việt Nam có hơn 11,6 triệu ca nhiễm Covid-19. Tổng số ca tử vong do Covid-19 là hơn 43.200 ca, chiếm 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Đến nay, Việt Nam đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vaccine ngừa Covid-19.