Công tội... dưa món, củ kiệu
Dưa món, củ kiệu có tội nặng là gây ung thư và cách tốt nhất là "tẩy chay" chúng ra khỏi danh sách thực phẩm Tết. Điều này có nên? Thôi thì hãy đem công và tội để cân, đong, đo, đếm để đi đến kết luận khả thi nhất.
Công của dưa món
Từ những ngày trước Tết, các loại củ kiệu, su hào, cà rốt, su su, củ cải trắng đã được các bà nội trợ khéo tay mua về cắt nhỏ, có người còn cầu kỳ làm hoa, làm thú... sau đó phơi nắng. Khi nguyên liệu đã se mặt, chúng sẽ được rửa sạch, xếp vào lọ nhỏ ngâm nước giấm đường hoặc muối đường tùy khẩu vị từng nhà.
Còn những nhà kinh doanh dưa món Tết sẽ có chung một khẩu vị chua chua, ngọt ngọt để dễ bán. Dưa món, ngâm khoảng 3 - 7 ngày có thể dùng với thức ăn béo ngậy như thịt mỡ, bánh chưng rất ... hương vị quê nhà.
Đó là lý do mà những Việt kiều phương xa nhớ Tết không nguôi. Dưa món là sáng kiến tuyệt vời của tổ tiên chúng ta vì vừa giúp phụ nữ được nghỉ ngơi không cần đi chợ những ngày Tết vừa là chất rau có rất nhiều chất xơ tươi sống trợ lực hệ tiêu hóa.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng: chất xơ có khả năng thẩm thấu nước, tăng cường "kích cỡ" chất thải nên chống táo bón hiệu quả (táo bón hiện đã trở thành bệnh thời đại vì công việc căng thẳng, stress). Chất xơ trong dưa món, củ kiệu còn có khả năng chống béo phì nhờ gây cảm giác no nên ăn... ít, cải thiện sự bài tiết cholesterol.
Bên cạnh đó, nhờ tính thấm nước và tăng thể tích nên chất xơ còn có nhiệm vụ làm chậm hấp thu đường vào máu nhờ vậy lượng đường huyết không tăng đột ngột (bữa ăn nhiều rau củ - rất có lợi cho sức khỏe của những người bị bệnh tiểu đường).
"Tội" của dưa món
Trong các bài báo cáo về thực phẩm gây ung thư của các bác sĩ chuyên ngành ung bướu bao giờ cũng có đoạn: các thực phẩm ướp muối, ủ chua, ngâm giấm và hun khói như cá hun khói, dưa góp, thịt xử lý bằng nitrit thuộc loại thực phẩm gây ung thư.
Một món ngon có ý nghĩa quốc hồn quốc túy như thế mà lại gây ung thư thì quả là điều khiến ai cũng ngỡ ngàng nuối tiếc. Khi biết thông tin này ai cũng ở trong tình trạng "tiến thoái lưỡng nan", ăn không nỡ mà không ăn thì không... có Tết!
Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, trong buổi nói chuyện mang tựa đề "Ai cũng có thể phòng chống ung thư" tại Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM đã nhấn mạnh đến chất gây ung thư và cách phòng chống. Theo ông, bệnh theo miệng mà vào (bệnh tòng khẩu nhập), các loại thức ăn muối mặn như: dưa chua, cà pháo, mắm tôm, thịt hun khói làm tăng nguy cơ ung thư bao tử do có chất nitrosamin.
Tuy nhiên, theo ông chỉ những người "chung thủy" trong ăn uống, ăn hoài một món thành thói quen mới dễ bị ung thư bao tử mà thôi. Còn món dưa món, củ kiệu chúng ta chỉ dùng khi Xuân về như vậy không có gì đáng ngại.
Và nếu biết cách ăn uống, ăn vừa phải dưa món, củ kiệu và ăn kèm với các thực phẩm chống ung thư như: rau xanh, hoa quả tươi thì không gì đáng sợ.
Luận công - tội của món củ kiệu, dưa món, chúng ta thấy rõ là công nhiều hơn tội, do đó không có lý do gì mà dẹp bỏ đĩa dưa món nhiều màu sắc tươi đẹp với những hình con thú, đóa hoa xinh xắn ra khỏi bàn tiệc ngày Xuân làm mất đi hương vị Tết cổ truyền dân tộc.
Theo Bác sĩ gia đình