1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Công nghệ biến chó bệnh thành “cầy tơ”

“Một khi có chủ ý thì bất kỳ con chó sình, chó ghẻ nào, qua và các đồng nghiệp cũng dư sức biến thành chó tơ”, một chủ quán thịt cầy (đã giải nghệ) bật mí.

Lâu nay, mỗi khi nhắc đến chợ Phạm Văn Hai (phường 5, quận Tân Bình, TPHCM), người ta thường liên tưởng đến hình ảnh những bàn thịt “cẩu” bị chặt đầu, moi bụng phơi tênh hênh giữa khói bụi lề đường. Anh Hồ Sĩ Bình (ngụ phường 3), kêu trời: “Mỗi ngày có hàng chục con chó bị xẻ thịt và giao dịch. Điều đáng quan ngại là phần lớn chó đều có “xuất thân” rất trời ơi. Chó chết sình, chó bị ghẻ lở, chó bị xe cán… qua tay nghề “tô điểm” của các chuyên gia đều trở thành thịt cầy hảo hạng. Đây chính là nguồn phát tán dịch bệnh vô cùng nguy hại”.

 

Tràn lan chó không rõ nguồn gốc

 

Cùng anh Bình có mặt tại “chợ cẩu” Phạm Văn Hai, chúng tôi ghi nhận không khí xẻ thịt, mua bán mấy “đại ca” gâu gâu vô cùng náo nhiệt. Trên những chiếc bàn kê sát lề đường, chó bị chặt đầu moi bụng được các chủ quầy chất chồng chồng lớp lớp, con nằm sấp, con chỏng 4 chân lên trời trông rất kinh dị. Phía dưới các bàn là những thau đồ lòng bầy nhầy với ruồi nhặng bu đầy trông rất gớm ghiếc. Để đuổi đám ruồi nhặng bu bám dai như đỉa đói, một chủ quầy dáng người phốp pháp tức tốc chạy vào trong lấy ra chai thuốc xịt côn trùng nhấn nút phun tùm lum.

 

Mục kích hình ảnh ấy, anh Bình lắc đầu: “Tui sống trên con đường này, ngày nào cũng qua lại nên quen rồi. Cũng nhờ tận mắt chứng kiến nên tui dặn anh em chiến hữu không nên đụng đũa “vitamin gâu gâu” một khi không rõ xuất thân con vật. Nếu phàm ăn, đụng phải đám chó độc kia thì có nước á khẩu”.

 

Đảo sang quầy “cờ-tây” cách đó mươi bước chân, chúng tôi được chị chủ quầy gầy tong liến thoắng mời chào: “Làm vài cân về xáo măng tăng lực đi. Chó tơ đấy, thịt thơm, mềm lắm!”. Bà chị chưa dứt lời thì một thanh niên chừng là mối quen sấn tới hối “xả nửa con đi”.

 

Trong lúc chờ chủ quán tác nghiệp, anh thanh niên tự giới thiệu tên Khả, giọng hớn hở: “Ở đây thịt cầy rẻ như thịt heo nên anh em mình ghé mua đông lắm”. Khi nghe hỏi sao không ghé quán ăn xong rồi về, khỏi phải nấu nướng chi mệt thì Khả nhoẻn miệng cười: “Mua chó về mần tiết kiệm hơn. Mỗi thằng chỉ cần hùn khoảng bốn chục (40.000 đồng) là có đại tiệc “cờ tây” 7 món ăn cả ngày không hết”.

 

Chủ các quầy thịt chó hơi mà chúng tôi đáo qua đều tuyên bố sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu về thịt chó của khách với số lượng không giới hạn. Nếu là mối quen hoặc có đặt cọc trước thì sẽ được giao “hàng” tại gia. Nhưng qua tâm tình của anh Bình và một số cư dân ở trên cung đường “cờ-tây”, chúng tôi ghi nhận những bật mí nổi da gà.

 

Anh Hải, hàng xóm của anh Bình, tiết lộ: “Để có thể mỗi ngày cung cấp cho thị trường hàng tạ chó hơi, các chủ quầy gom hàng từ nhiều nguồn, chủ yếu là từ đội quân chuyên bắt trộm, bẫy chó bằng độc chất”. Anh Hải khẳng định: “Để luôn chủ động nguồn “hàng”, chủ quầy không ngần ngại thu luôn những con chó chết trôi trương sình, ghẻ lở về mông má lại. Nói chung họ không quan tâm đến vấn đề nguồn gốc”.

 

Kỹ nghệ mông má “thấy là ớn” 

 

Công nghệ biến chó bệnh thành “cầy tơ” - 1

Qua các công đoạn hô biến, nhiều chó ghẻ, chó dại trở thành chợ “cầy tơ” bắt mắt ẩn họa nhiều mối nguy

Xuyên suốt chợ “cờ-tây”, chúng tôi nhận thấy 100% chó được bày bán đều có làn da vàng óng trông rất bắt mắt mà nếu không biết trước, ai đó cứ ngỡ đó là thịt các con thú rừng như chồn, thỏ rừng, cầy hương… Anh Hải lưu ý: “Thường thì thực khách rất dễ bị sự hấp dẫn đánh lừa. Thấy mấy con chó được thui da vàng óng, họ cứ đinh ninh đó là cầy tơ chính hiệu chứ nào biết đó là chó chết ôi, chó bị ghẻ, có khi là chó dại không chừng”.

 

Ông Vinh, chủ một quán thịt cầy nay đã giải nghệ sau tâm tình: “Qua dừng bước giang hồ vì không muốn gây nợ với đời để tích nạp thêm nghiệp chướng”. Ông bật mí: “Một khi có chủ ý thì bất kỳ con chó sình, chó ghẻ nào, qua và các đồng nghiệp cũng dư sức biến thành chó tơ. Nếu chó trương sình, ghẻ lở thì mình dùng lửa hàn khò cho trụi lông, tiếp đó bôi phẩm màu cho vàng rồi khò cho khô. Sau ba bận như vậy thì ghẻ lở cỡ nào cũng nhường chỗ cho màu da vàng vóng. Với những con chó dậy mùi, mình chỉ cần bôi phoóc môn thì thịt nó sẽ săn lại, tiếp đó rưới máu heo lên thì ôi cỡ nào nhìn cũng y như mới”.

 

Một “đồng nghiệp” của ông Vinh tên Mai, khẳng định “kỹ nghệ mông má “vitamin cẩu cẩu” tương tự kỹ nghệ biến thịt heo nái thành thịt nai, thịt heo rừng”. Đã giải nghệ được 4 năm nên ông Mai không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm: “Với chó bị chết nước, để “nhan sắc” của nó như thuở ban đầu mình chỉ cần chĩa mũi hàn gió đá lâu hơn mấy con bình thường để hơi nóng khiến thịt đang phình lên teo lại rồi săn chắc. Tiếp đó chỉ cần nhúng nguyên con chó vào thùng nước hỗn hợp gồm một số “dược liệu” gồm sả, lá lốt, gừng, riềng và một số thực phẩm thảo dược khác là OK thôi”.

 

Dứt lời, ông này giãi bày tâm can: “Hồi trước dân kinh doanh thịt cầy tụi tôi khoái thâu vô mấy con chó chết sình, ghẻ lở bởi giá mua vào càng rẻ thì lời càng cao. Nhưng sau này nghĩ lại thấy mình hơi bị thất đức nên tui giã từ chiến trường”.

 

Đừng vì miếng ăn mà chuốc họa vào thân!

 

Ngành Y tế nhiều lần cảnh báo phẩm màu công nghiệp và phoóc-môn được dùng để ướp xác là những chất độc hại cho sức khỏe con người, là tác nhân dẫn đến nguy cơ ung thư. Một bác sĩ nhắc nhở: “Khi được dùng với liều lượng thấp, độc chất sẽ không gây hiểm nguy cấp tính mà có khi nó tích nạp dần, đến khi quá mức thì bung bệnh như kiểu bơm không khí vào bong bóng. Đến lúc quá tải thì nổ bùm, mọi chuyện đã quá muộn”.

 

Ông Lê Văn Lương, cán bộ hưu trí, âu lo: “Lâu nay chúng ta chỉ quan tâm đến chất lượng thịt gia súc, gia cầm mà bỏ qua thịt chó. Theo tôi được biết thì thành phố gần như thả nổi kênh tiêu thụ này. Các lò giết thịt, mông má chó vẫn đứng ngoài các cuộc kiểm tra của ngành chức năng. Bằng chứng là các phương tiện thông tin đại chúng lâu nay chỉ đưa tin quản lý thị trường, y tế, thú y bắt vụ vận chuyển, xả thịt trái phép heo gà, trâu bò chứ chó thì chưa thấy nhắc đến”. Ông Lương trăn trở: “Lấy gì chứng minh những đĩa chó hấp, chó xáo măng, chó giả cầy là chó sạch chứ không phải là chó dại, chó bệnh?”.

 

Theo Thành Dũng

Công an nhân dân