1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Công dụng chữa bệnh của lá ổi có thể bạn chưa biết

Hà An

(Dân trí) - Chiết xuất lá ổi đã được chứng minh có tác dụng chống ung thư. Điều này có thể là do hàm lượng chất chống oxy hóa cao giúp ngăn chặn các gốc tự do gây tổn hại cho các tế bào.

Các nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật cho thấy chiết xuất lá ổi có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.

Mặc dù kết quả thí nghiệm ống nghiệm rất hứa hẹn song điều đó không có nghĩa chiết xuất lá ổi giúp điều trị ung thư ở người. Nghiên cứu sâu hơn cần được thực hiện trước khi có bất kỳ lời tuyên bố nào.

Chiết xuất ổi được tinh chế từ lá và vỏ cây có nhiều phân tử hoạt tính sinh học với các hoạt động chống ung thư. 

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng chất chiết xuất từ ổi có tác dụng chống viêm, chống vi khuẩn, chống oxy hóa và chống ung thư. Những chức năng này của chiết xuất ổi có liên quan đến nhiều phân tử hoạt tính sinh học như oxit beta-caryophyllene, vitamin, tannin, hợp chất phenolic, flavonoid và axit triterpenoid. 

Công dụng chữa bệnh của lá ổi có thể bạn chưa biết - 1

Trong y học cổ truyền lá ổi có thể được dùng làm thuốc (Ảnh minh họa: Pixels).

Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng chiết xuất ổi có thể ức chế sự phát triển của tế bào trong các bệnh ung thư khác nhau như ung thư phổi, ung thư biểu mô trực tràng, bệnh bạch cầu dòng tủy, ung thư biểu mô tế bào vảy, u tủy, ung thư cổ tử cung và ung thư dạ dày.

Tuy nhiên, cơ chế gây ra bởi chiết xuất ổi dẫn đến các hoạt động chống ung thư vẫn chưa được biết rõ.

Một số nghiên cứu đã gợi ý rằng chất chiết xuất từ ổi, hầu hết được tinh chế từ lá ổi hoặc vỏ ổi, là nguyên liệu tiềm năng để điều trị ung thư vú. Chất chiết xuất từ ổi được cho là có hoạt tính giống như estrogen, và do đó, chất chiết xuất từ ổi rất hữu ích để điều trị các tế bào ung thư vú dương tính với ER, chẳng hạn như tế bào MCF-7. 

Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, lá, hạt và vỏ của ổi cũng có thể ăn được hoặc dùng làm thuốc. Một trong những phương pháp phổ biến nhất để sử dụng lá ổi là hãm trong nước sôi để pha một tách trà nhẹ nhàng và thơm ngon.

Theo y học cổ truyền, lá ổi vị đắng sáp, tính ấm, có công dụng tiêu thũng giải độc, thu sáp, chỉ huyết. Quả ổi vị ngọt hơi chua sáp, tính ấm, có công dụng thu liễm, kiện vị cố tràng. 

Theo ông Giang, lá ổi từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền phương Đông để giúp đẩy lùi bệnh đái tháo đường một cách tự nhiên ở các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc... Kết quả nghiên cứu trên các mô hình động vật cho thấy, chiết xuất lá ổi có thể giúp giảm lượng đường trong máu đồng thời cải thiện quá trình chuyển hóa glucose.

Một số nghiên cứu trên mô hình động vật đã phát hiện ra rằng chiết xuất lá ổi có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh tiêu chảy. Mặc dù không rõ chính xác lá ổi hoạt động như thế nào để ngăn ngừa và điều trị những vấn đề này, nhưng người ta cho rằng đó là do khả năng kháng vi sinh vật của cây ổi.

Ngoài ra, chiết xuất lá ổi có đặc tính chống viêm nhờ sự hiện diện của flavonoid, là những hợp chất hoạt động như chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể. 

Chứng viêm là cốt lõi của hầu hết bệnh tật, việc sử dụng nhiều loại thực phẩm và chất bổ sung giúp giảm viêm trong chế độ ăn uống có thể giúp tăng cường sức khỏe của chúng ta.

Lương y Giang cho biết thêm, do đặc tính chống viêm và chống oxy hóa của lá ổi, nó có thể hỗ trợ ngăn ngừa xơ vữa động mạch, một tình trạng đặc trưng bởi sự tích tụ các mảng bám chất béo trong động mạch.

Theo một nghiên cứu trong ống nghiệm được công bố trên tạp chí Food Chemistry, trà lá ổi có thể giúp ngăn chặn hoạt động của một loại enzyme cụ thể chịu trách nhiệm cho sự khởi phát của chứng xơ vữa động mạch, có khả năng giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và bảo vệ chống lại bệnh tim mạch vành.

Một số nghiên cứu cho thấy lá ổi có thể có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm mạnh mẽ. Trên thực tế, một nghiên cứu trong ống nghiệm vào năm 2010 đã lưu ý rằng lá ổi có khả năng hỗ trợ điều trị các tình trạng như ho, tiêu chảy, loét miệng và viêm quanh răng.

Các nghiên cứu khác đã chứng minh rằng lá ổi có thể phát huy tác dụng kháng khuẩn chống tiêu chảy trong trường hợp không có sẵn kháng sinh. Trong y học dân gian, lá ổi thường được giã nát đắp lên vết thương hở, vết loét.

Ổi có những phản ứng phụ gì?

Tiến sĩ Giang cho biết, một đánh giá năm 2017 trên Tạp chí Khoa học Phân tử Quốc tế đã kết luận rằng quả và lá ổi không gây ra bất kỳ tác dụng phụ đáng kể nào và hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh có thể tiêu thụ một cách an toàn.

"Hơn nữa, mặc dù nhiều người tin rằng ăn ổi vào ban đêm có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhưng không có bằng chứng thực tế nào chứng minh điều này. Do đó, chúng ta có thể dễ dàng thưởng thức quả ổi, trà lá vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày", Tiến sĩ Giang cho biết.

Bên cạnh đó, chuyên gia lưu ý chúng ta nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng chiết xuất lá ổi hoặc các chất bổ sung từ ổi khác, đặc biệt những người đang có bất kỳ tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nào đó hoặc đang mang thai hoặc cho con bú.