Hà Tĩnh:

Công bố hết dịch tai xanh ở lợn

(Dân trí) - Hôm qua (13/5), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã công bố dịch tai xanh ở lợn tại xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên), Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân) đã chấm dứt.Đồng thời, bãi bỏ vùng bị dịch uy hiếp.

Theo đó, mọi hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán sản phẩm từ lợn ở các xã trên được phép lưu thông trở lại bình thường. Đồng thời, bãi bỏ vùng bị dịch uy hiếp bao gồm các xã, thị trấn: Cẩm Vịnh, Cẩm Quang, Cẩm Thành...của huyện Cẩm Xuyên; xã Thạch Thắng, Thạch Hội, Tượng Sơn... của huyện Thạch Hà; các phường, xã Thạch Bình, Hà Huy Tập, Đại Nài, Trần Phú, Thạch Linh, Nam Hà của TP Hà Tĩnh; Xuân Lam, Xuân Lĩnh, Xuân An, Xuân Viên của huyện Nghi Xuân.

Khoảng đầu tháng 3, dịch tai xanh ở lợn bắt đầu xuất hiện ở xã Xuân An, huyện Nghi Xuân
Khoảng đầu tháng 3, dịch tai xanh ở lợn bắt đầu xuất hiện ở xã Xuân An, huyện Nghi Xuân

Khoảng vào đầu tháng 3, dịch tai xanh ở lợn bắt đầu xuất hiện ở xã Xuân An (Nghi Xuân), sau đó xuất hiện tại 5 xã trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên và tiếp tục lan rộng sang một số xã của huyện Thạch Hà, TP Hà Tĩnh và Xuân Hồng (Nghi Xuân).

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 10/4, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định số 917/QĐ-UBND công bố dịch tai xanh ở lợn tại các xã: Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên), Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân).

Sau hơn 1 tháng nổ lực kiểm soát chặt chẽ, tình hình dịch bệnh ở lợn đã được khống chế hoàn toàn. Đến nay, tình hình dịch trên địa bàn các xã nói trên đã ổn định và không phát sinh thêm các ổ dịch mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đã ký Quyết định công bố hết dịch tai xanh ở lợn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đã ký Quyết định công bố hết dịch tai xanh ở lợn

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng hường dẫn bà con khôi phục sản xuất. Theo đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các phường, xã thực hiện các biện pháp khôi phục sản xuất chăn nuôi theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là do dịch bệnh ở gia súc, gia cầm trên các tỉnh lân cận vẫn còn diễn biến phức tạp. Các địa phương cần tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường chuồng trại, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, hướng dẫn người dân mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
 
Xuân Sinh – Văn Dũng